Ngày 23-12, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam năm 2020 với sự tham dự của gần 1.000 đại biểu.
Cần một khát vọng lớn
Trong thư chúc mừng gửi diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cộng đồng DN công nghệ số là động lực quan trọng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. "Cộng đồng DN công nghệ số cần đi tiên phong, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc chuyển đổi công nghệ số vì một Việt Nam hùng cường" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sau 1 năm từ khi chiến lược Make in Vietnam được thực hiện, có hơn 13.000 DN công nghệ số ra đời, một con số kỷ lục khi con số dự kiến ban đầu cao nhất là 6.000 DN. Việt Nam hiện có cộng đồng trên 58.000 DN công nghệ số. "Những nhà quản lý đã không đánh giá hết sức mạnh của dân Việt Nam, nhất là khi có một ngọn cờ đúng đắn được giương cao. Mục tiêu 100.000 DN công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao giải nhất hạng mục “Giải thưởng nền tảng số xuất sắc” cho ông Phạm Kim Hùng - CEO Base.vn Ảnh: CHINHPHU.VN
Make in Vietnam là một khẩu hiệu hành động, tức là thay vì làm gia công, lắp ráp thì hãy làm sản phẩm. Đặc biệt, nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 suốt gần một năm qua, từ Ncovi, Bluezone, CoMeet đến các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa..., Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dự đoán năm 2021 là một năm phát triển mạnh mẽ của công nghệ Việt Nam. "Mỗi DN hãy bắt đầu khát vọng lớn bằng một việc nhỏ. Hãy làm việc nhỏ ấy với một khát vọng lớn, với một tình yêu lớn… Phải đặt những mục tiêu cao để biến những điều không tưởng thành khả thi. Trong một bối cảnh thế giới biến động, cơ hội cho Việt Nam là rất lớn" - Bộ trưởng tin tưởng.
Dự diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ công nghệ số là một trong những lĩnh vực được đầu tư để Việt Nam tạo ra sự phát triển bứt phá, hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao nhân dịp 100 năm thành lập nước vào năm 2045. Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam có thể tự tin dùng các giải pháp của mình để phát triển, trong đó công nghệ được trao sứ mệnh tiên phong.
Sản phẩm phải luôn mới, chất lượng và rẻ
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Nam - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông Quân đội (Viettel) - cho biết từ một DN nhỏ, nhờ chuyển đổi số, Viettel trở thành tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu Việt Nam, vào tốp 500 thương hiệu lớn nhất thế giới. Ông Nam cho rằng việc đổi mới công nghệ, chuyển đổi số nên lấy DN làm trung tâm. Bên cạnh thu hút các công ty công nghệ thế giới trên thế giới đến đầu tư, Việt Nam cần cơ chế, chính sách xây dựng thiết bị hạ tầng viễn thông trong nước, ưu tiên các DN Việt đảm nhận xây dựng các giải pháp an ninh mạng, hạ tầng trọng yếu.
Chia sẻ tâm huyết về hành trình phát triển của nền công nghệ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình khẳng định: Việt Nam đã có tên trên bản đồ số thế giới. Hiện trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam lại đứng trước một cuộc đua mới. Lợi thế của Việt Nam là chưa có nhiều ứng dụng, quá trình trung gian có thể bỏ qua mà đi thẳng lên chuyển đổi số. Cộng đồng DN công nghệ thông tin dễ dàng cùng nhau xây dựng sản phẩm cho người dân, Chính phủ. "Trong bối cảnh này, FPT muốn làm trí tuệ nhân tạo để giảm đi các công việc có tính lặp đi lặp lại trong ngành ngân hàng, dịch vụ, bảo hiểm" - ông Bình bày tỏ.
Đại diện cho DN nhận giải nhất nền tảng số xuất sắc được trao tại diễn đàn, ông Phạm Kim Hùng, CEO Base.vn, nêu quan điểm về tương lai của công nghệ được phát triển bởi Việt Nam. Thành lập vào 4 năm trước, khi là một công ty non trẻ, thời gian đầu, các giải pháp do Base phát triển đều bị khách hàng từ chối. Nhưng đến nay, công ty phục vụ 5.000 công ty lớn trong và ngoài nước.
Để bảo đảm sức cạnh tranh cho các sản phẩm Make in Vietnam, ông Phạm Kim Hùng nhấn mạnh: "Các công ty Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ không những trong nước mà còn trên thế giới. Để chiến thắng trên chính sân nhà và cạnh tranh với đối thủ nước ngoài, các DN Việt Nam cần phải tập trung phát triển sản phẩm, luôn làm việc để kiến tạo các sản phẩm tốt hơn trước với giá cạnh tranh".
Vinh danh 14 sản phẩm công nghệ số
Đây là năm đầu tiên Bộ TT-TT trao giải thưởng sản phẩm số Make in Vietnam. Giải thưởng gồm 5 hạng mục: Sản phẩm số xuất sắc, Giải pháp số xuất sắc, Nền tảng số xuất sắc, Thu hẹp khoảng cách số và Sản phẩm số tiềm năng.
14 sản phẩm được vinh danh đều mang đến các giải pháp tiêu biểu, giúp ích cho cộng đồng, thể hiện trình độ công nghệ của Việt Nam và có sức cạnh tranh với thế giới.
Bình luận (0)