xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giao thông sẽ đẩy ĐBSCL bật lên

CA LINH - MINH SƠN - HIỆP THỦY

Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được đầu tư mở ra cơ hội giao thương lớn cho các tỉnh, thành ĐBSCL, đáp ứng niềm mong chờ của hơn 20 triệu người dân trong vùng

ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố, hiện là vùng sản xuất nông nghiệp và thủy sản lớn nhất cả nước. Nhiều năm nay, hạ tầng giao thông xuống cấp, thiếu kết nối đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.

Giao thông sẽ đẩy ĐBSCL bật lên - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự lễ khởi công đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Ảnh: CA LINH

Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: Làm cấp bách

Sáng 4-1, tại xã Thuận An (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công xây dựng dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật, đường cao tốc từ TP HCM đến Cần Thơ là một bộ phận của trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông - trục đường có lưu lượng xe lớn vào bậc nhất trong các trục đường chính trên toàn quốc. Trong đó, đoạn cao tốc TP HCM - Trung Lương đã đưa vào sử dụng vào năm 2010. Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đang được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2021. Cầu Mỹ Thuận 2 đang được triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2023. Do đó, việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ nhằm hoàn chỉnh tuyến cao tốc TP HCM - Cần Thơ là hết sức cần thiết và cấp bách.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng thông tin mặc dù còn có một số ý kiến khác nhau về lựa chọn phương thức đầu tư công hay đối tác công - tư (PPP), nhưng với tính cấp thiết của dự án và tình hình huy động vốn PPP rất khó khăn, Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh dự án từ PPP sang hình thức đầu tư công và cấp 4.800 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

"Nhờ vậy, trong thời gian ngắn đã hoàn chỉnh hồ sơ dự án chuyển đổi chủ trương đầu tư. Chỉ trong khoảng 6 tháng, Bộ GTVT đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn từ phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu và khởi công dự án đúng kế hoạch" - Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ GTVT, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, giám sát, thi công phải bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, không để tình trạng làm trước hỏng sau, không chạy theo số lượng mà xem nhẹ chất lượng. Đặc biệt, Thủ tướng cũng lưu ý Bộ GTVT cùng những đơn vị có liên quan tập trung quyết liệt để năm 2022, đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ hoàn thành.

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài 22,97 km, trong đó 10,44 km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, còn lại là trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Điểm đầu của dự án nằm tại phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Điểm cuối của dự án tại nút giao cầu Chà Và (kết nối Quốc lộ 1), thuộc xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.826 tỉ đồng do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Theo Bộ GTVT, đến nay, dự án đã bàn giao 17,8/22,97 km. Giải ngân chi phí giải phóng mặt bằng trên kế hoạch vốn đã bố trí đạt 100%.

Giao thông sẽ đẩy ĐBSCL bật lên - Ảnh 2.

Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được thông tuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: MINH SƠN

Thông tuyến cao tốc từng đình trệ 10 năm

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã di chuyển thực nghiệm trên toàn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và dự lễ cắt băng thông tuyến cao tốc này.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công từ tháng 11-2009. Sau gần 10 năm đình trệ, tiến độ chỉ đạt 10% thì đến tháng 3-2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án. Sau hơn 18 tháng tái khởi động, Tập đoàn Đèo Cả đã thực hiện theo cam kết với Thủ tướng Chính phủ về việc phải thông tuyến dự án vào cuối năm 2020.

Đến nay, dự án đã thi công đạt hơn 75% khối lượng. Tuyến chính dài hơn 51 km đã thông. Một số đoạn trên tuyến chính đã trải cấp phối đá dăm, thảm bê-tông nhựa mặt đường… Dự án đang tiếp tục thi công các hạng mục còn lại như: kết cấu mặt đường, hệ thống an toàn giao thông, chiếu sáng, hệ thống kiểm soát giao thông thông minh (ITS), trạm thu phí…

Đại điện Tập đoàn Đèo Cả cho biết tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã có thể phục vụ người dân (xe khách dưới 16 chỗ và xe tải dưới 2,5 tấn với tốc độ 40 km/giờ) vào dịp Tết nguyên đán năm 2021 trong trường hợp Quốc lộ 1 quá tải và xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, việc tổ chức lưu thông tạm thời này phải được Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang cho phép và làm đầu mối tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo UBND tỉnh Tiền Giang sớm giải quyết các vướng mắc kéo dài về việc thu phí của tuyến TP HCM - Trung Lương, đồng thời sử dụng các trạm thu phí sẵn có trên cao tốc TP HCM - Trung Lương (trạm Chợ Đệm) để tổ chức quản lý thu phí đồng bộ liên thông trên toàn tuyến cao tốc từ TP HCM đến Mỹ Thuận - Cần Thơ. Rà soát hạng mục Trạm dừng nghỉ mà tỉnh Tiền Giang đã giao cho nhà đầu tư khác thực hiện nhằm bảo đảm đồng bộ với trung tâm cứu hộ cứu nạn khi đưa vào sử dụng toàn tuyến.

Tháo điểm nghẽn lớn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ nhiều năm, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân ĐBSCL. Vì vậy, vào tháng 4-2019, Thủ tướng cùng các lãnh đạo Chính phủ đã có lời hứa với hơn 20 triệu người dân ĐBSCL là trước Tết nguyên đán năm nay sẽ thông tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận.

