Sáng 4-7, một người đàn ông trung niên được người dân và Công an phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội đưa đến Bệnh viện (BV) Bạch Mai trong tình trạng sốt cao đang nằm vật ven đường.
Nạn nhân nắng nóng tăng vọt
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Cấp cứu tổng hợp Khoa Cấp cứu, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, thân nhiệt lên đến 41 độ C. Sau hơn 1 giờ tích cực hạ nhiệt, thân nhiệt bệnh nhân đã xuống 38,5 độ C nhưng vẫn hôn mê. Ngay sau đó, bệnh nhân được làm các xét nghiệm để đánh giá tình trạng sức khỏe nhưng với biểu hiện ban đầu có khả năng bị sốc nhiệt do nóng nắng…
Bệnh nhân sốc nắng nằm ven đường được người dân đưa đến Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội)Ảnh: NGỌC DUNG
Cũng được chuyển đến Khoa Cấp cứu trong tình trạng đột quỵ nghi do sốc nhiệt là một bệnh nhân nữ 54 tuổi ở huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Người nhà bệnh nhân cho biết khoảng 5 giờ cùng ngày, bà ra khỏi phòng có máy điều hòa để đánh răng rửa mặt nhưng lúc trở lại phòng thì bất ngờ ngã quỵ. Theo bác sĩ Anh Tuấn, bệnh nhân đang trong tình trạng hôn mê. Trước đó, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp.
Trong khi đó, BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) trong khoảng 5 ngày trở lại đây, bình quân mỗi ngày có hàng chục bệnh nhi đến khám và nhập viện vì nắng nóng. Riêng số bệnh nhi đang điều trị nội trú tại đây cũng dao động từ 30-50 cháu.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở BV Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Ông Nguyễn Tấn Phụ, Trưởng Khoa Nhi của BV, cho biết mấy ngày gần đây, số trẻ em mắc các bệnh mùa nắng có chiều hướng gia tăng như sốt xuất huyết, tay chân miệng...
Bảo đảm điện, nước cho dân
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn miền Trung cho hay trong ngày 4-7, các tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã xảy ra nắng nóng gay gắt trên diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 36 đến 38 độ C.
Theo ghi nhận của phóng viên, ở Quảng Bình, nhiệt độ ngoài trời phổ biến từ 37-40 độ C. Cá biệt có một số nơi nhiệt độ trên 40 độ C, như khu vực 2 huyện miền núi Tuyên Hóa và Minh Hóa. Nắng nóng kết hợp với gió Lào khiến không khí càng thêm oi bức, ngột ngạt.
Nắng nóng kéo dài đã khiến hàng chục ngàn hecta lúa vụ hè thu của bà con nông dân Quảng Bình đứng trước nguy cơ khô hạn. Ông Lê Hồng Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật hạ tầng Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình, cho biết toàn tỉnh có 14.000 ha lúa hè thu và 9.000 ha lúa tái sinh. Để đối phó với nắng hạn, đơn vị đã lắp đặt các máy bơm dầu với công suất khoảng 600 m3/giờ để dẫn nước về các kênh thủy lợi, chống hạn cho dân.
Để chủ động bảo đảm nguồn và lưới điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, tưới tiêu của nhân dân khu vực miền Trung vào mùa nắng nóng, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã lập phương án bảo đảm cấp điện mùa khô 2018.
Trong khi đó, theo ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước nước Đà Nẵng (DAWACO), thời tiết nắng nóng kéo dài khiến tình hình nhiễm mặn tại khu vực Nhà máy Cấp nước Cầu Đỏ (quận Cẩm Lệ) lên xuống thất thường gây ảnh hưởng hoạt động sản xuất và cấp nước sạch cho toàn địa bàn. Có thời điểm độ mặn của nước sông đạt mức cao nhất là 1.690 mg/lít. Nhưng đến nay, DAWACO vẫn bảo đảm hoạt động và cấp ra mỗi ngày hơn 287.000 m3 nước sạch.
