Hà Nội có số ca F0 tăng nhiều nhất (riêng ngày 19-2 ghi nhận gần 4.900 ca), tỉ lệ gia tăng thấy rõ sau khi các cấp học từ mầm non tới lớp 6 đi học trực tiếp trở lại sau Tết Nguyên đán. Trước tình hình này, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội tham mưu cho UBND thành phố hoãn học trực tiếp tại 12 quận nội thành đối với các cấp học nói trên từ ngày 21-2 và đề nghị này đã được chính quyền thủ đô đồng ý.
Trong khi đó, ở hầu hết các địa phương khác không làm như vậy. 54/63 tỉnh, thành cho 100% học sinh đến trường từ hôm 15-2 và Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê cùng thời điểm có tới gần 94% tổng số học sinh toàn quốc đã được học trực tiếp. Đây là một nỗ lực lớn, không chỉ là việc chuẩn bị cơ sở vật chất, bố trí đội ngũ, tập huấn cho giáo viên và các lực lượng liên quan mà còn phải thực hiện chu đáo, nghiêm túc nguyên tắc 5K cùng với tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch Covid-19 khác thì mới đủ điều kiện đón học sinh trở lại.
Số ca F0 trong cộng đồng nhiều và bất kể nơi đâu cũng có nguy cơ lây nhiễm, kể cả ở trong nhà, do vậy chẳng có nơi nào là tuyệt đối an toàn. Nhà trường cũng không thể loại trừ lây nhiễm Covid-19 được. Tuy nhiên, qua sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ngành giáo dục, có thể thấy môi trường học đường hiện an toàn hơn nhiều so với khu vui chơi, hàng quán, trung tâm mua sắm, rạp phim, bể bơi... Thầy cô cũng đã được ngành y tế tập huấn các phương pháp xử trí khi lớp học có trẻ bị dương tính với SARS-CoV-2. Thế nên, cho dừng dạy và học trực tiếp khi thấy số ca F0 tăng là sự lo lắng thái quá. Và nếu cứ làm như thế thì chẳng biết khi nào trẻ được đến trường!
Sau 2 năm vất vả đương đầu Covid-19, ngành giáo dục và phụ huynh học sinh đã thống nhất đúc kết rằng chất lượng dạy và học trực tuyến không thể bằng dạy và học trực tiếp; học sinh thường mất tập trung, không được thực hành những kỹ năng "mềm" cần thiết, đặc biệt là dễ dẫn tới nguy cơ trẻ bị tự kỷ hoặc mắc chứng trầm cảm. Đây là những vấn đề tâm lý không thể xem nhẹ. Đó là chưa kể đến chuyện học sinh con nhà nghèo, học sinh ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa chịu nhiều thiệt thòi vì các em thiếu thốn phương tiện để học qua mạng, đường truyền lại kém... Nếu thời gian học trực tuyến càng kéo dài thì bất bình đẳng càng gia tăng.
Các chuyên gia dịch tễ và bệnh truyền nhiễm hàng đầu Việt Nam đã lên tiếng trấn an. Theo đó, nguy cơ mắc Covid-19 ở trẻ em thấp, tỉ lệ trẻ dương tính chuyển sang tình trạng bệnh nặng cũng rất thấp, đồng thời với điều kiện chăm sóc y tế như hiện nay thì qua vài ngày theo dõi, điều trị là khỏi. Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cũng nhìn nhận rằng cho học sinh đi học trở lại có lợi lớn hơn so với rủi ro dịch bệnh. Ông nhấn mạnh dù vắc-xin không phải là điều kiện tiên quyết để quyết định mở cửa trường học nhưng cùng với độ phủ vắc-xin rộng và tuân thủ nghiêm 5K, chủ động tạo ra môi trường dạy và học an toàn thì sẽ giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh.
Chúng ta đã tiêm chủng cơ bản xong vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, đang tính phương án tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Tính đến nay, Việt Nam đã tiêm gần 190 triệu liều vắc-xin; khoảng 75 triệu người, tương đương 76% dân số Việt Nam, đã được tiêm đủ số liều cơ bản, sớm đạt mục tiêu do WHO đề ra (đến giữa năm 2022, tất cả các nước hoàn thành tiêm vắc-xin Covid-19 cho 70% dân số). Một khi đã đạt được miễn dịch cộng đồng thì việc thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh theo Nghị quyết 128 phải được triển khai nhất quán và dứt khoát, không nên lúng túng đóng rồi mở, mở rồi đóng như đã thấy.
Bình luận (0)