Phong trào cán bộ đi nước ngoài đã rầm rộ từ nhiều năm qua và trải hầu khắp các tỉnh, thành phố. Lý do thì vô vàn, nào là học tập kinh nghiệm, tham quan mô hình làm ăn, khảo sát thị trường... nhưng cụ thể hóa hiệu quả của các chuyến đi này thì quá hiếm hoi. Báo cáo của tỉnh Tiền Giang thừa nhận: "Đa số các báo cáo kết quả đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức không đạt chất lượng; chưa nêu bật được những kinh nghiệm và đề xuất áp dụng cho địa phương". Không kết quả nhưng vẫn hào phóng xuất tiền ngân sách cho đi thì quả là khó hiểu.
Ngân sách vốn không nhiều, có tỉnh "nghèo rớt mùng tơi" nhưng vẫn tổ chức đi nước ngoài mỗi chuyến cả trăm triệu đồng. Nói là đi học tập kinh nghiệm cho sang chứ thực chất phần lớn vẫn là lợi dụng tiền công để du hí. Tham quan vài cảnh đẹp mà mất đứt số tiền bằng xây cả một ngôi trường nhỏ cho trẻ em nghèo mà vui vẻ được sao? Chụp vài tấm ảnh ở Paris hay New York bằng cả số tiền gia đình nông dân nghèo tần tảo cả năm mà tự hào nỗi gì? Anh đi được thì tôi đi được, chỉ cần có lý do có vẻ hợp lý là duyệt. Như thế mới có chuyện thanh tra đi học tập... xổ số, cán bộ nội chính đi học tập kinh nghiệm về nông nghiệp ở tận... châu Phi.
Nhiều nơi viện lý do cán bộ đi nước ngoài bằng tiền của doanh nghiệp nhà nước tài trợ lại càng phi lý. Những doanh nghiệp này là cơ quan kinh doanh của nhà nước, tiền này là của ngân sách, tức của người dân. Vung tay tài trợ cán bộ đi tùy tiện như thế là vi phạm, phải ngăn chặn chứ sao lại thản nhiên tiêu dùng.
Còn việc doanh nghiệp tư nhân tài trợ cho cán bộ "du hí" thì càng tạo nhiều nghi vấn đối với người dân. Không doanh nghiệp nào chi tiền vô ích như thế, trong khi họ bươn chải, cắt xén mọi thứ để có lợi nhuận cao nhất. Mỗi đồng tiền doanh nghiệp bỏ ra luôn là một khoản đầu tư phải sinh lợi nhuận. Lợi nhuận này có thể là tiền bạc cụ thể, có thể là cơ hội bất bình đẳng với doanh nghiệp khác trong các thương vụ béo bở và cũng có thể là một mối quan hệ lợi dụng đối với những người có quyền lực trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp. Phương Tây có câu ngạn ngữ: "Miếng bơ miễn phí chỉ có trong chiếc bẫy chuột". Người dân có quyền đặt nghi vấn về những cuộc tài trợ hào phóng này.
Chúng ta vẫn còn nhớ năm 2015, Thủ tướng Pháp lúc đó là ông Manuel Valls, nhân chuyến công tác đã tranh thủ dùng máy bay công đưa ông cùng 2 con trai sang Đức xem trận bóng đá chung kết Champions League. Dư luận đã lên án dữ dội và yêu cầu thủ tướng phải trả lại tiền vé máy bay cho cả 3 cha con. Câu chuyện trên tuy nhỏ nhưng cho thấy sự minh bạch trong việc sử dụng ngân sách quốc gia.
Hãy cân nhắc khi tiêu xài những đồng tiền của dân!.
Bình luận (0)