Tháng 7: Còn 2 đợt nắng nóng
Đánh giá về đợt nắng nóng đang diễn ra gay gắt ở miền Bắc và miền Trung, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 4-7, ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó trưởng Phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định đợt nắng nóng này không có gì bất thường và phù hợp với quy luật thời tiết thường niên.
Theo phân tích của ông Hưởng, so với nhiệt độ trung bình các năm trước, đợt nắng nóng lần này chưa ghi nhận thêm giá trị lịch sử nào. Dù mức độ nóng không bằng năm ngoái nhưng đợt nắng nóng này tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ - nơi đông dân, nên số lượng người chịu ảnh hưởng lớn hơn. Ngoài ra, do nhiệt độ ban đêm ở mức cao (30 độ C) nên cảm giác oi bức kéo dài gần như cả ngày, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
"Dự báo nắng nóng gay gắt trên 37 độ C sẽ còn kéo dài đến ngày 6-7 ở đồng bằng Bắc Bộ và ngày 7 đến 8-7 ở Trung Bộ. Nhiệt độ giảm dần nhưng vẫn có thể giữ mức 35 độ C trong các ngày tiếp theo" - ông Hưởng dự báo.
Nói về nguyên nhân của đợt nắng nóng này, ông Hưởng cho biết do áp thấp nóng phía Tây phát triển khiến gió Tây Nam mạnh lên rõ rệt, kết hợp với địa hình dãy Trường Sơn ở miền Trung và dãy Hoàng Liên Sơn ở miền Bắc gây ra hiệu ứng Phơn mạnh. "Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế là những nơi vừa chịu tác động của áp thấp nóng" - ông Hưởng nói.
Cũng theo ông Hưởng, trung bình một năm, Bắc Bộ và miền Trung có khoảng 17-18 đợt nắng nóng, năm nhiều có thể lên tới trên 20 đợt. Riêng tháng 7-2018, Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ phải chịu thêm 2 đợt nắng nóng nữa. Tuy nhiên, việc dự báo số đợt nắng nóng không có nhiều ý nghĩa vì cứ 2 ngày liên tiếp được tính là một đợt. Thực tế, miền Bắc có đợt kéo dài tới 15 ngày, xét theo tổng số ngày gấp 4-5 lần đợt ngắn.
"Năm nay, dự báo các đợt nắng nóng sẽ không kéo dài. Mỗi đợt ở miền Bắc chỉ 4-6 ngày, ít khả năng xảy ra đợt dài 8 ngày. Ở miền Trung, mỗi đợt sẽ dài 6-8 ngày và đợt nắng nóng mà chúng ta đang trải qua có khả năng sẽ là đợt nắng nóng diện rộng, kéo dài và gay gắt nhất của năm 2018" - ông Hưởng nhận định.
Sốt do nắng nóng: Không dùng thuốc hạ sốt
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết trong những ngày nắng nóng như hiện nay rất dễ xảy ra tình trạng say nắng, sốc nhiệt với các biểu hiện như mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa… Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến cơ chế điều hòa thân nhiệt, làm cho nhiệt độ cơ thể tăng cao từ 39 đến 41 độ C. Lúc này bệnh nhân sẽ bị chóng mặt, lơ mơ, rối loạn ý thức. Thân nhiệt tăng cao cũng ảnh hưởng lớn đến chức năng tim - phổi, hệ thần kinh... Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm với những trường hợp có bệnh cao huyết áp, bệnh phổi mạn tính.
Với những trường hợp bị say nắng, sốc nhiệt, bác sĩ Tuấn khuyến cáo việc cần làm đầu tiên là nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới khu vực râm mát, cởi bớt quần áo; dùng các biện pháp chườm mát vào vùng cổ, nách, bẹn… và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lúc này không nên cho người bệnh uống thuốc hạ sốt vì nó không có tác dụng.
Bình luận (0)