Ngày 27-3, UBND TP HCM đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo quốc tế về hợp tác công - tư (PPP) trong một số lĩnh vực ở TP. Các chuyên gia dự hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp gợi mở để TP HCM thực hiện thành công PPP.
Cùng chia sẻ rủi ro
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Lê Thị Huỳnh Mai, để bảo đảm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, TP phải huy động 154.571 tỉ đồng từ nhiều nguồn vốn, trong đó có PPP. "Từ năm 2000 đến nay, dù có nhiều nỗ lực nhưng thực tế, khả năng huy động nguồn vốn PPP của TP luôn thiếu hụt lớn so với nhu cầu đầu tư, chưa đáp ứng so với kỳ vọng" - bà Mai cho biết.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng TP HCM cần lựa chọn dự án tiên phong để quyết liệt triển khai, bố trí nguồn lực đầy đủ. Chính quyền cần chủ động đưa danh mục để thu hút đầu tư và công bố thông tin rộng rãi. Bên cạnh đó, TP HCM cần có một bộ phận đầu mối, tổ công tác liên ngành để giải quyết kịp thời các vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng và cơ chế để chuẩn bị, thực hiện các dự án PPP. Trong đó, đặc biệt là các dự án tiên phong của TP HCM.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong trao đổi với ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, trong hội nghị Ảnh: TẤN THẠNH
Ở một góc độ khác, theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, để thành công khi làm PPP, phải nhìn nhận đây là mô hình hợp tác dài hạn, trong đó khu vực công và tư cùng chia sẻ không chỉ lợi ích mà còn cả rủi ro. Hai chủ thể này không được chia sẻ đồng đều thì khả năng thất bại rất cao. Các khung pháp lý, quy định và thể chế cần phải rõ ràng, chặt chẽ để giúp các nhà đầu tư có thể chấp nhận rủi ro trong dài hạn với mức độ chắc chắn nhất định.
Đi sâu vào lĩnh vực xử lý nước thải, các chuyên gia cho rằng để thu hút đầu tư, TP HCM phải có đơn giá phù hợp. Ông Lê Duy Hưng, chuyên gia cao cấp về hạ tầng của WB tại Việt Nam, viện dẫn một số địa phương như Khánh Hòa, Quảng Bình, Bình Dương đã đưa ra mức giá xử lý nước thải. TP HCM hiện vẫn chưa xây dựng được mức giá để các nhà đầu tư lựa chọn công nghệ phù hợp.
Trong khi đó, chuyên gia cao cấp Victoria Delmon, Ban Thực hành nước của WB, gợi mở: "TP HCM phải tính đến việc thu thuế xử lý nước thải từ người dân, doanh nghiệp để giảm phần bù trừ giá quá nhiều từ ngân sách. Mặt khác, TP cũng cần có những cam kết mạnh mẽ để nhà đầu tư an tâm về khả năng thu hồi vốn, giảm thiểu các rủi ro khi đầu tư".
Tránh đi "cửa sau"
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng tham gia PPP không phải là 2 chủ thể mà có 4 chủ thể. Ông đặt ra một vấn đề mà trước nay ít được đề cập khi triển khai thực hiện PPP. Đó là chủ thể có đất bị thu hồi khi nhà nước làm dự án PPP.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, khi thực hiện dự án PPP, có nhiều trường hợp phải thu hồi đất của người dân. Vậy đền bù, tái định cư cho người dân như thế nào? "Nếu đền bù thấp, đến khi tư nhân có đất bán lại cho đơn vị khác giá cao hơn thì người dân sẽ không bao giờ đồng ý chính sách đền bù, tái định cư đó. Đây là vấn đề lớn khi làm PPP mà trước đây ít đề cập, thảo luận, trong khi rất nhiều vấn đề phát sinh từ câu chuyện đất đai này" - ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng PPP không phải đơn thuần là xây dựng các công trình mới mà còn có thể là các dịch vụ. Dịch vụ vận hành lẫn việc xây dựng công trình đều quan trọng như nhau. Bên cạnh đó, nhà nước có lựa chọn nhưng phải có trách nhiệm đưa ra quyết định đúng cho từng dạng hợp đồng dự án PPP. Ở Việt Nam, nói đến PPP là có nhà đầu tư tư nhân thay thế chính phủ xây dựng hạ tầng, dự án và chính quyền đóng góp bằng đất. Do đó, phải trao đổi quyền lợi lẫn nhau một cách công khai, thẳng thắn, minh bạch, tránh đi "cửa sau".
