Theo Đảng ủy Khối, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Thời gian qua, Đảng ủy Khối đã xây dựng và triển khai một số giải pháp trọng tâm như: Xây dựng các nghị quyết chuyên đề để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ đảng viên; lãnh đạo tăng cường, nâng cao chất lượng công tác tự phê bình và phê bình, thường xuyên "tự soi, tự sửa" gắn với nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, đảng bộ, bảo đảm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu.
Hội thảo khoa học: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW”. Ảnh: TỐ TRÂM
Theo TS Trần Thị Hà Vân, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng - Học viện Cán bộ TP HCM, để làm tốt công tác này, cần đổi mới về nhận thức nhằm đổi mới việc tổ chức thực hiện; mạnh dạn thay đổi những cái cũ (cả về cơ chế, chính sách, phương pháp, cách làm) khi không còn phù hợp, cản trở sự phát triển.
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo cho rằng cần có sự tập trung, chỉ đạo trong việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách pháp luật một cách cụ thể, khả thi.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Lâm Hùng Tấn nhìn nhận muốn nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, trước tiên cần xây dựng Đảng thật trong sạch, vững mạnh, đạo đức, văn minh.
ThS Lưu Diễm Trang, Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng, nhấn mạnh đến việc tăng cường vai trò của Quốc hội và các cơ quan đại diện khác của nhân dân, bảo đảm quyền lực nhà nước được thực hiện bằng cách thống nhất quy định pháp luật. Tiếp đến là tăng cường vai trò của các cơ quan kiểm soát, giám sát, phòng chống tham nhũng để bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, tăng cường sự tham gia của công dân trong quản lý và quyết định công việc của nhà nước, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của công dân được thực hiện đầy đủ và trung thực; tăng cường vai trò của truyền thông và công nghệ thông tin để bảo đảm tính minh bạch, công khai của quá trình ra quyết định và quản lý nhà nước…
Bình luận (0)