Ngày 14-12, TAND tỉnh Đắk Nông đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử 6 cựu chiến binh (CCB - do một người đã qua đời) về tội hủy hoại rừng. Tại phiên tòa, 6 CCB tiếp tục kêu oan và các luật sư đã chỉ ra quá nhiều vi phạm thủ tục tố tụng, có dấu hiệu oan sai.
Theo cáo trạng, năm 2013, Chi hội CCB thôn 6 (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) nhận quản lý 3 ha rừng. Sau đó, chi hội đã giao số diện tích này cho 1 hội viên quản lý, bảo vệ nhưng để bị lấn chiếm khoảng 2 ha. Tháng 1-2015, tại cuộc họp của chi hội, ông Đỗ Mạnh Hùng, chi hội trưởng, nêu thực trạng rừng bị phá, đề xuất phát dọn diện tích còn lại để trồng cây keo, gây quỹ và được hội viên nhất trí. Trong các ngày 4, 24, 25-1-2015 và 19, 20-4-2015, các hội viên đã sử dụng dao phát, cưa máy hủy hoại 0,78 ha rừng, thiệt hại 42,7 triệu đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND thị xã Gia Nghĩa đã tuyên phạt ông Hùng 7 tháng tù giam, 6 CCB khác mỗi người 6 tháng tù giam.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm
Luật sư Nguyễn Thanh Huy, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Nông, cho rằng Hạt Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa, đã xác định đến tháng 3-2015, khu vực trên không còn rừng nên việc kết tội các bị cáo hủy hoại rừng trong ngày 19 và 20-4-2015 với diện tích 0,38 ha trong tổng số 0,78 ha là vô lý. Giả định nếu các bị cáo có chặt phá rừng trong 2 ngày 24 và 25-1-2015 thì diện tích rừng bị thiệt hại là 0,4 ha rừng sản xuất, theo quy định thì không đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa không phủ nhận các văn bản của kiểm lâm song cho rằng trong lời khai ban đầu của các bị cáo đã thừa nhận khu vực này còn rừng và tổ chức phá rừng. Đáp lại, luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng trong lời khai ban đầu của các bị cáo chỉ thừa nhận mình dọn dẹp rừng để trồng keo gây quỹ chứ không nói mình phá rừng.
Theo các luật sư, các tài liệu chứng cứ, lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa đều chứng minh bị cáo Nguyễn Nam Thái tham gia phá rừng 2 ngày. Tuy nhiên, trong đó, ngày 24-1-2015, vì ông Thái là thôn trưởng nên khi xảy ra tranh chấp giữa chi hội và người dân, ông được gọi vào giải quyết tranh chấp. Còn ngày 19-4-2015, ông Thái chỉ vào ăn cơm cùng những người khác (nay là "đồng phạm"). Do đó, không có căn cứ để buộc tội bị cáo Thái hủy hoại rừng.
Đối đáp lại các luật sư, đại diện VKSND cho rằng ngày 24-1-2015, khi có người tới tranh chấp đất rừng với chi hội thì bị cáo Thái vào ngăn cản, tạo cơ hội cho các bị cáo khác phá rừng. Còn ngày 19-4-2015, lời khai ban đầu bị cáo Thái thừa nhận mình tổ chức nấu ăn cho nhóm phá rừng. Như vậy đã có đủ cơ sở khẳng định ông Thái tham gia với vai trò đồng phạm giúp sức.
Đáng chú ý, tại phiên tòa, các bị cáo bất ngờ cung cấp đoạn ghi âm cho rằng điều tra viên đã mớm cung. Tuy nhiên, đại diện VKSND cho rằng chứng cứ phải thu thập theo trình tự tố tụng nên đoạn ghi âm mà các bị cáo cung cấp chỉ có thể xem xét, chưa được coi là chứng cứ.
Phiên tòa tiếp tục trong hôm nay, 15-12.
Luật sư tố tòa lạm quyền
Tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Thanh Huy nhận định các CCB đã lớn tuổi, sức khỏe yếu, nhân thân tốt và luôn chấp hành các lệnh tố tụng, bị truy tố tội ít nghiêm trọng… nên việc áp đặt lệnh tạm giam của tòa sơ thẩm là trái quy định. "Các bị cáo kêu oan nhiều quá nên tòa cấp sơ thẩm ra lệnh bắt tạm giam các bị cáo để khỏi kêu oan. Chúng tôi cho rằng cấp sơ thẩm lạm quyền. Chúng tôi sẽ kiến nghị CQĐT vào cuộc vì đã ra bản án, quyết định trái quy định" - luật sư Huy khẳng định.
Bình luận (0)