Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là hiệp định tốt nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay, đáp ứng cả 2 yêu cầu: tự do cao nhất và công bằng nhất. Đó là đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại buổi đối thoại về EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) do Bộ Công Thương tổ chức sáng 1-7.
Theo ông Lộc, với việc ký kết hiệp định EVFTA, bên cạnh việc bảo đảm những nguyên tắc về tự do và công bằng thương mại, hai bên còn có tầm nhìn chung về phát triển bền vững. Ông lộc nhấn mạnh Việt Nam đang hướng tới một thế hệ FDI mới chất lượng hơn, có công nghệ cao hơn, có GTGT lớn hơn, thân thiện với môi trường hơn. Do đó, EVFTA là cơ hội để các doanh nghiệp EU thực hiện điều này.
Việt Nam và EU đều kỳ vọng về những lợi ích to lớn mà EVFTA mang lại cho cả hai bên
Cộng đồng doanh nghiệp rất mong mỏi sẽ có nhiều mô hình hợp tác tốt nhất giữa các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam để EVFTA trở thành hiệp định tốt nhất. "Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, kinh tế Việt Nam, EVFTA và IPA với những tiêu chuẩn cao nhất sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách thứ 2 ở Việt Nam, đây sẽ là một trong những viên gạch đầu tiên, góp sức vào việc xây dựng thể chế ở nước ta" - ông Vũ Tiến Lộc nói.
Theo chủ tịch VCCI, EVFTA vừa là áp lực, vừa là động lực để cải cách thể chế, nhờ đó doanh nghiệp sẽ phát triển lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. bên cạnh đó, Chính phủ cần có những cải cách thực chất, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, nếu một mình doanh nghiệp trên sân chơi thì rất khó để vượt qua các khó khăn.
Đồng tình với những vấn đề ông Lộc nêu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu Nicolas Audier dẫn chứng một số doanh nghiệp châu Âu sản xuất hàng hóa ở Việt Nam, nhưng muốn xuất khẩu sang thị trường Philippines đang gặp phải một số rào cản về chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết đào tạo nguồn nhân lực là việc làm cấp bách khi EVFTA đã được ký kết
Ông Nicolas Audier cũng nhấn mạnh những cải cách của Chính phủ Việt Nam không chỉ là động lực cho doanh nghiệp trong nước mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam.
Nhấn mạnh vai trò của cải cách chính sách, môi trường kinh doanh, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng đã "Thông về thị trường thì phải thoáng về thể chế". Ông Lộc cũng nêu vấn đề về nguồn nhân lực để nói đến những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi EVFTA đã được ký kết.
Ông dẫn chứng một khảo sát mới đây của VCCI cho thấy 70-80% doanh nghiệp FDI ở Việt Nam đi tìm giám đốc điều hành nhưng không tìm được, điều đó cho thấy nguồn nhân lực có đáp ứng được các yêu cầu về quản trị doanh nghiệp là rất thấp. Do đó, yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực là rất quan trọng và cấp bách.
Bình luận (0)