ThS Lê Đình Quyết, Phó Phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết từ sau Tết đến nay, khu vực Nam Bộ và TP HCM đang chịu đợt nắng nóng kéo dài. Nền nhiệt trong những ngày qua ở mức 35-36oC khiến người dân có cảm giác khó chịu. Từ ngày 18-2, nắng nóng giảm về quy mô và cường độ nhưng vẫn duy trì mức 34-35oC, sau đó Nam Bộ sẽ đón một đợt nắng nóng mới với nhiệt độ rất cao.
Nhiệt độ có thể lên tới 38oC
Những ngày qua, hình ảnh người dân TP HCM mặc áo khoác, đeo khẩu trang kín mít khi chạy xe vào buổi trưa xuất hiện ở hầu hết các tuyến đường.
Chị Nguyễn Thị Diệu Mi (nhân viên văn phòng ở quận 3) cho biết do nắng nóng từ sau Tết đến nay khiến chị khó chịu, ăn uống không thấy ngon miệng. Một phụ nữ bán trái cây trước Trường ĐH Công nghiệp TP HCM (quận Gò Vấp) kể: "Tôi phải xịt nước lên trái cây liên tục để trái cây không bị héo. Tuy vậy, do trời nắng nóng nên sinh viên cũng ít mua hơn còn người đi đường chạy xe ào ào qua chứ ngại dừng lại mua".
Vì quá nắng nóng, người dân TP HCM ra đường phải đeo kính râm, khẩu trang, mặc áo - váy chống nắng Ảnh: Hoàng Triều
Từ tháng 3 đến tháng 5, các tỉnh Nam Bộ có thể sẽ phải đối mặt với các đợt nắng nóng gay gắt khi nhiệt độ lên đến 37-38oC, thậm chí cao hơn. Nắng nóng gay gắt sẽ tập trung ở một số khu vực thuộc các tỉnh miền Đông Nam Bộ như: Đồng Xoài, Đồng Phú (Bình Phước), Thủ Dầu Một (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai) và TP HCM. Các tỉnh Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu ít bị ảnh hưởng nên thời tiết sẽ dễ chịu hơn.
Tia cực tím ở mức khá nguy hiểm
Theo ông Lê Đình Quyết, cùng với nắng nóng là thang chỉ số tia UV (cực tím) duy trì ở mức cao, từ 8-10 (cao nhất là 12), gây hại cho da và mắt. Tia UV trong ngày đạt chỉ số cao nhất trong khung thời gian từ 11-15 giờ. Nếu để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài thì có thể bị phỏng rộp, thậm chí là ung thư da. Còn nếu nhìn thẳng lên mặt trời thì sẽ gây hại cho mắt.
Theo các chuyên gia về da liễu, tại TP HCM, chỉ số tia UV đang ở mức khá nguy hiểm. Tia UV có 3 loại. Tia UVA có bước sóng 315-380 nm, có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa da. Tia UVB có bước sóng 280-315 nm, gây say nắng, tổn thương, làm đen da. Tia UVC có bước sóng 100-280 nm, gây ung thư da nhưng đã có tầng ô-zôn chặn lại. Con người thường tiếp xúc với UVA (90%) và UVB (10%). TS-BS Lê Thái Vân Thanh, Phòng khám Da liễu Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, cho biết ánh nắng mặt trời với thủ phạm chính là tia tử ngoại có thể gây ung thư da vì tác động sinh ra nhiều gốc tự do, gây tổn thương DNA của tế bào da. Chưa kể một số bệnh da thường gặp và tăng cao do tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời là viêm da ánh sáng, bỏng nắng và mề đay do ánh nắng.
Để đối phó đợt "nắng đốt" này, các chuyên gia khuyến cáo nên đội nón rộng vành hơn 2,5 cm, phủ được 2/3 khuôn mặt; sử dụng dù, đeo mắt kính sẫm màu, bịt kín mặt bằng khẩu trang sẫm màu. Khẩu trang y tế màu xanh chỉ có cản bụi, quá mỏng, không có tác dụng chống nắng. Ngoài ra, sử dụng kem SPF (chống tia UVB, dấu * hoặc + có tác dụng chống tia UVA). Cần lựa chọn kem chống nắng có cả 2 đặc tính trên để có thể chống cả tia UVA và UVB (chỉ số SPF càng cao, bảo vệ càng được lâu, song nếu quá cao sẽ gây kích ứng da). Ngoài ra, có thể sử dụng viên chống nắng có tác dụng từ trong người ra nên thời gian bảo vệ được lâu hơn.
Từ sáng sớm đến khoảng 7 giờ 30 phút ngày 18-2, tại Cần Thơ, sương mù xuất hiện trên Quốc lộ 91, kéo dài đến TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Theo Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ, hiện tượng sương mù xuất hiện tại Cần Thơ và các tỉnh miền Tây còn diễn ra trong vài ngày tới do nhiệt độ xuống thấp.
Bình luận (0)