Ngày 16-5, Công an huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho biết đã khởi tố vụ án "Hủy hoại tài sản" đối với vụ hơn 10 ha rừng thuộc Ban Quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà (tại tiểu khu 292 thuộc địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà) bị đầu độc đến chết mà Báo Người Lao Động phản ánh qua bài viết "Đủ chiêu bức tử rừng thông".
Ngang nhiên vi phạm
Công an huyện Lâm Hà cũng đã triệu tập nhiều đối tượng để làm rõ vụ án phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này.
Một vùng rừng ở Đắk Lắk bị tàn pháẢnh: CAO NGUYÊN
Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ án, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo công an tỉnh khẩn trương điều tra để đưa các đối tượng đầu độc rừng ra xử lý trước pháp luật; đồng thời yêu cầu đơn vị chức năng phối hợp xây dựng phương án trồng lại rừng, tăng cường các biện pháp giữ rừng.
Trước đó, ngày 8-5, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo về việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, xử lý vụ hàng ngàn cây thông nêu trên.
Trong khi đó, tại khu vực đồi thông thuộc địa bàn thôn 4, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà cũng xảy ra phá rừng với quy mô lớn. Hàng chục cây thông có đường kính từ 20-40 cm đã bị cưa hạ. Hiện trường vẫn còn nhiều cây thông lớn nằm ngã đổ, ngổn ngang chưa kịp tẩu tán. Nhiều cánh rừng thông rộng lớn hàng hecta liền kề bị phá, chuyển thành vườn sản xuất hoặc phân lô, chia thửa và bao bọc bằng lưới B40.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, riêng năm 2018 đã xảy ra 102 vụ phá rừng (tăng 48 vụ so năm 2017), diện tích bị phá là 28,5 ha, trong đó 53 vụ chưa xác định được đối tượng. Quý I năm nay, trên địa bàn đã xảy ra 8 vụ phá rừng với diện tích 3 ha (không kể vụ hủy hoại rừng hơn 10 ha ở xã Tân Thanh vừa qua) nhưng chỉ có 1 vụ xác định được đối tượng và chỉ bị xử phạt hành chính 4 triệu đồng.
Tại tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, trình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ xảy ra tràn lan. Đầu tháng 4, Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện vụ phá rừng quy mô lớn tại tiểu khu 701 và 704 thuộc lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk). Trong đó, tiểu khu 701 có 13 cây gỗ đường kính từ 70 cm đến 1,5 m bị đốn hạ, phần lớn gỗ đã được chuyển đi, chỉ còn lại hơn 20 m3. Tại tiểu khu 704 cũng có hàng chục cây cổ thụ bị đốn hạ với số gỗ còn lại tại hiện trường là hơn 40 m3.
Tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, ngay gần những chốt quản lý bảo vệ rừng nhưng lâm tặc vẫn ngang nhiên vào phá rừng. Đơn cử, giữa 2 trạm bảo vệ rừng Sê San 3 (tại cầu Sê San 3, xã Ya Tăng) với trạm bảo vệ rừng Ia Tăng (cùng thuộc Lâm trường Sa Thầy, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy) dài khoảng 16 km là con đường độc đạo nhưng rừng bị phá tan hoang. Cách con đường giữa 2 chốt này chỉ chừng 3 km, mới đây hàng chục cây gỗ lớn, đường kính từ 60 cm đến 1 m vừa bị đốn hạ. Phần lớn thân gỗ đã bị cắt khúc, chở ra khỏi rừng. Số ít bị cắt hạ, xẻ thành hộp nhưng chưa kịp chuyển đi.
Chưa quyết liệt xử lý
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy, vị trí phá rừng được báo chí phản ánh đã được cơ quan chức năng của huyện kiểm tra, phát hiện 3 vụ khai thác, cất giấu lâm sản trái phép với tổng khối lượng gỗ vi phạm hơn 18 m3. Đây là lâm phần giao cho các hộ gia đình quản lý. Cơ quan chức năng cũng phát hiện 4 đối tượng đang tổ chức khai thác rừng trái phép.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sâm, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, huyện này đã chỉ đạo công an điều tra, đồng thời xử phạt hành chính 4 đối tượng khai thác gỗ trái phép tổng cộng 200 triệu đồng.
Trong khi đó, năm 2007, 13 hộ dân ở xã Ea Bung (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) nhận giao khoán hơn 1.735 ha rừng. Đến nay, rừng đã mất trắng, đất rừng cũng bị người dân lấn chiếm. "UBND huyện giao rừng cho nhóm hộ quản lý bảo vệ nhưng suốt 12 năm qua không hề chi trả một khoản kinh phí nào thì làm sao chúng tôi bảo vệ được rừng" - một trưởng nhóm hộ nhận giao khoán nói.
Trong vụ đầu độc hơn 10 ha rừng thông ở Lâm Hà, ông Trần Minh Đăng, cán bộ quản lý bảo vệ rừng địa bàn, cho rằng việc phá rừng này nhằm mục đích chiếm đất. Khi giá trị đất ở dọc Tỉnh lộ 725, đoạn qua thị trấn Nam Ban, tăng cao thì các đối tượng càng trở nên liều lĩnh...
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp xuống kiểm tra, chỉ đạo vụ đầu độc hơn 10 ha rừng thông ở Lâm Hà. "Phải tăng cường quản lý, không để xảy ra tình trạng phá rừng tại các địa phương khác trên địa bàn" - ông S yêu cầu.
Ông Đỗ Quang Tùng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đánh giá nguyên nhân rừng vẫn bị tàn phá hằng ngày là có việc nhiều cơ quan, đơn vị, chính quyền cơ sở chưa quan tâm, thực hiện đầy đủ trách nhiệm; chưa chỉ đạo quyết liệt trong quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp.
Lập ban chỉ đạo bảo vệ rừng
Đầu tháng 5-2019, Tỉnh ủy Đắk Lắk công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và đôn đốc thanh tra, kiểm tra, điều tra, giải quyết các vụ việc, vụ án phức tạp liên quan đến công tác bảo vệ rừng (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 1287). Ban có 21 thành viên do Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk làm trưởng ban, chủ tịch UBND tỉnh làm phó ban thường trực. Ban Chỉ đạo 1287 yêu cầu các sở, ngành, địa phương xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ, giao đất, giao rừng; đồng thời, xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Bình luận (0)