"Sông xưa rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai"- vùng sông xưa bị lấp giờ đây không chỉ đúng và buồn như những câu thơ đầy cảm thán của Tú Xương, mà sự đổi thay còn diễn ra với lắm cảnh dở khóc, dở cười.
Từ khi đoạn sông bị lấp, những quán cà phê, những căn nhà lấy sông làm mặt tiền tuyệt đẹp thuở nào giờ hoặc hoang hóa, hoặc "quay lưng"- đổi mặt tiền đi hướng khác. Thỉnh thoảng, vài vị khách lẻ tẻ theo thói quen tìm đến những quán cà phê này để hoài niệm. Bờ sông, giờ bị "kéo" ra xa cả trăm mét, một vài ông già buồn sầu ngồi câu cá. Cỏ hoang tràn ngập chen kín lối mòn dẫn vào những căn nhà ven sông hoang tàn.
Tuy vậy, ở nhiều góc khác, khu vực này đã bắt đầu được một số người nhanh nhạy kinh doanh tìm cách tận dụng, khai thác để kiếm lợi, có lẽ họ không muốn bỏ phí (!). Nơi xưa kia là mặt sông, giờ họ dựng hàng rào gỗ, trồng cỏ nhân tạo để khách uống cà phê ngồi hóng mát. Chỗ khác, họ trồng cả một vườn hoa anh đào để khách đua nhau tạo dáng, chụp ảnh. Nơi kia, họ tráng nền xi măng như sân nhà của họ, thậm chí… bày bàn, đãi tiệc, mời khách khi có công chuyện.
Dự án lấn sông Đồng Nai có tên gọi chính thức là "Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai" do Công ty Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư được sự phê duyệt của UBND tỉnh Đồng Nai; tuy nhiên các hạng mục chủ yếu là xây dựng khu đô thị. Dự án thuộc địa bàn phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, kéo dài 1,3 km dọc sông Đồng Nai, tổng diện tích hơn 8,4 ha chủ yếu là lấp sông, đoạn lấn ra sông xa nhất là 100m, gần nhất là 30m.
Dự án khởi công tháng 9-2014, sau 6 tháng thi công và đã lấp lấn ra sông gần như toàn bộ diện tích theo dự kiến thì phải dừng vì vấp phải phản ứng kịch liệt của dư luận.
Tại cuộc họp báo cuối năm vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai thông tin hiện vẫn phải chờ đợi, chưa có kết luận cuối cùng xử lý dự án như thế nào.
Phóng viên Báo Người Lao Động ghi lại những hình ảnh về dự án lấp sông thời điểm hiện tại:
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!