Ông Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt lưu ý chính quyền TP là phải nghiên cứu thay đổi cách làm PPP. Trước giờ, chính quyền không đủ tiền nên làm dự án mà chờ doanh nghiệp đưa lên. Phải thay đổi quy trình này. Chính quyền phải đưa ra nhu cầu trong các dự án và làm đề xuất dự án đàng hoàng, chất lượng để "chào hàng" các nhà đầu tư. Từ đó, họ cân nhắc đưa ra phương án cung cấp dịch vụ công cho người dân. Làm như thế lợi rất nhiều cho đấu thầu về sau.
Cam kết mạnh mẽ từ chính quyền
Khẳng định lại lần nữa tính cần thiết phải thực hiện PPP, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nói đây được xem là một trong các giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn về đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ, nhất là với địa phương có nhu cầu đầu tư lớn như TP HCM.
Theo Chủ tịch UBND TP, điều này thực sự có ý nghĩa hơn khi thời gian vừa qua, số lượng dự án PPP chỉ chiếm 5% trong tổng số dự án đầu tư công của TP nhưng nguồn lực xã hội đã huy động gấp 3 lần tổng nguồn lực đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Như vậy, một dự án PPP có thể giúp TP HCM huy động khoảng 3.000 tỉ đồng từ xã hội. Đây là một nguồn lực đầu tư khá lớn, trong khi mỗi năm ngân sách chỉ có thể cân đối khoảng 30.000 tỉ đồng cho các dự án đầu tư trên địa bàn TP.
"TP HCM mong muốn các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào các cải cách của TP. Năm 2019, TP HCM đột phá về cải cách hành chính sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, phát triển tạo chuyển biến mạnh mẽ nhằm giảm bớt thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. TP HCM cam kết tạo mọi điều kiện đầu tư tốt nhất để các nhà đầu tư có những trải nghiệm mới khi lựa chọn TP là điểm đến đầu tư lâu dài" - ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Là Phó Chủ tịch UBND TP HCM phụ trách các dự án PPP về giao thông đô thị, ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng PPP là một trong những phương thức đầu tư hết sức quan trọng, sẽ được tiếp tục triển khai trong thời gian tới. "TP HCM sẽ triển khai thực hiện PPP bảo đảm minh bạch, công khai và chia sẻ rủi ro, thành công đối với doanh nghiệp" - ông Trần Vĩnh Tuyến quả quyết.
TP HCM đang triển khai 130 dự án PPP
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, cho biết từ năm 2000 đến nay, TP có 22 dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng PPP với tổng vốn đầu tư khoảng 69.869 tỉ đồng (khoảng 3 tỉ USD). Trong đó, 16 dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, 3 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, 2 dự án thuộc lĩnh vực môi trường và 1 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa.
TP HCM đang tiếp tục triển khai 130 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến là 380.847 tỉ đồng.
5 yếu tố thực hiện PPP
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho hay dù TP đạt được một số mặt tích cực nhưng vẫn còn nhiều thách thức, rào cản cần vượt qua. PPP là một bài toán khó, có nhiều biến số, nhiều chiều tác động. Muốn thực hiện PPP thành công, đầu tiên, cần làm rõ vai trò của các cơ quan chức năng, thực hiện đầy đủ các cơ sở pháp lý, gia tăng niềm tin đối với đối tác. Thứ hai là lựa chọn đối tác phù hợp. Dự án thành công hay không có sự phụ thuộc vào việc lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực. Thứ ba, nhận dạng và phân bố rủi ro thích hợp. Các dự án phải nhận diện rủi ro tiềm tàng để bảo đảm rằng các rủi ro được phân chia hợp lý giữa nhà nước, đối tác và cả quyền lợi của người dân. Thứ tư là sự minh bạch, giúp ngăn ngừa sự tham nhũng của các hợp đồng trong khu vực nhà nước, ngăn ngừa tạo lợi ích nhóm. Cuối cùng là công tác quản lý dự án.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, nếu không kiểm soát tốt những vấn đề trên thì PPP không đạt hiệu quả tích cực, làm thất thoát ngân sách nhà nước, mất uy tín và niềm tin với đối tác. Khi làm rõ được thì PPP sẽ là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển TP HCM bền vững.
Bình luận (0)