Ngày 12-10, tiếp tục phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (Nghị quyết 54); báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 115 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.
Nghiên cứu chính sách đột phá hơn
Tại phiên họp, đại diện Chính phủ đã trình bày báo cáo đề nghị cho phép TP HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 thêm 1 năm đến hết ngày 31-12-2023.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết thường trực ủy ban này cho rằng nếu tại kỳ họp thứ 4, Chính phủ không thể đưa ra những đề xuất chính sách của một nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 để áp dụng ổn định sau thời gian thí điểm theo quy định thì "phương án kéo dài thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết 54 đến ngày 31-12-2023 là cần thiết".
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra góp ý báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ lý do, tính thuyết phục, căn cứ phù hợp để áp dụng việc kéo dài thời gian thực hiện; chưa dự báo được hiệu quả sẽ mang lại nếu kéo dài thời hạn thực hiện thêm 1 năm. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do dịch COVID-19, báo cáo chưa chỉ ra nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thực hiện dẫn đến phải kéo dài.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ủng hộ việc kéo dài Nghị quyết 54 tối thiểu 1 năm. Ảnh: PHẠM THẮNG
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng trong bối cảnh Chính phủ chưa đề xuất các cơ chế, chính sách mới, việc đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 là phù hợp để TP HCM khai thác các chính sách cần thiết cho phát triển. "Đề nghị TP HCM phải quyết tâm nghiên cứu đưa ra chính sách mới đột phá hơn cũng như điều chỉnh, dừng chính sách nào không còn phù hợp" - ông Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần nghiên cứu tổng kết thực tiễn gắn với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để cụ thể hóa chính sách vào luật, đơn cử như Luật Đất đai (sửa đổi).
Nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thấu đáo
Giải trình các ý kiến góp ý, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết UBTVQH đã có những đánh giá rất tốt, đồng thời chỉ ra có nhiều yếu tố tác động bên ngoài ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện, trong đó có nguyên nhân chủ quan.
Ông Võ Văn Hoan dẫn ví dụ có những việc thành phố muốn làm nhưng cân nhắc vì mới, vì khó và trước khi làm cũng lắng nghe nhiều ý kiến, sau đó chưa mạnh dạn đưa ra do có ý kiến trái chiều. "Có vấn đề do chủ quan của chúng ta. Nghị quyết có đề cập nhưng thực tế thực hiện không phải đơn giản vì vướng các thủ tục, quy định của Luật Đầu tư. Đó là cái khó dẫn đến chậm triển khai" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM dẫn chứng.
Bên cạnh đó là vấn đề liên quan đến cổ phần hóa. Thực tế TP HCM có chậm về phương án cổ phần hóa nhưng để có phương án thì phải chờ hướng dẫn các phương án sử dụng đất, nên không làm được... Tài sản công của các cơ quan trung ương trên địa bàn thành phố cũng chưa được sắp xếp nên không có cơ hội để triển khai thực hiện đúng theo tinh thần nghị quyết.
TP HCM đã chuẩn bị dự thảo nghị quyết mới trình Quốc hội mang tính toàn diện hơn để huy động nhiều nguồn lực hơn, không phải chỉ nguồn lực từ nhà nước. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, dự thảo nghị quyết mới mở ra cơ chế huy động nguồn lực tư nhân để đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao. Song Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) không cho lĩnh vực văn hóa, thể thao được xã hội hóa nên rất khó thực hiện. "Với các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, nếu không huy động các nguồn lực để đầu tư các cơ sở vật chất về văn hóa, thể thao quy mô lớn thì chắc chắn nhà nước sẽ không có nguồn lực để thực hiện" - ông Võ Văn Hoan nói.
Vì vậy, đại diện lãnh đạo TP HCM mong muốn Quốc hội cho thực hiện đối tác công - tư với 2 lĩnh vực này. "TP HCM cố gắng làm và làm tốt để có nhiều kinh nghiệm góp ý cho quy định pháp luật của cả nước, đồng thời tạo điều kiện cho thành phố phát triển, có nhiều nguồn thu hơn để đóng góp nhiều hơn cho cả nước" - ông Võ Văn Hoan bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm là rất cần thiết và quá trình thực hiện chứng minh nhiều cơ chế, chính sách phát huy công năng, hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố lớn.
Chủ tịch Quốc hội ủng hộ việc trình Quốc hội cho phép kéo dài thực hiện Nghị quyết 54 và kéo dài phải có thời hạn, ít nhất khoảng 1 năm. Trong thời gian này, các cơ quan nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thấu đáo hơn để đề xuất một số chính sách có thể thể chế hóa bằng luật pháp chung, một số chính sách mới thí điểm thêm.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết UBTVQH thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép TP HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết ngày 31-12-2023 và đưa nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội thứ 4 (dự kiến khai mạc ngày 20-10-2022).
Kiện toàn một số chức danh cấp cao
Chiều 12-10, UBTVQH họp cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV. Trình bày dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết tại kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội sẽ kiện toàn một số chức danh cấp cao. Đáng chú ý, theo chương trình dự kiến, công tác nhân sự sẽ được Quốc hội tiến hành ngay ngày đầu tiên của kỳ họp.
Cụ thể, vào cuối phiên làm việc chiều 20-10, Quốc hội sẽ họp kín nghe UBTVQH báo cáo về việc miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026. Quốc hội cũng sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026.
Sau đó, các đại biểu thảo luận ở đoàn về nội dung này. Sáng 21-10, Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín để miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026; phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Sau đó, UBTVQH trình Quốc hội về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026; Thủ tướng trình Quốc hội về việc đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026. Quốc hội tiến hành bầu và phê chuẩn các chức danh này vào chiều cùng ngày.
Một nội dung đáng chú ý khác, theo Tổng Thư ký Quốc hội, là Chính phủ có tờ trình đề nghị bổ sung dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức để trình Quốc hội xem xét, thông qua ngay tại kỳ họp này.
Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị UBTVQH yêu cầu Chính phủ báo cáo nội dung về tình hình xung đột Nga - Ukraine, các tác động đến Việt Nam, dự báo tình hình để đại biểu Quốc hội nắm được thông tin chính thống. Nội dung này được đề cập trong báo cáo về công tác đối ngoại năm 2022 hoặc có báo cáo riêng.
Xem xét thông qua 7 dự án luật
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết là: Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. Quốc hội cũng cho ý kiến đối với 7 dự án luật khác.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết dự kiến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20-10, bế mạc vào ngày 15-11. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày (từ chiều ngày 3 đến 5-11).
Bình luận (0)