Ngày 22-3, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm trực tuyến "Quản lý taxi công nghệ và kinh nghiệm quốc tế" với đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cùng các hiệp hội taxi của TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng tham gia. Dù được mời nhưng đại diện Uber, Grab vắng mặt.
Xem thường pháp luật?
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Vũ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, cho biết căn cứ vào hạ tầng giao thông, Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị tạm thời chưa thí điểm Uber, Grab. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, Grab ngang nhiên hoạt động trên địa bàn với trên 4.000 xe.
Hà Nội cắm biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi (trong đó có Uber, Grab) tại những nơi cấm taxi truyền thống đi vào để tránh ùn tắc giao thông
Sở GTVT Đà Nẵng đánh giá việc tự ý hoạt động của Uber, Grab là "kinh doanh ngoài vòng pháp luật, xem thường quy định pháp luật và quy định của địa phương. Chính quyền đã mời làm việc và yêu cầu không triển khai nhưng họ vẫn làm".
Theo ông Nhân, các doanh nghiệp (DN)taxi truyền thống bức xúc và liên tục kiến nghị là vì Uber, Grab đang lợi dụng chính sách quản lý chưa chặt chẽ để trục lợi về kinh tế. "Chúng tôi cần một môi trường kinh doanh công bằng chứ không yêu cầu bảo hộ. Không thể để một bên tự do còn một bên chịu ràng buộc. Chúng tôi đang trở thành nạn nhân của họ" - ông Nhân bày tỏ.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết các địa phương có Uber, Grab hoạt động chưa quản lý được loại hình vận tải này. "Hệ lụy xảy ra, ai đứng ra bảo vệ khi hành khách bị đánh, bị cướp? Trong khi taxi truyền thống giải quyết mọi vụ việc ngay và luôn, bảo đảm quyền lợi khách hàng" - ông Hùng so sánh.
Ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết TP đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT góp ý sửa đổi Nghị định 86. Hà Nội luôn ủng hộ quan điểm phải đưa loại hình kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ngồi vào quản lý như taxi.
Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia - ông Trần Hữu Minh - khẳng định Uber, Grab mang lại lợi ích nhất định cho người dân song cũng tồn tại nhiều vấn đề cần phải xem xét tổng thể để quản lý. "Dù có thể tốt cho người dân nhưng tổng thể lợi ích kinh tế - xã hội chưa tốt thì cơ quan quản lý vẫn phải can thiệp. Cách Uber, Grab giải quyết vấn đề cũng mang lại nhiều băn khoăn, nhất là trong việc hợp tác với chính quyền" - ông Minh nhận xét.
Quản bằng điều kiện kinh doanh
Theo ông Minh, Uber, Grab hiện vẫn là vấn đề tranh cãi trên thế giới. Có quốc gia cho phép hoạt động, có quốc gia cho phép một phần song cũng có nơi cấm Uber, Grab.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, cho biết chỉ bàn chuyện quản chứ không bàn chuyện cấm taxi công nghệ. Thực tế là không cấm được, bởi đây là sự phát triển tự nhiên của thị trường. Song, vấn đề là làm sao tạo một "sân chơi" cho những hoạt động vận tải mà bản chất và điều kiện kinh doanh tương đồng.
"Tại sao tài xế taxi phải qua đào tạo còn tài xế Uber, Grab thì không? Ai dám bảo đảm 100% tài xế đều tốt, không có tội phạm hình sự trà trộn? Tại sao taxi phải đóng bảo hiểm cho tài xế còn Uber, Grab thì không? Tại sao xe chúng tôi phải kiểm định kỹ thuật 6 tháng/lần còn Uber, Grab chỉ 1-2 năm, trong khi chúng tôi toàn xe mới?" - ông Hỷ nêu ra một loạt câu hỏi và cho biết đây là những chuyện thực tế để thấy rằng "phải có sự công bằng giữa 2 phía".
TS Đặng Quang Vinh, Phó Ban Môi trường kinh doanh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng không nên đặt vấn đề cấm mà nên đặt ra điều kiện hoạt động. Nếu các điều kiện đó DN thấy không phù hợp thì họ sẽ buông.
Theo ông Vinh, để quản lý loại hình vận tải này, nên dựa trên những rủi ro mà nó có thể đem lại để điều chỉnh cho phù hợp. "Không thích, không hòa hợp được thì đừng làm. Chúng ta cần có biện pháp phòng ngừa những rủi ro qua kinh nghiệm của những nước đi trước" - vị đại biểu đến từ CIEM nhìn nhận.
Là HTX vận tải có hàng ngàn xe đang hợp tác với Grab, ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc HTX GTVT Toàn cầu, đề nghị cần quản lý chặt chẽ Uber, Grab để có thể phát triển bền vững, nếu không thì sẽ để lại nhiều hệ lụy. Yêu cầu Grab, Uber đăng ký danh sách tài xế, phương tiện, cam kết chất lượng và sự an toàn cho hành khách; hạn chế đi vào phố cấm, giờ cấm để giảm ùn tắc giao thông và cả việc minh bạch nghĩa vụ thuế với nhà nước là việc làm tất yếu để bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các loại hình vận tải.
Ông Vũ Hà cũng đồng tình với việc không thể thả nổi loại hình vận tải này, đặc biệt trong điều kiện giao thông của Hà Nội vẫn đang quá tải và thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - Bộ GTVT, ở Việt Nam, kinh doanh vận tải bằng ô tô là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Do đó, các hoạt động kinh doanh vận tải có kết nối công nghệ cũng phải được đưa ra các điều kiện, khung pháp lý để quản lý cho phù hợp yêu cầu thực tiễn.
Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, sau 4 lần trình dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Thủ tướng xác định đây là nghị định tác động rất lớn đến xã hội, liên quan đến nhiều đối tượng, đặc biệt là người dân, do đó phải soạn thảo chặt chẽ, đúng quy định.
Ông Thọ cho biết sau gần 10 năm triển khai, Luật Giao thông đường bộ 2008 đang bộc lộ một số điểm chưa phù hợp, như việc lợi dụng ứng dụng công nghệ để trực tiếp điều hành quản lý vận tải, điều hành giá, gây ra sự lộn xộn trong thị trường vận tải hành khách. Do đó, phải tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ tất cả loại hình, đối tượng kinh doanh vận tải, dù có ứng dụng công nghệ hay không, theo hướng "chặt chẽ, công bằng, công khai, nghiêm minh".
Bình luận (0)