Theo quyết định bất ngờ hôm 6-7 của Cơ quan Thực thi di trú và Hải quan Mỹ (ICE), Mỹ sẽ không cấp thị thực cho những sinh viên thuộc các trường giảng dạy hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến trong học kỳ mới vào tháng 9 này. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong học kỳ mùa thu, nhiều trường tại Mỹ tổ chức dạy trực tuyến khiến du học sinh (DHS) đang học ở Mỹ năm học 2019-2020 theo thị thực F-1 và M-1 có nguy cơ bị xem là cư trú bất hợp pháp và có thể bị trục xuất.
Tiến thoái lưỡng nan
Trả lời Báo Người Lao Động, Nguyễn Dũng Nhân, sinh viên năm hai tại Trường ĐH Valparaiso (bang Indiana - Mỹ), cho biết anh đã cùng các bạn vận động thu thập chữ ký trên mạng xã hội vào đơn kiến nghị gửi Nhà Trắng đề nghị phản hồi về thông tin này.
Đơn kiến nghị phải có đủ 100.000 chữ ký trước ngày 5-8-2020 mới có thể đề nghị Nhà Trắng trả lời về thông báo của ICE. Một số bạn của Nhân đang đợi hướng dẫn từ trường, trong khi nhiều bạn khác đã nhanh chóng đăng ký lớp học trực tiếp. Tuy Trường ĐH Valparaiso có kết hợp dạy trực tuyến và trực tiếp nhưng Nhân lo ngại khả năng nhiễm bệnh cao nếu đến lớp học. Nhân đang liên hệ Đại sứ quán và Lãnh sự quán Việt Nam tại Mỹ. Nếu được về Việt Nam, Nhân sẽ tiếp tục học trực tuyến trong học kỳ mùa xuân sau đó. Trong trường hợp không có chuyến bay hồi hương, Nhân sẽ thuê căn hộ để tránh nguy cơ lây nhiễm thay vì ở ký túc xá của trường, đồng thời thay đổi sang hình thức học trực tiếp kết hợp trực tuyến trước thời hạn quy định của ICE để có thể tiếp tục ở lại Mỹ hợp pháp.
Bên cạnh nỗi lo về tình hình dịch bệnh lan rộng ở Mỹ, Nhân cho hay thủ tục xét nghiệm Covid-19 phức tạp do anh không phải là công dân Mỹ cùng với chi phí điều trị đắt đỏ dù đã có bảo hiểm.
Quyết định của ICE đã gây khó khăn cho nhiều trường lẫn các sinh viên quốc tế. Một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, vẫn chưa có lịch bay chính thức nên DHS không thể về nước trước tháng 9 để tuân theo thông báo của ICE. Do vậy, họ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Nguyễn Dũng Nhân (hàng 1, thứ 3 từ phải) và các bạn trong đội thể thao ném đĩa Frisbee của Trường ĐH Valparaiso. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Là một trong những DHS đang mắc kẹt tại Mỹ và có nguyện vọng trở về Việt Nam, Thái Trung Hiếu, DHS Trường Wayne State University (bang Michigan), cho hay trường đã thông báo rằng đang xem xét và sẽ có kế hoạch cụ thể để bảo vệ sinh viên quốc tế. Hiếu không quá lo lắng vì đến thời điểm này, nước Mỹ có muốn cũng chưa trục xuất ngay được bởi các chuyến bay thương mại quốc tế vẫn chưa được mở lại.
"Các khoa trong Trường Wayne State University học trực tuyến hết. Khuôn viên trường em và cả những trường khác gần như đóng cửa. Muốn vào trường phải khai báo online. Em tin là không chỉ Wayne State University mà các trường ĐH khác sẽ có chiến lược để sinh viên của mình không bị thiệt thòi. Đó cũng là cách các trường giữ uy tín với sinh viên" - Trung Hiếu chia sẻ.
Hiếu đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ nhưng vì số lượng DHS có nguyện vọng về nước quá đông nên em nghĩ phải chờ đợi thêm một thời gian nữa. Nguyện vọng của em và gia đình là được trở về Việt Nam.
Trong khi đó, những sinh viên đã về nước hiện không thể quay trở lại Mỹ bởi các lệnh hạn chế đi lại. Nhiều DHS, đặc biệt là các sinh viên mới, cũng sẽ không thể đến Mỹ kịp trong học kỳ mùa thu. Một số DHS đang học trực tuyến tại Việt Nam đã bày tỏ sự lo lắng trên các diễn đàn Hội DHS Việt Nam tại Mỹ khi vẫn chưa nhận được câu trả lời về khả năng trở lại Mỹ học trong thời gian tới.
Chị L. có con theo học tại Viện Bách khoa Worcester ở bang Massachusetts nhưng đang học online tại Việt Nam. Viện Bách khoa Worcester đã gửi thông báo cho gia đình chị, gợi ý một số lựa chọn như: tiếp tục học online từ xa và chờ đến giai đoạn học trực tiếp thì trở lại Mỹ hoặc tạm hoãn khóa học (không học online) và chờ đến học kỳ mùa xuân tháng 1-2021 hoặc học kỳ mùa thu vào tháng 8-2021. Do lo ngại tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp, gia đình chị L. quyết định cho con tiếp tục ở Việt Nam học trực tuyến học kỳ mùa thu này và sẽ quay lại Mỹ sau đó.
