Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên vừa ký ban hành Chỉ thị 17-CT/TU về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh.
Thực hiện đồng thời nhiều đầu việc
Nội dung xuyên suốt trong chỉ thị là thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trên các lĩnh vực và thúc đẩy phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số đóng góp khoảng 25% tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn TP.
Để hiện thực hóa điều này, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội TP quán triệt, nâng cao nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, tạo lập, tích hợp và khai thác hiệu quả các dữ liệu để phục vụ công tác phòng chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và quản trị TP theo hướng hiện đại. Các đầu việc được nhắc tới gồm hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số; tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực gắn với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong môi trường số…
Khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, khoa học công nghệ tích cực đầu tư, tham gia vào quá trình chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ số thiết yếu cũng là một nhiệm vụ quan trọng mà chỉ thị yêu cầu thực hiện.
Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam, cho rằng việc phát triển kinh tế số, chuyển đổi số có 3 trụ cột chính gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Ba trụ cột này, nói đơn giản là con người, thể chế và công nghệ, được ví như là kiềng ba chân làm cho quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam hướng tới một nền kinh tế số trở nên khả thi. Trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất.
Về loại hình doanh nghiệp trong lĩnh vực này, theo Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam, cần phát triển 4 loại hình. Thứ nhất là các doanh nghiệp lớn chuyển sang hoạt động về công nghệ số. Thứ hai là các doanh nghiệp về công nghệ thông tin tiên phong trong nghiên cứu và phát triển. Thứ ba là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thứ tư là các doanh nghiệp ươm mầm. "Vì phải chuẩn bị thật tốt nên việc đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số cũng là một thách thức rất lớn" - ông Trần Quý nhận định.
TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số sẽ đóng góp 25% GRDP. Trong ảnh: Một góc TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thu hút nhân tài
PGS-TS Trần Hùng Sơn (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP HCM) đồng quan điểm trọng tâm của phát triển kinh tế số chủ yếu sẽ liên quan đến nguồn nhân lực. Ông Trần Hùng Sơn cho rằng song song với các đề án chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, TP HCM cần có đề án quy hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế số đến năm 2030, trong đó có một chương trình tái cấu trúc hệ thống các cơ sở đào tạo nghề nghiệp do thành phố quản lý.
TP HCM cũng có thể đặt hàng các cơ sở đào tạo lực lượng lao động có trình độ và thích ứng khả năng nền tảng kỹ thuật số. Cấp học bổng cho sinh viên hoặc có chính sách thu hút nhân tài làm việc cho khu vực nhà nước trong các dự án chuyển đổi số.
Song song với những điều trên, TP HCM nên ưu tiên quy hoạch và phân bổ ngân sách đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng chuyển đổi số tại các đơn vị hành chính sự nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khoa học - công nghệ. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng sandbox (khung pháp lý thí điểm) cho những khởi nghiệp và sáng kiến công nghệ mới ở TP HCM bởi đây là mô hình có tính linh hoạt và có cách tiếp cận mới nhằm đáp ứng sự phát triển và nhu cầu đổi mới sáng tạo. "Các ý kiến tôi đề xuất ở trên không chỉ cho mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025 mà còn đặt trong tầm nhìn dài hạn hơn" - ông Trần Hùng Sơn nói.
Xu hướng tất yếu
Ông Lê Nguyễn Khánh Dũng, Giám đốc Ban Công nghệ I - Tập đoàn CT Group, cho biết nhu cầu kinh tế số là tất yếu trong tương lai. Quá trình đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh là xu hướng không thể khác.
Theo ông Khánh Dũng, chuyển đổi số là nhu cầu rất lớn, các doanh nghiệp quốc tế hầu như đã chuyển đổi 4.0 và chuyển đổi rất mạnh mẽ. Còn tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp cũng xác định nếu không chuyển đổi là "tự dìm chính mình".
"Nhu cầu về chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, vì điều này làm tăng năng suất làm việc của cán bộ nhân viên và gia tăng tham gia hợp tác doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Khi kinh tế số là hướng phát triển chủ đạo của TP HCM thì doanh nghiệp tại thành phố sẽ được hưởng lợi rất nhiều" - ông Khánh Dũng khẳng định. Giám đốc Ban Công nghệ I đề xuất thành phố có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào các hiệp hội và chia sẻ dữ liệu số chung. Khi các dữ liệu được kết nối với nhau sẽ giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp, qua đó họ đóng góp chất xám, tài chính vào sự phát triển của thành phố.
Bình luận (0)