Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký Nghị quyết số 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 31).
Thúc đẩy kinh tế tri thức
Nghị quyết 31 đặt mục tiêu đến năm 2030, TP HCM là thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8%-8,5%/năm; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.
Tầm nhìn đến năm 2045: TP HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Nghị quyết 31 nêu rõ tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Phát triển TP Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới - là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP HCM.
Đồng thời, tập trung xây dựng thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại...
Thực thi quy hoạch tích hợp
Một nội dung quan trọng khác là Nghị quyết 31 nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Quy hoạch phát triển không gian ngầm, không gian xanh, không gian sông nước, không gian văn hóa, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố, các khu đô thị mới, xung quanh các nhà ga metro theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD). Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; kết hợp đồng bộ giữa cải tạo, chỉnh trang đô thị với phát triển đô thị mới...
Cho thí điểm chính sách vượt trội
Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết 31 giao Thành ủy TP HCM khẩn trương xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị. Chỉ đạo chính quyền thành phố phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, hoàn chỉnh Đề án ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 trình Quốc hội sớm nhất.
Ban Cán sự Đảng Chính phủ ban hành Chương trình hành động tổ chức thực hiện Nghị quyết; Đề án triển khai thực hiện Kết luận số 14/2021 của Bộ Chính trị, chọn TP HCM làm thí điểm. Thực hiện phân cấp, phân quyền cho thành phố trên một số lĩnh vực theo Chương trình hành động của Chính phủ
Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị sẽ tiếp thêm động lực để TP HCM ngày càng phát triểnẢnh: TẤN THẠNH
Định vị vai trò của TP HCM
Chia sẻ về Nghị quyết 31 mà Bộ Chính trị vừa ban hành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh đây là sự định hướng rất quan trọng về mặt chủ trương, chính sách đối với TP HCM; tạo động lực lớn cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
Song, theo ông Phan Văn Mãi, quan trọng hơn cả, chủ trương này của Đảng đã định vị vai trò, vị trí của thành phố, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc về chỗ đứng, đặc biệt là trách nhiệm đối với cả nước và khu vực; là hành trang quan trọng, là "chìa khóa vàng" cho việc đẩy mạnh tiến trình phát triển thành phố.
Chủ tịch UBND TP HCM cho biết trong tháng 1-2023, thành phố sẽ tổ chức hội nghị để triển khai Nghị quyết 31 và Chương trình hành động. Đồng thời, thành phố cũng khẩn trương chuẩn bị nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, thể chế hóa mạnh mẽ Nghị quyết 31.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhận xét Nghị quyết 31 là động lực lớn để TP HCM phát triển, giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, có sức lan tỏa và thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, TP HCM trở thành thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại; đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại... của cả nước; đến năm 2045 phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; trở thành nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế. Đây là mục tiêu khá thách thức trong bối cảnh địa chính trị - kinh tế thế giới dự báo còn nhiều bất ổn, diễn biến khó lường trong thời gian tới.
Vấn đề đặt ra cho TP HCM là việc tổ chức thực hiện ra sao để tận dụng tối đa động lực từ những chính sách vượt trội mà Bộ Chính trị đã dành cho.
Chẳng hạn, trong thực hiện phân cấp, phân quyền cho HĐND và UBND TP HCM nhằm tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, thành phố cần lưu ý xem xét, quyết định giao một số nhiệm vụ cho UBND TP Thủ Đức theo tiêu chí ưu tiên, phân quyền mạnh mẽ hơn so với các quận, huyện khác.
Về phía các bộ, ngành, cần có sự phối hợp đồng bộ, ban hành hướng dẫn kịp thời để hạn chế tình trạng chồng chéo trong quy định của pháp luật, không phân định rõ thẩm quyền, gây vướng mắc, cản trở cho TP HCM khi thực hiện Nghị quyết 31.
Giảm phụ thuộc bên ngoài
Theo TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển công nghệ ngân hàng (Đại học Quốc gia TP HCM), cần định hướng chiến lược, chú trọng kiến tạo động lực từ nội lực bằng cách tăng tự chủ, giảm phụ thuộc bên ngoài để phát triển. Chẳng hạn, là trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của cả nước nhưng TP HCM hiện chưa có đủ hành lang pháp lý để thu hút vốn. Do đó, kỳ vọng vào sự ra đời Luật Đầu tư mạo hiểm, mở cửa cho hoạt động đầu tư từ công chúng vào khu vực khởi nghiệp. Nền kinh tế năng động là lợi thế tuyệt đối của TP HCM so với cả nước và nhiều nước khác. Tuy nhiên, sự năng động đang kìm lại trong hành lang quy định tương đối hẹp và vẫn còn các nguồn lực tại thành phố đang xói mòn do thiếu cơ chế đủ rộng để khai thác. Vì vậy, kiến nghị nới rộng hơn nữa hành lang quy định để giải phóng nguồn lực và sự năng động của thành phố.
Giữ tỉ lệ điều tiết ngân sách thành phố
Nghị quyết 31 yêu cầu ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong giai đoạn mới. Trên cơ sở tổng kết, tiến hành bổ sung, sửa đổi, sớm ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TP HCM khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Giữ tỉ lệ điều tiết ngân sách thành phố theo mức hiện nay đến hết năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo, tạo điều kiện để thành phố có nguồn lực bổ sung cho các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, đầu tư phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm và nâng cao phúc lợi của người dân, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế TP HCM; cho thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính và chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Trung tâm Tài chính quốc tế.
Cho phép TP HCM thực hiện cơ chế cần thiết để xử lý những dự án đầu tư, những công trình tồn đọng nhiều năm do vướng mắc về cơ chế, thủ tục. Cho phép HĐND thành phố quyết định việc giao một số nhiệm vụ theo quy định pháp luật, thuộc chức năng của các sở, ngành chuyên môn cho UBND TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức trong phạm vi địa bàn TP Thủ Đức.
Bình luận (0)