Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, vừa thị sát hiện trường, kiểm điểm tiến độ và đánh giá công tác thi công dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Nhà đầu tư tăng tốc
Tại gói thầu XL11, ông Hồ Minh Hoàng ghi nhận nỗ lực của nhà thầu trong thời gian qua, đặc biệt đã tích cực thi công xuyên Tết nhằm bảo đảm tiến độ chung của toàn dự án.
Gói thầu XL11 dài hơn 4,5 km, nằm ở giữa các gói thầu khác nhưng không có đường tiếp cận trực tiếp nên việc vận chuyển máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu gặp rất nhiều khó khăn. Tháng 6-2019, sau khi nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả (DCG) tiếp nhận thì việc thi công mới được triển khai, muộn hơn so với các gói thầu khác. Mặc dù triển khai sau nhưng đến thời điểm cuối tháng 2-2020, gói thầu cũng đã cơ bản hoàn thành cắm bấc thấm để chuyển sang thi công đắp cát gia tải, đuổi kịp tiến độ chung của toàn dự án.
Các gói thầu của dự án đang được khẩn trương thi công
Tại gói thầu XL08 do nhà thầu Hoàng An thực hiện, về mặt chất lượng bảo đảm theo yêu cầu kỹ thuật của dự án nhưng tiến độ đang rất chậm so với kế hoạch đã cam kết với chủ đầu tư, đặc biệt là khối lượng thực hiện hạng mục cầu Kênh Xáng. Để tăng cường năng lực nhà thầu, với mục tiêu đáp ứng tiến độ chung, chủ đầu tư đã cắt chuyển một phần khối lượng gói thầu này, từ Km56+672,06 đến Km57+756,85 cho nhà thầu khác thực hiện. Đối với khối lượng còn lại, trong thời gian tới, nếu nhà thầu Hoàng An không có giải pháp khắc phục, vẫn chậm tiến độ thì tiếp tục cắt chuyển khối lượng hoặc bổ sung nhà thầu khác thay thế.
Trước thời điểm DCG tham gia quản trị, điều hành dự án, tại cầu Cai Lậy thuộc gói XL05 của Công ty CP Cầu 12, để xảy ra thi công sai kỹ thuật. Sau khi tiếp nhận, DCG đã thực hiện kiểm tra và phát hiện nhà thầu thi công sai vị trí tim bệ trụ T2 (đã thi công xong bệ, thân trụ). Vì thế, ông Hồ Minh Hoàng yêu cầu ban điều hành, ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu, tư vấn giám sát lập biên bản, báo cáo đánh giá và xử lý đập bỏ 2 thân, bệ trụ T2 để thi công lại theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Bên cạnh đó, ban điều hành thực hiện kiểm điểm một số nhà thầu thi công có dấu hiệu chững lại sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, chậm tiến độ so với kế hoạch, đồng thời tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ các nhà thầu làm tốt, làm vượt tiến độ.
Hiện nay, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đang nghiên cứu các sự cố đã xảy ra trong thời gian qua tại khu vực ĐBSCL, xuất phát từ nguyên nhân do nền đất yếu tại khu vực nhằm đúc rút kinh nghiệm, phòng tránh và đề xuất giải pháp tối ưu cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Địa phương lạc nhịp
Trong khi nhà đầu tư rốt ráo đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án về đích đúng hẹn thì bài toán vốn đến nay vẫn còn trong vòng quay luẩn quẩn, chưa có kết quả cụ thể. Về vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án còn 410/2.186 tỉ đồng vẫn đang vướng mắc về thủ tục nên chưa thể giải ngân. Vốn tín dụng ngân hàng chiếm hơn 50% tổng vốn, dù đã ký kết nhưng sau hơn 2 tháng cũng vẫn chưa được giải ngân.
Ông Trần Văn Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, giải thích lý do ngân hàng chưa giải ngân vốn cho dự án là bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền - tỉnh Tiền Giang - chưa làm rõ thẩm quyền ký kết các văn bản liên quan đến dự án mà ngân hàng cấp tín dụng yêu cầu. "Theo điều khoản trong hợp đồng tín dụng, đến ngày 16-3-2020, nếu vốn vay tín dụng không được giải ngân thì hợp đồng sẽ hết hiệu lực. Phía ngân hàng đầu mối (Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank) đã phối hợp với doanh nghiệp dự án (DNDA)rà soát, cơ bản bảo đảm hoàn thành các điệu kiện để giải ngân. Vietinbank cũng đã gửi văn bản đề nghị tỉnh Tiền Giang làm rõ các vướng mắc giữa ngân hàng và tỉnh Tiền Giang" - ông Thế trình bày.
Theo thông tin ông Thế chia sẻ, hiện nay, tỉnh Tiền Giang đang gửi văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp về vấn đề này. Tuy nhiên, quá trình giải quyết phải mất rất nhiều thời gian. Việc thu xếp vốn tín dụng ngay từ đầu đã hết sức khó khăn, DNDA phải mất hơn 6 tháng để đàm phán và ký kết hợp đồng tín dụng. Theo điều khoản của hợp đồng tín dụng thì nếu trong vòng 3 tháng kể từ khi hợp đồng được ký kết mà không giải ngân được vốn tín dụng thì hợp đồng sẽ hết hiệu lực.
"Đến nay, chỉ còn hơn 2 tuần nữa hết hạn, nếu nguồn vốn tín dụng không được giải ngân trong thời gian hợp đồng có hiệu lực thì tiến độ của dự án chắc chắn sẽ chậm và đây là trách nhiệm chung của các đơn vị có liên quan, trong đó có tỉnh Tiền Giang. Chúng tôi hy vọng rằng các bên không để nhà đầu tư, DNDA đơn độc trong vấn đề thu xếp nguồn vốn" - ông Thế kiến nghị.
Bình luận (0)