Sáng 18-10, phóng viên Báo Người Lao Động đã cùng lực lượng công binh cắt rừng vào hiện trường vụ sạt lở núi vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 337 đóng tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Công tác cứu nạn diễn ra rất khó khăn trong thời tiết mưa lớn, giao thông bị chia cắt, sạt lở núi xảy ra lần 2.
Cảnh tượng kinh hoàng
Tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây - nơi dẫn vào hiện trường vụ sạt lở núi - vẫn bị chia cắt. Cách hiện trường 3 km, xuất hiện 3 điểm sạt lở nghiêm trọng. Để đi vào hiện trường, phóng viên phải lội giữa dòng suối, nhiều chỗ bùn ngập ngang đầu gối, có đoạn phải lội nước sâu đến thắt lưng. Nhiều người thoát hiểm trong gang tấc khi một lớp bùn đất từ trên núi đổ xuống. Lực lượng chức năng đã không cho người đi vào khu vực này từ trưa 18-10 vì lo lắng nguy cơ xảy ra lũ ống.
Trước đó, rạng sáng 18-10, núi Tạc bất ngờ phát ra tiếng nổ lớn, hàng ngàn mét khối đất đá tràn xuống doanh trại Đoàn KT-QP 337 và vùi lấp nhiều dãy nhà. Khu vực ngọn núi Tạc nằm phía sau doanh trại chốc chốc lại phát ra tiếng động lớn, kèm với đó là đất đá nứt toác, trượt sạt. Núi rừng như đang rần rần chuyển động.
Hiện trường sạt lở vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị Ảnh: LÊ PHONG
Nhà ông Hồ Văn Trú (48 tuổi; ngụ thôn Cợp, xã Hướng Phùng) nằm đối diện doanh trại Đoàn KT-QP 337. Khoảng 1 giờ, ông Trú cùng vợ bật dậy vì nghe tiếng nổ lớn, tiếng đất đá sạt ào ào. Mở cửa ra, ông Trú không thấy gì nhưng cảm nhận được bụi, đá bay mù mịt. Lúc này, tiếng kẻng ở phía doanh trại đối diện nhà ông vang lên liên hồi. Nhiều cán bộ, chiến sĩ chạy ra khỏi đơn vị, đứng dàn ra đường.
"Chúng tôi hoảng quá vì tiếng nổ lớn từ núi Tạc. Chỉ trong vài phút, tiếng nổ, tiếng đất đá sạt trượt liên tiếp vang lên. Nhiều người nói dãy phòng ở Đoàn KT-QP 337 bị vùi lấp cùng một số cán bộ, chiến sĩ bên trong. Đến sáng sớm, khi có ánh sáng mới thấy rõ cảnh tan hoang. Các chiến sĩ hối hả đào xới đất để giải cứu đồng đội. Cả đời tôi chưa từng chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng như thế này" - ông Trú kể lại.
May mắn thoát chết trong gang tấc, Nguyễn Ngọc Huy (35 tuổi, tài xế của Đoàn KT-QP 337) cho biết anh đang ngủ ở dãy phòng của Ban Hành chính, lái xe và nuôi quân thì nghe tiếng nổ lớn. Đất đá từ trên cao ùn ùn trùm xuống, xô đổ bức tường, đè nhiều căn phòng trong dãy. Nghe tiếng nổ, anh Huy bật dậy nhưng bị bức tường đổ đè lên người. Một góc tường hình chữ A sập xuống và anh lọt vào bên trong nên chỉ bị mắc kẹt. Nằm trong đống đổ nát, anh Huy nghe tiếng đồng đội gọi to: "Còn ai không?". Khi tiếng chân người ngày một gần, anh cố gắng kêu lên: "Còn em nữa", để mong đồng đội nghe thấy.
Một số chiến sĩ nghe Huy gọi nên dùng tay lật từng mảng bê-tông bị đất đá xô đổ và đưa anh ra ngoài an toàn. Dãy nhà anh Huy ở có 10 phòng. Sau khi xảy ra sự cố, dãy phòng anh chỉ 3 người thoát ra được. "Bảy anh em khác không ra được, giờ vẫn còn nằm lại…" - giọng anh Huy nghẹn lại.
Trong số 5 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn KT-QP 337 được cứu, 3 người bị thương ở chân, anh Huy và 1 người khác bị thương nhẹ.
"Chắc giấc mơ đã khép lại"
Chứng kiến các chiến sĩ đang đào xới đất để cứu đồng đội, ông Lê Đình Huấn (bố chiến sĩ Lê Tuấn Anh; ngụ tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) cố gắng để không bật khóc. Trên người ông còn mặc áo lính in dòng chữ "Lê Tuấn Anh". Đó là áo mà con trai tặng ông 6 tháng trước. Hôm nay, ông mặc với hy vọng cảm nhận được hơi ấm của con.
