Để gỡ những điểm nghẽn của TP HCM trong quá trình phát triển, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP khóa X nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra 7 chương trình đột phá. Tuy nhiên, nửa nhiệm kỳ đã trôi qua nhưng nhiều chương trình chưa đạt được 50% kế hoạch đề ra, trong đó có không ít chỉ tiêu được đánh giá là không thể hoàn thành và khó hoàn thành.
Ngập cùng ô nhiễm "mắc kẹt" vì lúng túng
Đầu tiên phải kể đến là chương trình giảm ngập nước. Tính đến thời điểm hiện tại, đã giải quyết được 22/37 tuyến đường ngập, đạt hơn 59% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020. Về phía các quận - huyện đã đầu tư hoàn thành 1.358 tuyến đường, hẻm ngập. Ngoài ra, TP cũng xử lý được 4/9 tuyến đường ngập do triều... Nhìn vào kết quả thì thấy khả quan nhưng thực tế công tác chống ngập tuy đã được xác định ngay từ đầu nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục, thậm chí có mặt tác động trầm trọng hơn. Cụ thể, nhiều tuyến đường đã được đầu tư chống ngập nhưng vẫn ngập như đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), Đỗ Xuân Hợp (quận 9)…, khiến người dân nghi ngờ năng lực chống ngập của TP.
Dù đã đạt được hơn nửa mục tiêu đề ra nhưng chương trình đột phá giảm ngập lại bị đánh giá là khó về đích nếu vẫn cứ làm như hiện tại Ảnh: SỸ ĐÔNG
Nguyên nhân dẫn đến thực tế trên, theo những chuyên gia trong lĩnh vực này, là do các quy hoạch về thoát nước, chống ngập, thủy lợi được phê duyệt đã không còn phù hợp. Công tác dự báo chưa lường hết được biến đổi khí hậu nên thông số thiết kế theo quy hoạch đã không còn phù hợp dẫn đến một số tuyến cống dù mới được đầu tư cũng trở nên quá tải. Kế đến, công tác chỉ đạo điều hành còn lúng túng, chưa tham mưu được những giải pháp mang tính chiến lược lâu dài. Chưa kể, cơ quan quản lý điều hành chống ngập chưa thống nhất, đồng bộ, còn chồng chéo; công tác phối hợp giữa cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ… Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chống ngập ở TP có tính chất đa ngành, vai trò của các sở ngang nhau nên rất khó để sở này chỉ đạo sở kia nên chẳng ai chịu trách nhiệm cụ thể. Do đó, với kiểu này thì ngập khó giải được.
Ở chương trình giảm ô nhiễm môi trường với 16 chỉ tiêu đề ra, đến nay có thể khẳng định 2 chỉ tiêu không thể hoàn thành là 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý và giảm thiểu 90% mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt.
Đối với chỉ tiêu thu gom nước thải đô thị, nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ, theo những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, là do đến gần cuối năm 2017 mới lên kế hoạch đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng 12 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, với tổng công suất xử lý đạt gần 1,9 triệu m3/ngày vào năm 2020… Trong đó, mọi thành phần tham gia các dịch vụ thu gom, tái sử dụng, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải, nước thải và các dịch vụ bảo vệ môi trường khác. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho hay thời điểm này chưa có mức giá cụ thể là bao nhiêu. Vì vậy, dù rất muốn đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải nhưng chưa dám vì không lên được kế hoạch thu hồi vốn, trong khi vốn đầu tư rất lớn. "Một khi nước thải đô thị không được gom thì rõ ràng nước mặt khó giảm thiểu ô nhiễm là điều ai cũng thấy" - một cán bộ ngành tài nguyên và môi trường nhấn mạnh.
Nhà ven kênh, giảm ùn tắc hẹn nhau về… trễ!