Trong quá trình triển khai, dự án gặp một số khó khăn lớn như: có sự thay đổi chính sách pháp luật về đầu tư, thời tiết mưa lũ kéo dài, dịch Covid-19, khu vực có nền đất yếu, vật liệu khan hiếm. Đặc biệt, phải thi công xây dựng tới 39 chiếc cầu lớn, nhỏ trên tuyến cao tốc 51 km này. Trước tình hình đó, Thủ tướng đã quyết định chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang; nhấn mạnh đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện lời hứa trước nhân dân, chọn đúng đơn vị có năng lực thi công, tổ chức thực hiện. Thủ tướng đã 4 lần trực tiếp vào kiểm tra thi công dự án, còn các Phó Thủ tướng đã 3 lần vào kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Qua công trình này, Thủ tướng cho rằng không có khó khăn nào chúng ta không vượt qua nếu có ý chí, sự quan tâm chung, đoàn kết phấn đấu từ trung ương tới địa phương; khả năng tổ chức thực hiện của tỉnh, các đơn vị có liên quan, sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật cần thiết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao 4.000 hộ dân đã di dời, nhường đất cho dự án, đặc biệt không xảy ra khiếu kiện trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng. Thủ tướng yêu cầu tỉnh Tiền Giang tiếp tục quan tâm công tác tái định cư, ổn định đời sống, tạo sinh kế cho người dân. "Khối lượng công việc của giai đoạn 2 còn rất lớn, phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để năm 2021 khánh thành tuyến cao tốc mẫu mực này với tiêu chuẩn quốc tế" - Thủ tướng đề nghị.

Nhấn mạnh Việt Nam cần có các đơn vị thi công tầm cỡ quốc tế, Thủ tướng cho biết sẽ trực tiếp xử lý kiến nghị của Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu hồi vốn.

Kỳ vọng hàng loạt dự án lớn

Tại lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ triển khai hàng loạt dự án kết nối giao thông ĐBSCL, góp phần nâng cao đời sống cho hơn 20 triệu người dân trong vùng.

Trong năm 2021, Bộ GTVT sẽ triển khai các công việc chuẩn bị đầu tư, dự án khả thi để tiếp tục khởi công đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển của các tỉnh ĐBSCL với chiều dài khoảng 400 km. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT sớm khởi công tuyến tránh Long Xuyên, tỉnh An Giang với số vốn gần 1.500 tỉ đồng.

Trong thời gian tới, nhiều công trình trọng điểm cũng hoàn tất hoặc khởi công như: khánh thành tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (dài trên 51 km), thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hoàn thành sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội), khánh thành cầu Cửa Hội kết nối Nghệ An - Hà Tĩnh, khởi công sân bay Long Thành vào sáng 5-1.

. Ông TRẦN VIỆT TRƯỜNG, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ:

TP HCM đi Cần Thơ còn 2 giờ

Khởi công dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là sự trông chờ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ cũng như người dân của cả vùng ĐBSCL. Tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại từ TP HCM về TP Cần Thơ từ 3-4 giờ xuống còn khoảng 2 giờ, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc giao thông, giao thương của người dân ĐBSCL.

. Ông LỮ QUANG NGỜI, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long:

Sớm bàn giao mặt bằng

Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 khi hoàn thành sẽ giải quyết nhu cầu vận tải trên tuyến Quốc lộ 1, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực, bảo đảm quốc phòng - an ninh cho giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 và dần hoàn thiện tuyến cao tốc theo quy hoạch. Tôi sẽ quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư nhằm triển khai hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra. Tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý dự án nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công thuộc thẩm quyền của địa phương.

. TS TRẦN HỮU HIỆP, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL:

Điểm sáng giao thông

Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khởi công ngay những ngày đầu năm mới. Đơn vị thi công chạy nước rút hoàn thành công trình "dài hơn 1 thập niên" là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với kỳ vọng người TP HCM, dân miền Tây về quê trên con đường mới. Trong tương lai, toàn tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ hoàn thành vào năm 2023. Đây là một đoạn trong tuyến quan trọng của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nối dài từ Hà Nội, qua TP HCM đến Cần Thơ dài 1.814 km, kết nối các tuyến chính đã và đang xây dựng tại ĐBSCL, tạo ra mạng lưới giao thông hoàn chỉnh. Hai tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dự kiến đầu tư hơn 67.400 tỉ đồng.

Bức tranh giao thông ĐBSCL gần đây đã tạo ra được các điểm sáng với hệ thống đường dọc, trục ngang, các cầu vượt sông lớn, cụm cảng và luồng, các sân bay trong vùng được đầu tư. Nhiều người phấn khởi dự báo sẽ có sự bứt tốc giao thông của ĐBSCL trong 5 năm tới.

. Ông NGUYỄN PHƯƠNG LAM, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ:

Giải bài toán phát triển vùng

Tuyến cao tốc nối Trung Lương - Mỹ Thuận vừa thông xe kỹ thuật là một bước tiến lớn, giải quyết điểm nghẽn giao thông ĐBSCL nối TP HCM, sẽ giúp lưu thông hàng hóa và thời gian di chuyển được cải thiện. Mục tiêu cơ bản để phát triển kinh tế vùng là tối thiểu phải kết nối 2 trung tâm là TP Cần Thơ với TP HCM. Như vậy, phải mất 2 năm nữa (nếu cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành đúng kế hoạch) thì mới xem là cơ bản.

Việc khởi công tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là điểm mấu chốt giải quyết bài toán phát triển của trung tâm vùng là Cần Thơ cũng như cho sự phát triển chung của ĐBSCL. Để hoàn thiện được hạ tầng giao thông phục vụ cho phát triển, phải nối phần còn lại từ Cần Thơ - Cà Mau và trục ngang Cần Thơ - Châu Đốc.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo