UBND TP Hà Nội đang nghiên cứu kế hoạch đục thông 127 ô vòm cầu đường sắt từ phố Phùng Hưng đến ga Long Biên (quận Hoàn Kiếm) để cải tạo thành các không gian văn hóa.
Không ảnh hưởng?
Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cùng các đơn vị chuyên môn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết sau khi có kế hoạch, TP đã giao quận Hoàn Kiếm mời nhà tư vấn của Pháp đánh giá lại kết cấu của các vòm cầu đường sắt.
"Nhà tư vấn đến từ Pháp đã tìm lại toàn bộ hồ sơ liên quan đến các vòm cầu này được lưu trữ tại Pháp. Qua nghiên cứu cho thấy hoàn toàn có thể đục thông, khôi phục các vòm này mà không ảnh hưởng đến kết cấu cầu cạn đường sắt, bảo đảm an toàn chạy tàu" - ông Chung nói.
Theo ông Chung, để bảo đảm kết cấu đường sắt, TP Hà Nội sẽ cho đục thông 1 vòm cầu để đánh giá tác động trước khi làm toàn bộ 127 vòm cầu. Nếu đủ tiêu chuẩn, TP sẽ làm trước đoạn từ phố Hàng Giấy đến phố Gầm Cầu, những vòm cầu còn lại từ Hàng Giấy đến Phùng Hưng sẽ được thực hiện sau.
Ông Chung cho biết dự toán nếu cải tạo 127 vòm cầu này sẽ tạo ra diện tích khoảng hơn 3.000 m2, nguồn kinh phí khoảng gần 100 tỉ đồng và đã có đơn vị tư nhân đề xuất triển khai thực hiện, TP đang xem xét.
Đoạn vòm cầu đường sắt tại phố Phùng Hưng (Hà Nội)
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết bộ đồng ý và đánh giá cao ý nghĩa của đề xuất trên. Tuy nhiên, khi thực hiện, Hà Nội cần đặc biệt lưu ý phải bảo đảm an toàn cho tàu chạy.
Trước thông tin trên, nhiều người dân sống 2 bên vòm cầu bày tỏ sự đồng tình bởi việc này góp phần làm giảm áp lực giao thông ở phố cổ, giúp khu vực này trở nên thông thoáng hơn. Bà Nguyễn Thị Lan (63 tuổi, ngụ phố Phùng Hưng) cho biết hiện nay, mật độ dân cư ở phố cổ Hà Nội rất lớn, nếu mở các vòm cầu sẽ thuận tiện cho việc đi lại. Ngoài ra, biến những vòm cầu thành không gian văn hóa cũng là việc làm rất ý nghĩa.
Tuy nhiên, theo bà Lan, trước đây, những vòm cầu này là nơi trú ngụ của những người ăn xin, nghiện hút từ các nơi khác đến nên tình trạng an ninh rất kém. Sau đó, khi TP cho xây bịt lại những vòm cầu, tệ nạn xã hội giảm rõ rệt. Người dân rất sợ khi mở các vòm cầu ra thì tình trạng mất an ninh trật tự lại xuất hiện.
Nghiên cứu khả năng chịu lực
Trước đề xuất trên, kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho biết cá nhân ông hoàn toàn ủng hộ. Tận dụng không gian các vòm cầu được phổ biến ở nhiều nước như: Pháp, Nhật Bản… Khu vực dưới vòm cầu tại các nước này được tận dụng làm nhà hàng, quán cà phê, văn phòng, đường phố nghệ thuật hay chợ dân sinh.
"Hiện nay, đường sắt trên cầu đang khai thác với công suất thấp, trong khi áp lực giao thông Hà Nội lại rất cao. Cả tuyến đường đẹp nhưng chỉ để đỗ ô tô, xe máy, tập kết rác, nhà vệ sinh, cùng một số cơ sở buôn bán nhỏ lẻ là rất lãng phí… Do vậy, áp dụng ý tưởng khai thác không gian đô thị là việc rất cần thiết" - ông Ánh nhận định.
Theo kiến trúc sư Ánh, cầu cạn gắn với 127 vòm cầu đã xuống cấp dần trong hơn trăm năm tồn tại. Bên cạnh đó, theo thời gian, tải trọng của các đoàn tàu đã tăng lên nhiều so với thế kỷ trước. Do vậy, việc đục thông vòm cầu cần được nghiên cứu khả năng chịu lực và gia cố nếu cần thiết.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị, cho rằng để bảo đảm an toàn khi cải tạo, Hà Nội cần khảo sát kỹ lưỡng, tổ chức kiểm định và có giải pháp gia cố, nâng cao độ bền, tuổi thọ cho công trình.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết UBND quận đang khảo sát, xin ý kiến các chuyên gia về việc cải tạo 127 vòm cầu. Theo đó, những vòm cầu này sẽ được khôi phục, tạo thành không gian tổ chức các hoạt động nghệ thuật, hội họa… như phố sách 19/12, phố đi bộ quanh Hồ Gươm. "Nếu đánh giá tác động đủ tiêu chuẩn thì năm 2018, TP sẽ đục thông vòm cầu. Về kinh phí, đến thời điểm này, đã có đơn vị tư nhân đề xuất triển khai thực hiện nhưng chúng tôi vẫn đang xem xét" - ông Long nói.
Ô vòm cầu dẫn bằng đá bắt đầu từ phố Phùng Hưng và Gầm Cầu lên đến ga Long Biên có chiều dài 1,2 km, xây bằng đá xanh Thanh Hóa. Cầu dẫn có 131 vòm cầu, đỉnh vòm cao 3,5-4,5 m, được xây dựng trong 2 năm (1900-1902).
Hơn 100 vòm cầu này cũng là trụ đỡ, kết cấu của đường sắt tuyến tàu di chuyển từ ga Hà Nội - ga Long Biên, thuộc tuyến đường sắt quốc gia. Tuy nhiên, vì lý do an toàn đối với công trình và giữ gìn vệ sinh môi trường nên vào các năm 1980-1981, Hà Nội lấp lại và đến nay vẫn còn 127 vòm bị bịt kín.
Ngành đường sắt chưa đồng ý
Trước đề xuất trên, ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết đường sắt trải qua quá trình khai thác hơn 100 năm, các vòm dẫn đá xây bị phong hóa, xuất hiện những vết nứt trên đỉnh và thân vòm có nguy cơ đe doạ an toàn chạy tàu. Trong thời gian từ năm 1969 đến 1983, ngành đường sắt đã chồng nề bên trong đỡ dưới vòm dẫn và xây bịt 125/127 vòm đá (trừ 2 vòm đã được gia cố bằng bê tông đang để thông tại khu vực ngõ Hàng Hương và phố Nguyễn Thiệp) nhằm bảo đảm an toàn chạy tàu.
Do vậy, ông Đới Sỹ Hưng cho rằng căn cứ trạng thái kỹ thuật công trình nêu trên, đề nghị chưa tiến hành phá thông các vòm cầu. Việc phá dỡ chỉ có thể thực hiện sau khi kiểm định đánh giá khả năng chịu tải và có giải pháp gia cố phù hợp.
Bình luận (0)