Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm điểm của nhiều cán bộ lãnh đạo của tập đoàn này về các vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng dự án Nhà máy Sản xuất phân bón DAP Đình Vũ và hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty Cổ phần DAP - Vinachem (Hải Phòng). Đây là 1 trong 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ đồng của ngành công thương.
Nhiều tồn tại
Trước đó, kết luận thanh tra của Bộ Công Thương đã chỉ ra nhiều vi phạm tại dự án Nhà máy Sản xuất phân bón DAP Đình Vũ cả về hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như đầu tư xây dựng.
Dự án DAP Đình Vũ, một trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương
Cụ thể, theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư và hợp đồng EPC thì nhà máy phân bón DAP chất lượng 64%. Tuy nhiên, thực tế chỉ tiêu về hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm DAP chỉ đạt 61%. Bên cạnh đó, công tác khảo sát, thiết kế chưa sát thực tế dẫn đến một số gói thầu phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; thay đổi thiết kế chưa được thẩm định trước khi phê duyệt.
Thanh tra Bộ Công Thương cũng phát hiện việc phê duyệt gọi thầu có giá trị vượt hạn mức quy định, xảy ra ở gói thầu số 11. Dự toán một số thiết bị phi tiêu chuẩn không có cơ sở giá, không có báo giá của nhà cung cấp. Có gần 105 tỉ đồng không được hạch toán vào chi phí vốn đầu tư, trong đó chi phí thực tế thực hiện chạy thử dự án là hơn 55 tỉ đồng.
Theo Bộ Công Thương, dự án chậm tiến độ 60 tháng so với kế hoạch làm tăng chi phí gói thầu. Việc nghiệm thu, thanh toán còn sai sót như sai khối lượng thép thi công, phát sinh không phù hợp với hợp đồng, áp sai đơn giá thanh toán.
Bộ Công Thương cũng chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác giám sát, điều hành sản xuất - kinh doanh tại Công ty Cổ phần DAP dẫn đến tồn kho cao. Quá trình thanh tra phát hiện định mức tiêu hao nguyên vật liệu thực tế sản xuất từ năm 2009-2017 vượt so với kế hoạch số tiền hơn 299 tỉ đồng làm tăng chi phí, giảm hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Điệp khúc "phê bình nghiêm khắc"
Sau khi Bộ Công Thương ban hành kết luận thanh tra về dự án DAP Đình Vũ, ngày 29-10, HĐTV Vinachem đã họp kiểm điểm đối với các lãnh đạo Công ty Cổ phần DAP. Trước cuộc họp này, các cá nhân liên quan đều có bản kiểm điểm giải trình các tồn tại, hạn chế; đồng thời "xin rút kinh nghiệm sâu sắc".
Ông Nguyễn Văn Sinh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP, người đại diện phần vốn của Vinachem tại công ty - trong bản kiểm điểm đã nói rằng với nhiệm vụ được giao, ông đã toàn tâm toàn lực cố gắng hết mình, không quản ngại khó khăn, hao tổn sức khỏe. "Không có bất kỳ hành vi, động cơ hay việc làm nào mưu cầu lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm, gây thất thoát tài sản của nhà nước, của công ty" - ông Sinh nêu. Với các tồn tại, khuyết điểm, ông Sinh nhận trách nhiệm chung; đồng thời tự nhận hình thức phê bình nghiêm khắc, xin kiểm điểm nghiêm túc và rút kinh nghiệm sâu sắc trong thực thi nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP Vũ Văn Bằng nhận trách nhiệm trong việc chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành sản xuất. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh các hạn chế đó không có mục tiêu tư lợi cá nhân và đang được khắc phục tích cực. Ông cũng xin nhận hình thức phê bình nghiêm khắc, kiểm điểm nghiêm túc và rút kinh nghiệm sâu sắc.
Hàng loạt lãnh đạo khác của Công ty Cổ phần DAP cũng đều thừa nhận các tồn tại, hạn chế xảy ra có trách nhiệm của cá nhân nhưng chỉ tự kiểm điểm phê bình nghiêm khắc và rút kinh nghiệm sâu sắc chứ không kiến nghị hình thức xử lý nào khác.
Đáng chú ý, trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm điểm, lãnh đạo Vinachem cũng chỉ yêu cầu các cá nhân kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc mà không kiến nghị lên Bộ Công Thương bất cứ hình thức kỷ luật nào khác.
Không tái thiết được thì phá sản
Ngày 13-11, ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), cho biết đơn vị có tham gia đánh giá tính khả thi trong việc tái thiết, xử lý nợ của 12 dự án thua lỗ ngành công thương. Sau quá trình đánh giá, nếu khả thi thì sẽ phối hợp với các bên liên quan tìm giải pháp tái thiết doanh nghiệp. Trong trường hợp không khả thi thì có thể sẽ đi đến kết cục xấu nhất là phá sản.
Bình luận (0)