Chất lượng cuộc sống người dân là mục tiêu lớn nhất
Phóng viên: TP HCM đã trải qua 13 năm quyết tâm theo đuổi đề án tổ chức chính quyền đô thị với nhiều lần trình đề án lên trung ương. Động lực nào thôi thúc TP HCM kiên trì với đề án như vậy, thưa ông?
- Ông Nguyễn Thành Phong: Sau 45 năm kể từ ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Sài Gòn - TP HCM không chỉ trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất nước, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng, ngân sách của quốc gia mà còn được quốc tế nhìn nhận là một trong những đô thị năng động trên thế giới. Do đó, TP phải luôn sáng tạo, nghiên cứu mô hình quản lý đô thị phù hợp để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TP đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển TP nhanh và bền vững trong tương lai.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong
Trong thời gian qua, TP đã chủ động xây dựng nhiều chương trình, đề án với mong muốn phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, vị trí, vai trò của TP HCM đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, trong đó có đề án tổ chức chính quyền đô thị.
TP đã kiên trì đề xuất mô hình này trong 13 năm với mục tiêu tinh gọn bộ máy, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phân cấp, ủy quyền mạnh trên nhiều lĩnh vực cho chính quyền đô thị ở địa phương nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực, tiềm năng của đô thị để phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) một cách tốt nhất.
Đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị được TP HCM ấp ủ từ năm 2007 và được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung năm 2013. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, cơ sở pháp lý chưa thật sự vững chắc và đầy đủ nên chưa thể triển khai thực hiện.
Từ năm 2009 đến 2016, tại TP HCM đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa X và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đánh giá tổng kết hơn 6 năm thực hiện thí điểm tại TP cho thấy nhiều kết quả tích cực.
Cuối năm 2019 và giữa năm 2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và TP Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và đặc biệt là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020; Nghị quyết của trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đã tạo nền tảng pháp lý, cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn vững chắc để TP HCM triển khai đề xuất tổ chức chính quyền đô thị.
Quốc hội thông qua tổ chức chính quyền đô thị là sự kiện chính trị lớn và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của TP. Tuy nhiên, người dân, DN vẫn băn khoăn họ sẽ được gì?
- Tôi luôn lắng nghe và hiểu những băn khoăn đó. Suy cho cùng, lãnh đạo TP HCM làm gì, đề xuất cơ chế gì cũng đều hướng tới mục đích cao nhất là phục vụ tốt nhất cho người dân và DN, trên cơ sở phát huy tối đa nội lực của TP và thu hút mạnh mẽ đầu tư từ bên ngoài.
Trọng tâm của đề án đó là tổ chức chính quyền đô thị ở quận, phường tinh gọn, hiện đại, đổi mới mạnh mẽ và linh hoạt hoạt động của bộ máy chính quyền hướng đến mục tiêu giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân, DN được nhanh hơn, thủ tục gọn hơn mà không phải thông qua nhiều tầng nấc, nhiều cấp trung gian, góp phần làm cho chính quyền TP tiếp tục gần dân hơn, sát dân hơn, có điều kiện phục vụ các nhu cầu của người dân, DN nhanh và tốt hơn. Qua đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý được nâng cao hơn, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng được triển khai hiệu quả hơn vì người dân chính là động lực và mục đích trong mọi hoạt động phát triển của chính quyền TP. Đó là cái lợi lớn nhất của người dân, DN khi mô hình chính quyền đô thị được vận hành.
Không phải là sự "cộng dồn cơ học"
Một "trụ cột" trọng tâm của mô hình chính quyền đô thị là sự ra đời của TP Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức, vậy người dân trông chờ gì ở "trụ cột" này, thưa ông?
- TP Thủ Đức là mô hình "thành phố trong thành phố" được xây dựng với mong muốn thúc đẩy nơi đây trở thành "hạt nhân", một cực tăng trưởng mới góp phần phát triển cho TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ. Qua đó, khu vực này sẽ thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho DN hội nhập quốc tế góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
TP Thủ Đức được kỳ vọng sẽ đóng góp khoảng 30%-35% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TP HCM và chiếm khoảng 7% GDP (tổng sản phẩm nội địa) của cả nước. Đây cũng là đòn bẩy góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân TP HCM nói chung và TP Thủ Đức nói riêng.
Chủ tịch UBND TP HCM NGuyễn Thành Phong tham quan các gian hàng triển lãm ứng dụng khoa học công nghệ tổ chức tại TP HCM trong năm 2020
Mừng khi TP Thủ Đức được thành lập nhưng người dân cũng lo đây chỉ là sự "cộng dồn cơ học"?
- Có thể nhiều người thắc mắc là 23 năm trước, khi tách huyện Thủ Đức thành 3 quận, nay lại nhập với với tên gọi mới là TP Thủ Đức. Vậy có gì khác? Trong 23 năm qua, quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 đã phát triển mạnh mẽ, hình thành nên nhiều trung tâm, trụ cột về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo… Quận Thủ Đức có Đại học Quốc gia, quận 9 có Khu Công nghệ cao, quận 2 có khu đô thị mới Thủ Thiêm, các trụ cột này đang nằm riêng lẻ ở từng quận.
