"Cần khởi tố kẻ tung tin gây rối dư luận ở TP HCM", "Lockdown TP HCM là thông tin giả", "Sự thật trường hợp F0 không được đưa đi chữa trị"... - hàng loạt bài báo đã được đăng/phát trong hai ngày qua nhằm ngăn chặn thông tin độc hại gây nhiễu loạn xã hội.
Trong lúc mọi người dốc sức chống dịch bệnh, những thông tin nguy hiểm không được kiểm chứng và cũng chẳng được hoài nghi cứ tung lên mạng xã hội càng gây căng thẳng tâm lý của người dân. Những thông tin này chẳng giúp ích gì cho ai ngoài việc gây rối ren cho công tác chống dịch và xáo trộn đời sống cộng đồng.
Nhiều thông tin thiếu chính xác trên mạng xã hội về dịch Covid-19 - Ảnh: Mạng xã hội
Mọi quyết định điều hành xã hội, đặc biệt là trong lúc này, luôn được tư vấn từ nhiều cơ quan khác nhau. Lãnh đạo các địa phương cân nhắc với tình hình thực tiễn để đưa ra quyết định sau khi có đủ sự chuẩn bị về nhân lực, vật lực, phương án dự phòng, lực lượng hậu bị...
Quyết định được ban ra luôn được công bố rộng rãi, thậm chí tổ chức họp báo thông tin đầy đủ đến người dân. Ví dụ như việc thí điểm mở lại một số chợ truyền thống để hỗ trợ hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân. Trước hết, phải tổ chức nguồn hàng và phương thức vận chuyển; kiểm tra y tế kỹ càng người bán, phân luồng người mua, dự trữ hàng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... Quyết định này liên quan đến hàng triệu người dân chứ đâu phải như một cái chợ cóc, muốn mở thì mở, đóng thì đóng như status của một số "anh hùng bàn phím"!
Trong bối cảnh này, cũng không ít người tự cho là chuyên gia y tế, cứ viết phăng phăng là phương án chống dịch hiện nay sai lầm, thiếu hiệu quả, cần thay đổi nhận thức về dịch. Đã vậy, còn khuyến cáo cân nhắc tiêm vắc-xin, hay là ngưng xét nghiệm cộng đồng...
Ảnh minh hoạ: SCMP
Trước hết, chúng ta cần hiểu: chuyên gia y tế của lĩnh vực nào? Có phải ngành dịch tễ hay truyền nhiễm? Nếu không thì hiểu biết về Covid-19 đến đâu để đưa ra giải pháp. Còn nếu là chuyên gia đúng chuyên ngành, có thể đề xuất đúng chỗ với cơ quan chức năng đang điều hành phòng chống dịch. Đích thân lãnh đạo các địa phương cũng sẵn sàng trao đổi với các nhà chuyên môn về y tế. Nếu ý kiến tốt, chúng ta tin rằng sẽ được lắng nghe, kể cả từ các vị lãnh đạo trung ương.
Nên nhớ rằng công tác chống dịch hiện nay là vô tiền khoáng hậu, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, tất cả các giới - ngành, toàn bộ người dân ở mọi miền đất nước... đều vào cuộc. Một quyết định đưa ra, một phương án chống dịch được áp dụng đều liên quan đến sinh mạng biết bao người nên luôn được suy xét với tinh thần cẩn trọng nhất, nhiều trăn trở nhất.
Đề xuất một phương án chống dịch trên Facebook thì quá đơn giản nhưng có ai dám bảo đảm phương án của mình là an toàn, hiệu quả và dám chịu trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra? Nếu không giúp được gì thì hãy giữ im lặng, ít nhất sẽ không làm phiền đến người khác.
Không chối cãi rằng việc tạo ảnh hưởng đối với người khác rất hấp dẫn. Nhưng cũng đừng quên, muốn có sự ảnh hưởng này phải thỏa mãn các điều kiện: Tên tuổi được thừa nhận trong số đông, có kiến thức chuẩn về lĩnh vực mọi người quan tâm và có cả cân nhắc về mặt đạo đức xã hội. Nhiệt tình nhưng thiếu kiến thức và trách nhiệm có khi trở thành phá hoại.
Bình luận (0)