Tại hiệp định với EU, phía đối tác bày tỏ lo ngại về bảo hộ đầu tư, về cơ chế doanh nghiệp (DN) kiện Chính phủ cùng những tranh chấp khác có thể gây tổn hại đến nền kinh tế. Bởi vậy, khi thực thi hiệp định thế hệ mới với những điều khoản rất cao này, chúng ta cần nghiên cứu hoàn thiện khung khổ pháp luật một cách chặt chẽ theo hướng tạo điều kiện cho nhà đầu tư.
Đặc biệt, cần lưu ý đến việc hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư theo hướng công khai, minh bạch thủ tục tranh chấp. Đồng thời, tạo cơ chế công nhận và bảo đảm thực thi phán quyết của tòa án, trọng tài nước ngoài nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Việt Nam cũng cần nhanh chóng xem xét và đơn giản hóa các quy định hiện hành về đầu tư và kinh doanh, bởi thủ tục hành chính phức tạp, không cần thiết và chưa rõ ràng đã làm nản lòng nhiều DN đến tìm cơ hội đầu tư. Điều này đòi hỏi ý chí chính trị lớn và nhiều nguồn lực nhằm tạo ra những thay đổi cơ bản và thực tiễn.
Thực tế lâu nay, dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam còn khá khiêm tốn. Gần đây, mới chỉ có một số nhà đầu tư lĩnh vực năng lượng sạch chọn Việt Nam làm điểm dừng chân do nhận thấy nhu cầu tăng trưởng năng lượng rất cao của nước ta. Một trong những lý do là bởi Việt Nam chưa thực sự thể hiện sự hấp dẫn cũng như không hấp thụ hiệu quả được dòng vốn chất lượng. Đây là thời cơ để "sửa mình", để giảm dần phụ thuộc vào nhà đầu tư châu Á mà đặc biệt là Trung Quốc, để đem về những dòng vốn chất lượng cao cùng cơ hội chuyển giao công nghệ sạch và hiện đại.
Ngược lại, chúng ta cũng không thể thiếu chính sách hỗ trợ nhóm DN trong nước có quy mô nhỏ, dễ bị tổn thương trước làn sóng hội nhập. Với DN nhà nước, xóa bỏ và thu hẹp các ưu đãi, hỗ trợ riêng, đẩy mạnh hơn nữa cổ phần hóa, hoàn thiện cơ chế giám sát, công bố thông tin và cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác... là những cách để nâng cao hiệu quả của khối này.
Đứng trước hai hiệp định lớn, câu hỏi được đặt ra là thể chế chính trị, xã hội trong thời gian qua được cải thiện như thế nào, có bảo đảm sự ổn định trong tương lai trước những cú sốc do độ mở của nền kinh tế được nới rộng? Ngoài ra, việc ổn định kinh tế vĩ mô có thực sự là bền vững và đủ sức tạo tiền đề cho DN và nền kinh tế nói chung tăng trưởng, phát triển hay không?
Thông tin rất vui là thực tế phát triển của nền kinh tế sau khi tham gia một số hiệp định thương mại trước đây đã giúp củng cố kỳ vọng của người dân vào các hiệp định hiện đại hơn. Bên cạnh đó, sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô trong vài năm gần đây được coi là nền tảng để ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài. Tuy vậy, EVFTA và EVIPA là những hiệp định tiêu chuẩn rất cao, đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam. Chưa chịu đau để tự cắt bỏ u nhọt, chúng ta chưa thể cảm nhận những giá trị thực sự mà sự mở cửa mang lại cho chúng ta, cả về thương mại lẫn đầu tư.
Bình luận (0)