Ngày 30-11, tại TP HCM, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã tổ chức hội thảo khoa học CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030. Ông Nguyễn Trọng Thừa, Phó trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, chủ trì hội thảo.
Cải thiện hàng loạt chỉ số
Nhìn lại chặng đường cải cách 10 năm, Vụ trưởng Vụ CCHC Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, khẳng định đã đạt nhiều kết quả tích cực. Điều này thể hiện qua sự tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước qua từng năm, nhất là năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng trưởng 7,02%; đầu tư trực tiếp nước ngoài hằng năm đều tăng cả về số dự án, số vốn thực hiện (năm 2019, tăng hơn 2.840 dự án, gấp 3,3 lần so với năm 2011; số vốn tăng hơn 9,3 tỉ USD, gấp 1,8 lần so với năm 2011); số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới năm 2019 tăng hơn 60.600 DN so với năm 2011.
Hội thảo khoa học cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 được tổ chức sáng 30-11 tại TP HCM
Đặc biệt, nhờ CCHC mà hàng loạt chỉ số của Việt Nam được các cơ quan, tổ chức quốc tế đánh giá có sự cải thiện về điểm số và vị trí xếp hạng. Điển hình như Chỉ số Chính phủ điện tử, năm 2019 Việt Nam xếp hạng 86/193, tăng 2 bậc so với năm 2018; Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, năm 2019 Việt Nam xếp vị trí 67/141 quốc gia và nền kinh tế, tăng 10 bậc so với năm 2018...
Theo ông Hùng, có được kết quả trên là nhờ cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách các hoạt động kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử đã đạt được kết quả quan trọng. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng CCHC dù được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đồng đều, thậm chí còn yếu; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa làm hết trách nhiệm, có lúc có nơi còn có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.
Cần kiểm tra công vụ đột xuất
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, đại diện Sở Nội vụ các địa phương đã phát biểu nhiều ý kiến góp ý cho Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 10 năm qua và định hướng giai đoạn tới.
Đại diện UNDP, bà Đỗ Thanh Huyền đã gợi mở nhiều vấn đề về nhân sự công vụ phục vụ CCHC. Theo bà Huyền, khi tổ chức thanh tra định kỳ, các cơ quan, đơn vị đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Như vậy, rất khó có thể đánh giá chuẩn xác hiệu quả hoạt động công vụ thường nhật của đội ngũ cán bộ, công chức. "Do đó, bên cạnh công vụ thường xuyên cần có kiểm tra công vụ bất thường. Nếu thanh tra công vụ chưa có quy định này, Bộ Nội vụ có thể đề xuất xây dựng quy chế thanh tra đột xuất" - bà Huyền đề nghị. Bà Huyền cũng cho biết qua thực tế tuyển dụng công chức, tình trạng vị thân vẫn còn phổ biến. Cần nhìn nhận vấn đề này một cách thấu đáo để có thể xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ, liêm chính ngay từ cấp xã, từ ngạch bậc thấp nhất.
Cũng góp ý về cải cách chế độ công vụ, Học viện Cán bộ TP HCM cho rằng cần cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp theo vị trí việc làm trên cơ sở bản mô tả công việc và khung năng lực tương ứng. Qua đó, sẽ bảo đảm đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu và phân bổ giữa các cấp, các ngành và địa phương, hướng tới việc giao quyền chủ động bố trí cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với từng đặc thù của ngành và địa phương. Việc này phù hợp với cơ cấu dân số, đặc biệt là những địa phương có dân số đông, tăng nhanh.
Theo TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nhà nước cần tập trung làm nhiệm vụ lớn là xây dựng thể chế, pháp luật, hoạch định chính sách, tạo cơ chế và hành lang pháp lý, sân chơi bình đẳng cho DN, người dân hoạt động, điều tiết và bảo đảm cân đối kinh tế vĩ mô, không trực tiếp cung ứng dịch vụ công. Do đó, cần tổ chức lại bộ máy nhà nước cho gọn nhẹ để thực hiện chức năng kiến tạo phát triển. Đặc biệt, phải bỏ nhanh các thủ tục hành chính không cần thiết, đẩy mạnh xã hội hóa, kể cả các dịch vụ hành chính công. Trong khi đó, Sở Nội vụ TP HCM góp ý cần bổ sung nhiệm vụ về "Công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động CCHC". Bởi qua kinh nghiệm cho thấy cơ quan, địa phương nào thực hiện tốt nhiệm vụ này là thực hiện tốt các nhiệm vụ của CCHC còn lại.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh CCHC là bắt buộc. Ông trân trọng tiếp thu và sẽ đưa các ý kiến vào dự thảo Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Không nên đánh đồng tinh giản biên chế cấp xã
Đề cập việc tinh giản biên chế, bà Đỗ Thanh Huyền cho rằng việc tinh giản biên chế chủ yếu thực hiện ở cấp cơ sở, trong khi đây là nơi cần thêm biên chế, nhất là những nơi đông dân cư. Theo bà Huyền, cần địa phương hóa nhu cầu biên chế công vụ để tránh tình trạng nơi cần thì lại thiếu. Yêu cầu tinh giản cần tập trung vào cấp trung gian (cấp huyện) và cấp tỉnh, không nên tinh giản ở cấp xã. Nêu thực tế nhiều xã, phường ở TP HCM có dân số bằng một huyện ở các địa phương khác, cán bộ phải làm tới 21 giờ mới hết việc, bà Huyền nói họ đang chịu quá nhiều áp lực phục vụ nhân dân, song chưa được quan tâm đúng mức.
Ý kiến này của đại diện UNDP được nhiều đại biểu đồng tình. Ông Tạ Quang Trường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai, cho biết nhiều xã, phường nhỏ có thể giảm được nhiều cán bộ không chuyên trách nhưng lại không có cơ chế giảm. Trong khi những xã đô thị hóa cần nhiều cán bộ thì cũng không có cơ chế để bảo đảm nhân sự làm việc.
Bình luận (0)