Ngày 4-7, Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã khai mạc. Ngoài việc tổng kết tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm, đề ra nhiệm vụ cho 6 tháng cuối năm như định kỳ, lần này hội nghị sẽ sơ kết, đánh giá giữa nhiệm kỳ; trong đó bàn sâu về 7 chương trình đột phá. Hội nghị sẽ diễn ra trong 3 ngày.
Chỉ rõ 3 điểm nghẽn
Đề cập kết quả 2 năm rưỡi thực hiện 7 chương trình đột phá, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận bên cạnh những kết quả đạt được còn nhiều lo lắng, không biết có đạt mục tiêu hay không. Bí thư chỉ ra 3 điểm nghẽn lớn làm chậm các chương trình đột phá. Đó là thiếu vốn; giải phóng mặt bằng chậm; trật tự kỷ cương quản lý nhà nước và sự tham gia của người dân trong các dự án liên quan còn hạn chế. Ông dẫn chứng: như việc xử lý tình trạng lấn chiếm cống thoát nước, cửa xả trong thời gian qua đạt tỉ lệ rất thấp. Từ đầu nhiệm kỳ có 59 cửa xả, 75 địa điểm kênh rạch và 398 vị trí cống thoát nước bị lấn chiếm nhưng đến nay vẫn còn 46 cửa xả, 59 địa điểm kênh rạch và 361 vị trí cống thoát nước bị lấn chiếm chưa giải quyết xong. "Kết quả hạn chế như trên cho thấy trật tự kỷ cương trong quản lý nhà nước, trách nhiệm người dân cùng tham gia còn nhiều điều đáng bàn" - ông Nhân nói.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi các đại biểu
Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đi sâu vào kết quả từng chương trình đột phá mà UBND TP báo cáo mới thấy thật sự đáng lo khi rất nhiều chỉ tiêu không đạt được 50%. Điển hình như chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết chương trình này chưa tạo được sự chuyển biến như mong đợi. Các chỉ tiêu về giảm ùn tắc đều không đạt một nửa, như tỉ lệ số km đường được làm mới và đưa vào sử dụng chỉ đạt gần 36%; số cầu xây dựng mới đạt hơn 42%, cao nhất là mật độ đường giao thông đạt hơn 43%... Trong khi đó, tình hình tai nạn giao thông chưa được kéo giảm một cách bền vững. Kế đến, chương trình giảm ngập nước có những kết quả khả quan hơn khi giải quyết được 22/37 tuyến đường ngập, đạt hơn 59% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020. Dù vậy, UBND TP đánh giá những nhân tố tác động đến công tác chống ngập tuy đã được xác định ngay từ đầu nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục, thậm chí có mặt tác động trầm trọng hơn. Công tác chỉ đạo điều hành còn lúng túng; ý thức người dân và doanh nghiệp tham gia còn hạn chế; tình trạng xả rác, xây dựng lấn chiếm hành lang sông, kênh, rạch vẫn còn phổ biến. Hay như chương trình giảm ô nhiễm môi trường, UBND TP dự báo 2/16 chỉ tiêu khó hoàn thành là giảm ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải và giảm sử dụng túi ni-lông khó phân hủy; 2/16 chỉ tiêu không thể hoàn thành là 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý và giảm thiểu 90% mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt.
Một chương trình đột phá làm "đau đầu" chính quyền TP nữa là chỉnh trang và phát triển đô thị. Thách thức lớn nhất khi thực hiện là nguồn vốn. "Nguồn vốn ngân sách TP hạn hẹp, phần lớn phải kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, trong khi đó nguồn vốn ưu đãi ODA, IDA bị thu hẹp, lãi suất cao" - ông Liêm nêu. Chưa kể các dự án chỉnh trang thực hiện lâu, không nhiều nhà đầu tư trong nước đáp ứng đủ năng lực và kinh nghiệm. Vì vậy 2 năm rưỡi trôi qua mà 13 chung cư cấp D (hư hỏng nặng, nguy hiểm) chưa chọn được chủ đầu tư để tháo dỡ, xây dựng mới. Đáng lo hơn là trình tự thủ tục để thực hiện đầu tư xây dựng mới phải tuân thủ quy định pháp luật (trường hợp 100% chủ sở hữu chung cư đồng ý tháo dỡ, xây dựng mới). Việc này thực tế rất khó đạt được. Còn việc di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống ven và trên kênh rạch chậm tiến độ dù đã có chủ trương từ năm 2016 nhưng đến nay 27 dự án chưa thực hiện các thủ tục đầu tư.