Một chương trình đột phá khác làm chính quyền TP "đau đầu" không kém là giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông. Theo tính toán, toàn bộ chương trình gồm 7 nhóm giải pháp với 160 nhiệm vụ, 172 dự án cần triển khai với nhu cầu vốn đầu tư là 323.997 tỉ đồng. Nhưng giai đoạn 2016-2018, TP chỉ có thể chi được hơn 16.000 tỉ đồng, nguồn vốn trung ương là 18.158 tỉ đồng; TP đã linh động kêu gọi đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) hơn 1.600 tỉ đồng; vốn ODA là 18.158 tỉ đồng… để triển khai các dự án. Hậu quả, hiện các chỉ tiêu về giảm ùn tắc đều không đạt một nửa, như tỉ lệ số km đường được làm mới và đưa vào sử dụng chỉ đạt gần 36%; số cầu xây dựng mới đạt hơn 42%; tỉ lệ đất dành cho giao thông đạt hơn 16% kế hoạch; cao nhất là mật độ đường giao thông đạt hơn 43%...
Như vậy, từ nay đến năm 2020, TP cần đến số tiền "khủng" là hơn 284.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án theo kế hoạch là chuyện rất khó. Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, hiện nguồn vốn từ ngân sách TP được phân bổ thấp, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và việc áp dụng hình thức đầu tư PPP cũng đang rất hạn chế. Đặc biệt, việc cấp vốn cho các dự án đường sắt đô thị không đúng tiến độ nhu cầu trong thời gian qua đã kéo dài thời gian thi công dẫn đến chậm hoàn thành, ảnh hưởng trực tiếp chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng tại TP. Chưa kể, việc huy động vốn từ trung ương để thực hiện các dự án của Bộ Giao thông Vận tải trên địa bàn TP hiện cũng không đúng tiến độ.
Chương trình đột phá ì ạch nhất chắc chắn là chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị. Chỉ tiêu "xương" nhất của chương trình này là di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống ven và trên kênh rạch. Ở chỉ tiêu này, dù chủ trương đã có từ năm 2016 nhưng đến nay, 27 dự án phục vụ chỉ tiêu này chưa thực hiện các thủ tục đầu tư. Tiếp theo là chỉ tiêu cải tạo chung cư cũ, 2 năm rưỡi đã trôi qua nhưng 13 chung cư cấp D (hư hỏng nặng, nguy hiểm) chưa chọn được chủ đầu tư để tháo dỡ, xây dựng mới.
Nguyên nhân được phân tích là do gặp thách thức lớn từ nguồn vốn mà cụ thể là nguồn vốn ngân sách TP hạn hẹp, phần lớn phải kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP; trong khi đó, nguồn vốn ưu đãi bị thu hẹp, lãi suất cao. Đối với chỉ tiêu cải tạo chung cư cũ còn gặp khó khăn, khó "nhằn" là trình tự thủ tục để thực hiện đầu tư xây dựng mới phải tuân thủ quy định pháp luật - 100% chủ sở hữu chung cư đồng ý tháo dỡ, xây dựng mới.
Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất bớt ùn tắc
Trưa 5-7, ghi nhận thực tế ở khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) - nơi từng là "điểm nóng" về ùn tắc - nhờ thực hiện nhiều công trình lớn mà giao thông qua khu vực thông thoáng hẳn. Điển hình, 2 dự án cầu vượt thép khu vực vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Hoàng Minh Giám và nút giao Bạch Đằng - Trường Sơn đã gần như hóa giải tình trạng kẹt xe cho khu vực sân bay TSN.
Nhờ đưa vào sử dụng hàng loạt cầu vượt mà giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất thông thoáng hơn Ảnh: GIA MINH
Chưa kể, việc đầu tư xây dựng cầu vượt thép tại ngã sáu Gò Vấp, kết hợp với 2 công trình nêu trên còn giúp tăng khả năng kết nối giao thông cho cả một vùng rộng lớn quanh sân bay TSN.
Bình luận (0)