Ông Huấn kể lúc 5 giờ ngày 18-10, điện thoại ông nhận được cuộc gọi từ đồng đội của Tuấn Anh. Trước khi bấm nghe, linh tính ông cảm nhận điều chẳng lành. Đến khi nhận được tin, ông ngã quỵ.
Các chiến sĩ đưa thi thể đồng đội bị vùi lấp ra ngoài Ảnh: HÀ PHONG
Trên đường từ nhà đến hiện trường vụ sạt lở, bà Trương Thị Khuyên (mẹ của Tuấn Anh) liên tục ngất đi rồi tỉnh lại. Mỗi khi thấy đưa thi thể nạn nhân ra, bà lại khóc thảm thiết: "Rùa (tên gọi thường ngày của Tuấn Anh - PV) ơi, con khoe là có quà cho mẹ, con đâu rồi?…".
"Hai ngày trước, con trai tôi gọi điện thoại và khoe còn 3 tháng nữa sẽ xuất ngũ. Trong doanh trại, nó tự tay làm một món quà lưu niệm để tặng mẹ. Cuộc gọi đó, con nói với tôi sẽ đi học ngoại ngữ để xuất khẩu lao động sang Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Chắc giấc mơ đó đã khép lại…" - bà Khuyên đau xót.
4 hộp cơm được các cán bộ, chiến Đoàn KT-QP 337 - đồng đội của Tuấn Anh - mua gửi gia đình. Nhưng cơm lúc này đã nguội, mọi người thúc ép bà Khuyên ăn, bà chỉ nói: "Chút nữa thằng Rùa tỉnh dậy nó ăn. Cơm tôi dành cho nó. Rùa ơi, dậy đi con...".
Tìm kiếm xuyên đêm
Mặc cho tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây bị vùi lấp, lực lượng công binh đã đạp rừng, băng núi để tiếp cận hiện trường. Công tác tìm kiếm các nạn nhân được triển khai gấp rút, khẩn trương. Đến tối 18-10, việc tìm kiếm vẫn diễn ra với hơn 300 người tham gia.
Lúc 17 giờ 15 phút, tiếng chuông báo động vang to. Dãy núi tiếp tục sạt lở lần thứ 2. Nhiều cán bộ, chiến sĩ phải nhanh chóng rời hiện trường tìm kiếm các thi thể còn lại để tránh sạt lở.
Cách hiện trường 800 m, các hàng rào chắn đã dựng lên nhằm bảo đảm an toàn công tác cứu hộ. Theo quan sát, có ít nhất 3 tòa nhà bên trong đã bị vùi lấp, nước lũ vẫn còn cao và chảy xiết. Phía ngoài doanh trại, một căn nhà tạm được dựng lên để làm nơi đặt thi thể các cán bộ, chiến sĩ...
Bà Trương Thị Khuyên, mẹ của Lê Tuấn Anh - một trong 22 chiến sĩ bị vùi lấp - khóc thương con Ảnh: LÊ PHONG
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết hơn 500 cán bộ, chiến sĩ cùng tất cả phương tiện máy móc đã tham gia tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, tại Km 222+100 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, hàng ngàn khối đất đá đổ sập, tràn ra khắp mặt đường khiến giao thông bị chia cắt hoàn toàn.
Tỉnh Quảng Trị đã đặt Sở Chỉ huy tiền phương cứu hộ, cứu nạn cách hiện trường vụ sạt lở núi khoảng 2 km. Sở chỉ huy cùng một lúc thực hiện 2 nhiệm vụ là chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân trong thời gian sớm nhất và thông tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây để tiếp cận hiện trường vụ sạt núi.
Trong khi đó, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định đã lệnh cho 2 trực thăng sẵn sàng ở Đà Nẵng, chờ thời tiết tốt sẽ bay tiếp cận xã Hướng Phùng để thả lương thực, thuốc men cho lực lượng cứu hộ và người dân. Trong quá trình tìm kiếm các nạn nhân trong đêm, Trung tướng Nguyễn Tân Cương yêu cầu phải cắt cử người lên khu vực cao quan sát, đánh kẻng cảnh báo nếu phát hiện sạt lở.
Thêm nhiều người mất tích
Ngày 18-10, ông Đặng Trọng Vân - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa - cho biết vào chiều 17-10, sau khi nhận thông tin có 7 người tại xã Hướng Việt mất tích, một đoàn công tác gồm 7 người liền triển khai tìm kiếm. Khi qua cầu tràn trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây thì 7 người này bị nước cuốn khiến 1 thượng úy công an hy sinh, 2 người bị thương và 4 người mất liên lạc. Lực lượng chức năng chưa thể tiếp cận xã Hướng Việt vì sạt lở đất nghiêm trọng trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.
Cùng ngày, cơ quan chức năng đã tìm thấy thi thể 6 người trong một gia đình bị sạt núi vùi lấp vào tối 17-10.
Bình luận (0)