Ngày 26-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ký văn bản thông báo về các nhiệm vụ của giáo dục trong năm học 2017-2018.
Xử lý cán bộ chưa đạt chuẩn
Theo đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đến việc rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT trong cả nước; xây dựng hệ thống chuẩn trường sư phạm phục vụ công tác quy hoạch cũng như hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và đào tạo giáo viên, trình Thủ tướng Chính phủ.
Các địa phương cũng tiếp tục rà soát quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Đối với khu vực thành phố, quy hoạch trường, lớp cần theo hướng mở rộng ra khu vực ngoại ô để khắc phục tình trạng sĩ số lớp quá đông do thiếu quỹ đất.
Học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (quận 1, TP HCM) chuẩn bị vào năm học mới Ảnh: Hoàng Triều
Một vấn đề trọng tâm nữa là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Bộ GD-ĐT ban hành các chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý, giảng viên sư phạm làm cơ sở để các địa phương, các trường sư phạm rà soát, quản lý, sắp xếp, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn; có biện pháp xử lý đối với giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn tối thiểu.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh việc đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, triển khai biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo chương trình mới. Đồng thời, tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng tinh giản, tiếp cận định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ GD-ĐT yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng mà Bộ GD-ĐT đặt ra trong năm học này. Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 (sửa đổi Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020). Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục.
Năm học này, Bộ GD-ĐT cũng sẽ đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD-ĐT. Tăng cường tự chủ của các nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch phát triển chương trình giáo dục nhà trường; đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong trường học gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Xác định chỉ tiêu tuyển sinh hợp lý
Ông Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ đạo tiếp tục thí điểm áp dụng các mô hình, chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, giáo trình và phương thức dạy học, kiểm tra, đánh giá của các nước có nền giáo dục tiên tiến; tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GD-ĐT. Trong đó, rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.
Về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ GD-ĐT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế. Nghiên cứu dự báo nhu cầu thị trường lao động, phát triển các chuyên ngành khoa học cơ bản, các ngành học liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) và những ngành thị trường có nhu cầu tuyển dụng cao. Đồng thời, rà soát nhu cầu số lượng và chất lượng giáo viên mầm non, phổ thông để xác định chỉ tiêu tuyển sinh hợp lý cho các trường sư phạm...
Bỏ bớt nội dung trùng lặp
Nói thêm về nhiệm vụ trọng tâm của bậc tiểu học, lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD-ĐT cho biết trên cơ sở đánh giá một năm thực hiện Thông tư số 22, các trường tiếp tục đổi mới đánh giá học sinh theo thông tư này. Tuy nhiên, các trường sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý kết quả giáo dục và học tập của học sinh để giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách; dành nhiều thời gian cho giáo viên quan tâm đến học sinh và đổi mới phương pháp dạy học.
Một điểm nhấn quan trọng nữa của giáo dục tiểu học trong năm học này là đẩy mạnh, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tin học, đặc biệt là tiếng Anh.
Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học, các địa phương cần triển khai tốt việc dạy và học ngoại ngữ, tin học, đặc biệt là tiếng Anh, để chuẩn bị cho việc triển khai các môn học này là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Đối với chương trình hiện hành, tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học một cách hợp lý, tinh giản, lược bớt những nội dung trùng lặp, không phù hợp với học sinh tiểu học.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT lưu ý không cắt xén cơ học mà tập trung vào đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục sao cho nhẹ nhàng, tự nhiên, hiệu quả.
Dừng thi giải toán qua mạng
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD-ĐT Nguyễn Xuân Thành, năm học 2017-2018, Bộ GD-ĐT tạm dừng tổ chức thi giải toán, tiếng Anh trên mạng. Ông Thành cho hay các cuộc thi này do đã được tổ chức khá nhiều năm nên cần phải rà soát cả về nội dung lẫn phương thức thực hiện để đáp ứng đòi hỏi phát triển năng lực học sinh theo yêu cầu đổi mới giáo dục.
Trước đó, vào cuối tháng 5-2017, Bộ GD-ĐT đã gửi công văn tới các sở GD-ĐT, các trường phổ thông trực thuộc, yêu cầu tinh giảm cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh phổ thông. Theo đó, các sở GD-ĐT không yêu cầu trường tổ chức đội tuyển, không xét giải tập thể, không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với đơn vị tham gia; không sử dụng kết quả các cuộc thi do sở GD-ĐT chủ trì tổ chức và thành tích của học sinh do sở cử đi tham gia cuộc thi quốc tế vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh từ năm học 2017-2018. Từ năm học 2018-2019, các trường hợp này cũng không được ưu tiên tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp.
Ông Thành nhấn mạnh việc không sử dụng kết quả các cuộc thi trên mạng vào ưu tiên tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp cũng không gây ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyển chọn học sinh của các trường đặc thù.
Nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ
Liên quan đến việc sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 để phù hợp hơn với yêu cầu và tình hình thực tế, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ hoàn thiện các định dạng đề thi theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Theo đó, ưu tiên các định dạng hỗ trợ thi trên máy tính và thi trực tuyến; từng bước hoàn thiện, phát triển ngân hàng đề thi ngoại ngữ quốc gia...
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT sẽ đa dạng hóa các chương trình, sách giáo khoa, học liệu và hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo và nhu cầu học tập ngoại ngữ của học sinh, sinh viên... Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ngoại ngữ ở giáo dục phổ thông nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm. Chương trình, tài liệu, học liệu đào tạo sẽ được rà soát, phù hợp với đối tượng, cấp học; chú trọng phương thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến.
Không thu dồn học phí
Để tránh gây khó khăn cho học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục năm học 2017-2018. Theo đó, không được thu vượt mức trần học phí quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP; giãn thời gian thu, thời điểm thu, tránh thu học phí cùng thời điểm đối với các trình độ đào tạo để hạn chế tối đa tác động của học phí đến chỉ số giá tiêu dùng.
Bộ GD-ĐT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện chính sách miễn thu học phí cho trẻ 5 tuổi ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn từ ngày 1-1-2018. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đề nghị các tỉnh, thành chỉ đạo các trường mầm non, phổ thông không thu những khoản ngoài học phí trái quy định. Các địa phương tự chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm trong việc thu học phí và các khoản thu.
Bình luận (0)