Thay đổi phương thức triển khai
Trước quá nhiều khó khăn khi thực hiện 7 chương trình đột phá, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các đại biểu thảo luận sâu để triển khai nhanh hơn, hiệu quả. Một trong những gợi ý được Bí thư nêu ra là cần thay đổi phương thức triển khai các chương trình. Theo đó, mỗi chương trình phải có chủ tịch hoặc một phó chủ tịch UBND TP phụ trách, Thường vụ Thành ủy cũng phân công người tham gia. Chẳng hạn, chương trình giảm ngập nước liên quan đến xây dựng, nông nghiệp, giao thông, quy hoạch… nên phải có một tổ chức gồm nhiều sở - ngành đảm nhiệm và một phó chủ tịch UBND TP phụ trách. Công tác quản lý nhà nước về ngập nước có thể sắp xếp lại, điều chuyển từ Sở Giao thông Vận tải qua Sở Xây dựng cho phù hợp với quy định và thực tế.
Nếu không thay đổi cách làm thì chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị khó về đích theo kế hoạch
Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Giải pháp thứ hai, ông Nhân đưa ra là phải ứng dụng công nghệ mới trong từng chương trình để có sự thay đổi và mang tính đột phá hơn, năng suất cao hơn. Như để giảm kẹt xe, ngoài các giải pháp "cứng" về cầu đường thì các giải pháp mềm là thực hiện điều tiết thông minh, nhà giữ xe thông minh trên toàn TP cũng rất cần thiết. Hay như trong lĩnh vực môi trường, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP có kế hoạch xây 7 nhà máy xử lý nước thải bằng công nghệ mới. Việc này làm giảm một nửa chi phí, diện tích giảm một nửa so với công nghệ cũ và xử lý khép kín. "Ba là phải bảo đảm vốn, phải ưu tiên vốn, đẩy mạnh xã hội hóa một cách quyết liệt. Bốn là nâng cao vai trò của người dân tham gia các chương trình đột phá. Vận động người dân đừng xả rác để hạn chế ngập, bảo đảm vệ sinh môi trường. Năm là phải có thay đổi đột phá về trật tự kỷ cương trong quản lý nhà nước từ vấn đề xây dựng không phép, trái phép, xử lý an toàn giao thông trên đường, xử lý rác" - ông Nhân nói.
Bên cạnh đó, để triển khai tốt các chương trình đột phá, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần có cơ chế động viên cán bộ, công chức làm việc. Trong quý III/2018, TP sẽ thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức theo Nghị quyết 54.
Quyết liệt triển khai cơ chế đặc thù
Báo cáo về tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TP HCM giai đoạn 2016-2018, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao và ổn định (duy trì ở mức 8,2%/năm), môi trường đầu tư được cải thiện, niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư tăng lên...
Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế và yếu kém như dân số tăng nhanh tạo áp lực trong quản lý đô thị, hàm lượng giá trị gia tăng trong cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế còn thấp, tỉ lệ đầu tư đổi mới công nghệ còn thấp, công tác quy hoạch chậm và không đồng bộ, tình hình an ninh trật tự xã hội còn tiềm ẩn yếu tố chưa ổn định, bức xúc trong nhân dân...
"Thời gian tới, TP sẽ quyết liệt triển khai cơ chế đặc thù, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, bảo đảm môi trường đầu tư bình đẳng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường" - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
1.330 đảng viên bị kỷ luật
Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Thành ủy TP thông tin đã thi hành kỷ luật 18 tổ chức Đảng, trong đó Ban Thường vụ Thành ủy thi hành kỷ luật 3 tổ chức Đảng, cấp ủy các cấp thi hành kỷ luật khiển trách 14 tổ chức Đảng, cảnh cáo 1 tổ chức Đảng.
Ngoài ra, TP cũng thi hành kỷ luật 1.330 đảng viên, trong đó Ban Thường vụ Thành ủy thi hành kỷ luật 3 thành ủy viên. Nội dung vi phạm chủ yếu là thực hiện không đúng quy chế làm việc, quy định về phân cấp quản lý cán bộ, quy định về bổ nhiệm cán bộ, quy định về giải quyết tố cáo; chấp hành không nghiêm nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng; thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống; suy thoái về tư tưởng chính trị; vi phạm chính sách pháp luật của nhà nước, quy định của ngành…
Bình luận (0)