Sức khỏe là trên hết
Anh Ankit Bharadwaj, nhà nghiên cứu biến đổi khí hậu và đang học tiến sĩ về xã hội học tại Trường ĐH New York, than thở: "Thật khó để giải thích cho những ai không bị ảnh hưởng từ những chính sách thế này của chính phủ Mỹ rằng các sinh viên quốc tế đã phải nỗ lực nhiều như thế nào để thay đổi kế hoạch nhiều lần về cuộc sống ở Mỹ. Họ phải nghĩ đến việc hủy hợp đồng thuê nhà, chuyển nhà, chuyển tiền, tìm việc làm, gia hạn thị thực hết lần này đến lần khác trong khi vẫn phải duy trì việc học".
Ông Hà Nam, có con học tại Trường Depauw University (bang Indiana), cho rằng cần bình tĩnh. Việc làm cần thiết ngay bây giờ là nên hỗ trợ các con gửi email hỏi trường vì mỗi trường sẽ có cách riêng và hướng dẫn DHS chi tiết và cụ thể nhất.
"Trường ĐH của các con, cháu nhà tôi ở 3 bang Nebraska, Indiana và Florida ngay hôm nay đã có email thông báo với DHS là sẽ tổ chức dạy và học hybrid (vừa trực tuyến xen kẽ với trực tiếp) nên các cháu đều đang ở Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng" - ông Hà Nam nói.
Là một người mẹ có con học thạc sĩ đang mắc kẹt tại Mỹ vì các chuyến bay thương mại ngưng khai thác, chị Lê Việt Nga (Hà Nội) cho hay trường con chị theo học hiện đã chuyển sang dạy học trực tuyến. Nhà trường cũng đã tính toán đến mùa đông, dịch có thể bùng lại nên thông báo từ tháng 11 sẽ vẫn học trực tuyến. Điều chị lo lắng nhất là sức khỏe của con và làm sao đưa con về Việt Nam an toàn.
Nếu trường cho học trực tiếp, chị cũng không muốn cho con học vì sợ nhiễm bệnh, học online thì không mấy hiệu quả. Nhiều bạn bè của chị đã quyết định cho con bảo lưu 1 kỳ hoặc 1 năm để về nước an toàn trước tình hình dịch bệnh bùng phát tại Mỹ. Có những người còn chấp nhận mọi giá, mọi điều kiện chỉ mong con về nhà được. Tuy nhiên, để có một chuyến bay về Việt Nam bây giờ rất khó.
"Là một người mẹ, tôi chỉ mong Chính phủ có hướng giải quyết nào tốt nhất để có thể cho các DHS có nguyện vọng về nước được sớm trở về. Gia đình các DHS chấp nhận trả tiền những ngày cách ly, miễn con về an toàn. Hy vọng thời gian tới các trường ở Mỹ sẽ có hướng giải quyết tốt nhất cho DHS nói chung và DHS Việt Nam nói riêng" - chị Nga trăn trở.
Vẫn còn cơ hội
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 7-7 khẳng định các DHS đã lên kế hoạch học tập vào mùa thu này ở Mỹ vẫn có cơ hội ở lại thay vì bị trục xuất. Sự điều chỉnh tạm thời về quy chế thị thực này giúp sinh viên quốc tế linh hoạt hơn trong việc tiếp tục học tập, đồng thời vẫn đáp ứng việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong khuôn viên trường ĐH.
Sinh viên quốc tế phải xin cấp thị thực phù hợp và vẫn có nguy cơ bị hạn chế về thị thực hoặc các quy định đi lại khác do dịch Covid-19. Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo các DHS liên hệ với các đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Mỹ ở nước sở tại để nắm thông tin cụ thể về quy định với từng quốc gia.
Bộ GD-ĐT: Các DHS cần bình tĩnh!
Chiều 8-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT) đã làm việc với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Liên quan đến việc điều chỉnh quy chế thị thực tạm thời tại Mỹ, đại diện Cục Hợp tác quốc tế cho biết nếu các lưu học sinh phải về nước học trực tuyến tại Việt Nam thì cần đăng ký với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ. Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Chính phủ và đề xuất tổ chức các chuyến bay đến Mỹ để đưa các lưu học sinh Việt Nam về nước. Bộ GD-ĐT đề nghị các lưu học sinh bình tĩnh, chủ động tìm hiểu về các hướng xử lý của nhà trường để có giải pháp phù hợp cho riêng mình.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã nhận được thông tin và đã tiến hành trao đổi với các cá nhân, tổ chức. Nhiều trường đại học và sinh viên quốc tế ở Mỹ bị ảnh hưởng bởi quy định này. Qua trao đổi, Bộ GD-ĐT cũng được biết các trường ĐH sẽ có những giải pháp cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho sinh viên của mình. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan, đặc biệt là Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.
Bình luận (0)