Bên cạnh đó, từ ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông hướng đến việc hình thành cực tăng trưởng thúc đẩy TP HCM phát triển bền vững, đòi hỏi phải sớm triển khai các trọng điểm sáng tạo của khu đô thị sáng tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai. Việc thành lập TP Thủ Đức gắn với triển khai thực hiện quy hoạch khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông mở ra điều kiện về bộ máy quản lý chỉ đạo trực tiếp, thúc đẩy tính tương tác giữa các trụ cột và trọng điểm này với nhau, hình thành động lực mới cho sự tăng trưởng cũng như chuỗi giá trị gia tăng lớn hơn cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, chứ không đơn thuần là sự "cộng dồn cơ học".
Còn về mặt chính sách, TP Thủ Đức là mô hình "thành phố trong thành phố" đầu tiên ở Việt Nam và với những kinh nghiệm trong thực tiễn quản lý của TP HCM, sắp tới cần mạnh dạn đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù tạo ra sự đột phá cho đơn vị hành chính này để phát huy tối đa lợi thế sẵn có của 3 quận và triển khai quy hoạch khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP với các trung tâm chức năng quan trọng: Trung tâm tài chính gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm; trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; trung tâm giáo dục, đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ trình độ cao (gồm ĐHQG TP HCM, ĐH Fulbright, Trường ĐH Nông Lâm và các trường ĐH lân cận…); trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; trung tâm công nghệ sinh thái - khu vực Tam Đa và Long Phước; trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng container Cát Lái; khu đô thị cảng Trường Thọ - đô thị tương lai.
Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM có quy định: "Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quyết định hoặc trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức thuộc TP HCM để thực hiện từ năm 2021".
Do đó, TP HCM sẽ chủ động xây dựng đề án riêng về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét quyết định trong quý I/2021. Còn trước mắt, TP HCM chủ động đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền cho UBND, chủ tịch UBND TP Thủ Đức để tạo sự đột phá, phát huy cao nhất tính hiệu lực, hiệu quả, phát huy vai trò của người đứng đầu chính quyền TP trong hoạt động quản lý, điều hành, hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và thu hút mạnh mẽ đầu tư của DN.
Nhiều việc cần làm ngay
Những đầu việc cần bắt tay làm ngay để xây dựng TP Thủ Đức là gì, thưa ông?
Như đã nói, thành lập TP Thủ Đức không đơn thuần chỉ là sự "cộng dồn cơ học" mà trước hết phải biến các ý tưởng thành những quy hoạch cụ thể. Trước khi việc thành lập TP Thủ Đức được thông qua, TP HCM đã thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông do chủ tịch UBND TP HCM làm trưởng ban. Ban Chỉ đạo đã công bố kế hoạch hành động. Giờ đây, TP Thủ Đức đã được thành lập, quá trình lập quy hoạch xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông sẽ được cập nhật vào quy hoạch chung của TP HCM. Khi đó, việc kêu gọi đầu tư vào TP Thủ Đức cũng sẽ được thực hiện ngay.
Chủ tịch UBND TP HCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng chương trình phát triển, xác định tiến độ, các cơ quan chịu trách nhiệm triển khai việc lập quy hoạch xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP để làm cơ sở tổ chức các hội nghị kêu gọi đầu tư.
Đồng thời, TP cũng đã tổ chức hội thảo quốc tế về đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TP HCM giai đoạn 2020 - 2030 cho 8 ngành, lĩnh vực: công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị DN, tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch, quản lý đô thị, nhằm đánh giá thực trạng, tồn tại, hạn chế hiện nay cũng như xác định nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ở từng ngành để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm đưa lực lượng này trở thành nhân tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển TP Thủ Đức ở hiện tại và trong tương lai.
Ngoài ra, TP cũng đầu tư các công trình phù hợp với quy hoạch từ nguồn ngân sách nhà nước, làm cơ sở nền tảng về hạ tầng, tăng sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển TP Thủ Đức. Đặc biệt, trong chiến lược 5 năm tới, TP sẽ đẩy nhanh xây dựng hạ tầng, giải quyết ùn tắc và dần khép kín hệ thống giao thông đô thị trên địa bàn của TP Thủ Đức nói riêng và kết nối khu vực khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Có thể kể đến một số công trình trọng điểm như: tuyến metro số 1, phát triển hệ thống giao thông xanh (xe buýt nhanh,…), nhà máy xử lý nước thải, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, nút giao thông An Phú, nút giao thông Mỹ Thủy, Công viên Khoa học và Công nghệ…
Với những đầu việc cụ thể như thế, chắc chắn diện mạo TP Thủ Đức sẽ thay đổi nhanh chóng, đời sống người dân ở khu vực sẽ được nâng cao hơn.
Sự tin tưởng từ Quốc hội
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong nhiệm kỳ UBND TP 2016 - 2021, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm, xem xét thông qua cho TP HCM 3 nghị quyết với những quyết sách đột phá, đồng bộ, tạo cơ hội cho TP HCM phát triển nhanh và bền vững. Một là, Nghị quyết số 54/2017/QH14 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Hai là, Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM. Ba là, Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM.
"Đây là sự ghi nhận, tin tưởng và sự động viên rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM. Vì thế, TP sẽ phát huy các cơ chế đặc thù này một cách hiệu quả nhất để nhanh chóng vươn lên tầm cao mới, đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước, cùng cả nước, vì cả nước và phục vụ người dân TP được tốt hơn" - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhìn nhận.
Bình luận (0)