Qua tìm hiểu của phóng viên, các hạng mục cửa van cống ngăn triều của dự án có sự thay đổi mác thép so với thiết kế cơ sở xảy ra ở hàng loạt hạng mục của Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng kinh phí 10.000 tỉ đồng, được đầu tư bằng vốn ngân sách.
Các đơn vị chịu trách nhiệm nói gì?
Đầu tiên phải kể đến là cửa van của cống Bến Nghé. Theo thiết kế cơ sở là thép không gỉ SUS 304 theo tiêu chuẩn JIS G4304-2015 của Nhật Bản còn trong thiết kế bản vẽ thi công lại là thép không gỉ SUS323L. Kế đến là 3 cống kiểm soát triều Tân Thuận, Cây Khô và Phú Xuân theo thiết kế cơ sở của cửa van phẳng là dùng thép không gỉ SUS 304 theo tiêu chuẩn JIS G4304-2015 của Nhật Bản còn trong bản vẽ thi công lại là thép hợp kim chất lượng cao S355 theo tiêu chuẩn DIN-EN 10025:2004 của Đức.
Đối với hạng mục cửa van âu thuyền cống Mương Chuối theo thiết kế cơ sở là thép hợp kim chất lượng cao S355 theo tiêu chuẩn DIN-EN 10025:2004 nhưng trong thiết kế bản vẽ là thép khác. Riêng cửa van cống Phú Định lẽ ra phải dùng thép A572.Gr50 theo tiêu chuẩn ASTM của Mỹ nhưng thiết kế thi công là thép hợp kim chất lượng cao S355 theo tiêu chuẩn DIN-EN 10025:2004. Loại vật liệu này tương đương như các vật liệu chế tạo cửa van của cống kiểm soát triều Phú Xuân, Tân Thuận, Cây Khô… So sánh giá trên thị trường thì giá thành của vật liệu thép S355 hoặc các loại tương đương cũng thấp hơn nhiều so với thép không gỉ SUS304. (!)
Trao đổi với phóng viên vào chiều 7-9, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM Nguyễn Văn Trực nói rằng để bảo đảm quy định, sở này đã đề nghị chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) hỏi ý kiến Bộ Xây dựng khi thay đổi vật liệu. Ông Trực cũng cho hay việc thay đổi vật liệu thép so với thiết kế cơ sở có giá thành thấp hơn, tiết kiệm được tiền tỉ. "Giá thành giảm thì tổng mức đầu tư sẽ giảm, tiết kiệm cho ngân sách TP. Việc này chủ đầu tư phải báo cáo với Kiểm toán Nhà nước. Dự án này được Bộ NN-PTNT ủy quyền cho UBND TP. Sau đó, UBND ủy quyền cho sở. Nếu sở không đủ điều kiện thì buộc phải thuê tư vấn. Còn cái nào mình làm được thì mình làm" - ông Trực nói về lý do mà trước đó Sở NN-PTNT đã khẳng định việc đồng ý cho thay đổi vật liệu là nằm trong thẩm quyền của sở này (!?).
Phía Trungnam Group cho biết dự án Giải quyết ngập do triều là dự án lớn, trong quá trình triển khai thực tế có phát sinh và cần có những thay đổi phù hợp với thực tế hiện trường (!).
Công trình cống ngăn triều Bến Nghé, theo thiết kế cơ sở là thép không gỉ SUS 304 còn trong thiết kế bản vẽ thi công lại là thép không gỉ SUS323L. Ảnh: SỸ ĐÔNG
Phải rõ ràng
Quay trở lại địa điểm thi công các hạng mục thuộc dự án mới thấy được sự khắc khoải của người dân nơi đây. Họ nói họ đã chịu quá nhiều thiệt thòi. Đó là tình trạng ngập úng kéo dài cả chục năm qua theo con nước lớn. Nhà cửa, đồ đạc bị ngâm dưới dòng nước thối là cảnh khá thường xuyên ở hầu hết các vùng trũng thấp của quận 7, 8, Nhà Bè, Bình Chánh. Học sinh tan trường bì bõm lội nước về nhà, hàng trăm hộ dân buộc phải di dời nhà cửa đi chỗ khác để nhường đất cho dự án. Chuyện di dời không phải chuyện hiếm ở TP ngày càng phát triển sôi động nhưng chất lượng cuộc sống nơi ở mới có hơn nơi ở cũ hay không vẫn là một dấu hỏi lớn trong bối cảnh "hai giá" trong thu hồi đất. Còn những người ở lại thì nhà bị nứt toác, đường sá gập ghềnh và những âm thanh đinh tai nhức óc khi làm cống ngăn triều. Hàng trăm hộ dân ở quận 8 bị nứt nhà do thi công cống ngăn triều Phú Định là minh chứng.
"Dự án chống ngập do triều được khởi công, những tuyên bố đanh thép từ nhà đầu tư khiến người dân cảm thấy khấp khởi vui mừng. Ai cũng tưởng tượng đến cảnh đường sá khô ráo dù triều cường mấp mé sông, cảnh ngập nước sẽ không còn nhưng bây giờ nói thật là rất thất vọng. Bởi dự án hứa hoàn thành vào tháng 4-2018 lại được dời đến cuối năm 2019. Và bây giờ lùm xùm diễn ra thì không biết đến bao giờ xong" - ông Trần Văn Khoa, một hộ dân trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) nói trong thất vọng và bức xúc.
Bình luận về lý do được đưa ra là UBND TP không ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân để ngân hàng tái cấp vốn; sau đó, tư vấn giám sát hợp đồng tiết lộ thêm việc nhà đầu tư thay đổi mác thép cửa van khi chưa được TP chấp thuận, ông Khoa cho rằng các cơ quan có thẩm quyền, có chuyên môn cần phải làm rõ và chính xác để công bố với dân là việc thay đổi đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng như thế nào? Tuổi thọ công trình có giảm hay không?
Còn theo bà Tâm (vợ ông Khoa), 4 tháng 10 ngày qua, dự án bất động nhưng triều cường vẫn lên xuống đều đặn và đường Lê Văn Lương cứ ngập như chục năm qua. Việc kiểm tra dự án là cần thiết bởi cần phải làm sáng tỏ các bước trong quá trình thi công. Con số gần 10.000 tỉ đồng đủ chứng minh quy mô lớn của dự án. Tiền càng nhiều thì cần phải minh bạch bởi đó là tiền thuế của dân, là đất của dân. "Người dân đã được thử thách nhiều lần qua những lời hứa sẽ có dự án, rồi sau đó lại dừng thi công. Có lẽ người dân sẵn sàng chờ đợi thêm vài tháng để làm rõ những nút thắt của dự án. Người dân sẵn lòng chờ nhưng cũng đừng bắt người dân chờ lâu quá!" - bà Tâm mong muốn.
Theo hợp đồng ký kết giữa UBND TP HCM và Trungnam Group, chủ đầu tư cam kết hoàn thành trước ngày 30-4-2018 nhưng hiện thời gian hoàn thành đã dời đến cuối năm 2019.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-9
Bình luận (0)