Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 được đánh giá là mở màn cho mùa du lịch nội địa, đặc biệt là năm nay, khi người dân đã ở nhà quá lâu để tránh dịch Covid-19.
Bùng nổ du lịch dịp lễ
Trong kỳ nghỉ lễ, nhiều công ty du lịch lớn như Lữ hành Saigontourist, Vietravel, Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, TST Tourist, Vina Group, Saco Travel… có lượng khách đặt tour trong nước kín chỗ tới nhiều điểm đến du lịch. Tại Lữ hành Saigontourist, trong đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5, đã có gần 32.000 khách du lịch đến mua tour trên toàn quốc. Chỉ riêng ngày 30-4 có 25.000 khách khởi hành đi tour với các hành trình du lịch trong và ngoài nước, tăng trưởng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Chùm tour du lịch trong nước là Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang - Ninh Chữ, Đà Nẵng dẫn đầu các điểm đến được đặt nhiều.
Đại diện BenThanh Tourist cho biết các tour "hot" được chào bán với giá kích cầu như Phú Quốc, Đà Nẵng đã "cháy tour" ngay từ đầu tháng 4.
Tour nước ngoài cũng hút khách ở một số thị trường đã mở cửa trở lại. Ngay trong dịp lễ này, Vietravel đưa hàng loạt đoàn khách tới Campuchia, Thái Lan, Singapore, Dubai (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ cùng một số nước châu Âu. Các doanh nghiệp lữ hành khác cũng tất bật tổ chức tour đi nước ngoài.
Ngày hội “Huế - Kinh đô ẩm thực” thu hút đông đảo người dân, du khách Ảnh: QUANG NHẬT
Ông Phạm Minh Quang, Tổng Giám đốc Dolphin Tour, thông tin ngay trước kỳ nghỉ lễ, công ty đã có kế hoạch cho các thị trường đến cuối năm. Thị trường châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đã được khách đặt đến hết tháng 6, các thị trường gần như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc…cũng đang được lên kế hoạch.
Dịp lễ 30-4 và 1-5 là thời điểm "vàng" để tạo cú hích cho phục hồi và phát triển du lịch, đặc biệt là đón đầu mùa du lịch quốc tế. Các địa phương đều đồng loạt tổ chức, khai trương rất nhiều lễ hội, chương trình nghệ thuật, hoạt động văn hóa du lịch đúng dịp nghỉ lễ, như TP Hà Nội khai trương tuyến phố đi bộ mới ở Sơn Tây, lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2022; TP Hải Phòng tổ chức liên hoan du lịch "Đồ Sơn sắc màu của biển 2022"; tỉnh Quảng Ninh giới thiệu lễ hội "Móng Cái chào hè 2022"; tỉnh Cao Bằng khai mạc chương trình du lịch về nguồn năm 2022; tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Ngày hội "Huế - Kinh đô ẩm thực"; tỉnh Lào Cai tổ chức chuỗi sự kiện "Lễ hội mùa hè Sa Pa" với 18 chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc kéo dài suốt 3 tháng hè, trong đó có Lễ hội Hoa hồng Fansipan 2022 với chủ đề "Fansipan - Xứ sở hoa hồng trong mây" và sự kiện "Sa Pa - Xứ sở hoa hồng"…
Đón 65 triệu lượt khách: Hoàn toàn khả thi
Một sự kiện quan trọng cần nhắc đến là Tổng cục Du lịch vừa ra mắt trên kênh YouTube của cơ quan này chương trình truyền thông "Việt Nam: Đi để yêu!", chủ đề "Let’s shine and live fully" (Hãy tỏa sáng và trải nghiệm trọn vẹn). Video clip của chương trình có độ dài 1 phút 11 giây, mang đến những hình ảnh sống động về các điểm đến nổi tiếng bậc nhất của Việt Nam. Chương trình này không chỉ góp phần kích cầu, thu hút khách du lịch ngay khi mùa du lịch biển đang mở ra, trước mắt là dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, mà còn chuẩn bị cho sự kiện SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam từ tháng 5 và cả mùa du lịch hè sắp tới.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), đánh giá sự bùng nổ của lượng khách du lịch, đặc biệt là du lịch nội địa vào kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, cho thấy khách du lịch nội địa luôn đặt niềm tin vào ngành du lịch.
Tổng Giám đốc Dolphin Tour Phạm Minh Quang nhìn nhận: "Người dân bị "dồn nén" suốt 2 năm dịch Covid-19. Ngoài ra, so với 2 năm gần đây, tâm lý du khách đã khác - hoàn toàn tự tin, an tâm khi du lịch - dẫn đến nhu cầu đi du lịch rất cao". Bên cạnh đó là sự trợ lực của Chính phủ về chính sách đầu tư công, chính sách phục hồi kinh tế đã giúp người dân nâng cao thu nhập, có tài chính cho đi du lịch. Với đà hồi phục này, ông Quang dự báo lạc quan ngành du lịch sẽ tiếp tục bùng nổ vào dịp hè sắp tới.
Mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2022 là đón được 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỉ đồng.
Ông Hoàng Nhân Chính nhận định cơ hội phục hồi du lịch nội địa là rất rõ ràng nên chúng ta đủ khả năng thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, đối với khách quốc tế, chúng ta đang đứng trước một số khó khăn.
"Đạt được con số 5 triệu khách quốc tế rõ ràng phải cần có thời gian nhưng đúng là chúng ta đã có sự khởi đầu chưa như mong muốn. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 chỉ có 15.000, trong khi kỳ vọng của chúng tôi từ 45.000-50.000. Chúng ta đang mất một lượng khách lớn từ thị trường Nga do cuộc xung đột Nga - Ukraine. Thị trường khách châu Âu cũng bị ảnh hưởng từ cuộc xung đột này. Trung Quốc đang thực hiện chính sách "zero Covid" nên vẫn đóng cửa. Thị trường khách lớn khác là Nhật Bản cũng đang thực hiện chính sách khắt khe, trong khi Hàn Quốc mới sắp mở cửa. Rõ ràng với khó khăn này, chúng ta phải đa dạng hóa thị trường, đi tìm những thị trường mới. Phải mở cửa nhiều hơn và có nhiều chính sách hỗ trợ hơn" - ông Chính nói.
Khách bay nội địa tăng cao hơn trước dịch
Sân bay Nội Bài (TP Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP HCM) đông nghịt khách dịp lễ 30-4 và 1-5. Ngày 29-4, sản lượng hành khách qua Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài tăng cao nhất trong dịp lễ, với 416 lượt chuyến bay, 78.000 lượt khách, tăng 30% so với trung bình mỗi ngày của tuần trước kỳ nghỉ lễ.
Còn sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 29-4 đã khai thác 672 chuyến bay (337 chuyến bay đi và 335 chuyến bay đến) với hơn 105.000 lượt khách. Trong ngày 30-4, lượng khách đạt gần 91.000 lượt với 646 chuyến bay; ngày 1-5, ghi nhận vận chuyển khoảng 73.400 lượt. Nếu tính cả kỳ nghỉ lễ, từ ngày 29-4 đến 3-5, sân bay Tân Sơn Nhất ước phục vụ khoảng 575.000 lượt khách.
D.Ngọc
Bình luận (0)