Chiều 11-6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Nhiều đại biểu (ĐB) thẳng thắn phê bình những bất cập của chương trình giáo dục nặng về thành tích hiện nay.
Ảnh hưởng cả một thế hệ
ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng điều 29 quy định chương trình giáo dục phổ thông phải được thực nghiệm trước khi ban hành. Lấy ví dụ vừa qua có mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), dù chưa được QH hay Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH thông qua (văn bản cao nhất là công văn của Thủ tướng Chính phủ) nhưng lại triển khai đại trà ở 51 tỉnh, thành với 5.200 trường học. "Mô hình này khiến một số phụ huynh đang rất dị ứng với việc thực nghiệm, thí điểm" - ông nói.
Ngoài giờ học, học sinh cần có thời gian vui chơi, giải trí Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Vẫn theo vị ĐB tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dù chưa có đánh giá kết quả nhưng thực tế nhiều địa phương phụ huynh không muốn đưa con em mình đi học mô hình này. Thậm chí có địa phương 100% phụ huynh không đồng tình. Họ không muốn đưa con em ra làm "chuột bạch". Sau phản ánh của địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận mô hình này chưa phù hợp với một số địa phương, việc triển khai nóng vội gây băn khoăn trong dư luận. Để khắc phục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn, tuy nhiên đối với học sinh, không có chuyện học thử mà chỉ có học thật.
"Nếu thử nghiệm như vậy làm ảnh hưởng cả một thế hệ vì học sinh không có cơ hội học lại. Cần đưa ra mức trần thí điểm và cơ quan có thẩm quyền cho phép thí điểm" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Về mục tiêu giáo dục, ĐB Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) cho rằng hiện nay chúng ta đang gắn việc giáo dục ngang bằng với việc đánh giá học sinh, sinh viên bởi điểm số qua các kỳ thi. Nền giáo dục chúng ta "nặng về lấp đầy hơn là thắp sáng", các chương trình giáo dục nặng về nhồi nhét kiến thức. Tuy nhiên, học sinh rất yếu kém về kỹ năng trong cuộc sống, nhất là khả năng ngoại ngữ.
Dạy trẻ nói dối
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng nền giáo dục hiện nay đang vô tình dạy trẻ biết nói dối ngay từ bé. "Chúng ta nhìn lại một bài tập làm văn yêu cầu học sinh tả cảnh biển, trong khi nhiều đứa trẻ chưa từng một lần đi biển. Nếu đứa trẻ đó viết "em chưa từng đi biển nên không biết phải tả như thế nào" thì ai cũng đoán được điểm số em đó nhận. Nếu em bé đó lấy ý tưởng từ những bài văn mẫu thì điểm sẽ cao" - ông Nhân dẫn chứng.
Theo ông Nhân, trên thế giới không có một nền giáo dục nào dạy trẻ em như vậy nhưng lạ thay, phương pháp giáo dục này vẫn đang thịnh hành ở nước ta. Với áp lực học tập hiện nay, suốt những năm tháng học tập đầu đời đến khi kết thúc tuổi học trò, "áp lực nhồi nhét đã làm mất đi cảm hứng của học sinh".
ĐB Đinh Thị Bình (Phú Thọ) cho rằng thời gian qua, dường như chúng ta quá tập trung vào đầu tư cho bậc học phía trên mà quên bậc học mầm non, trong khi có nhiều vấn đề đáng lo ngại. Mỗi năm bậc học mầm non tăng thêm 250.000 cháu, trong khi trường lớp vừa thiếu vừa yếu. Ở nhiều nơi, các cháu chưa bảo đảm bữa ăn, giấc ngủ thì không thể có được thế hệ công dân khỏe mạnh về thể chất, lẫn tâm hồn.
"Cần phải khẳng định đây là bậc học đầu tiên, cũng là bậc học quan trọng nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân trong việc nâng cao tầm vóc, trí tuệ Việt. Cần ưu tiên miễn học phí, đầu tư cơ sở vật chất hơn nữa, nâng cao trình độ, đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên mầm non và các cô nuôi dạy trẻ hoàn thành vai trò của mình" - bà Bình nêu quan điểm.
Cho rằng giáo dục mầm non có vai trò vô cùng quan trọng trong khi quản lý nhiều yếu kém, hạn chế nên dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên dẫn đến tỉ lệ trẻ đi nhà trẻ mới chiếm 27,7% nhưng luật lại không đề cập đến vấn đề này, ĐB Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) đề nghị luật cần nghiên cứu sửa đổi những quy định về giáo dục mầm non như quy định cụ thể về đầu tư trường lớp, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Một vấn đề cũng được ĐB mang ra mổ xẻ chính là tín dụng với sinh viên sư phạm. Học phí chưa phải căn bản cốt lõi, mà căn bản là quy hoạch mạng lưới ngành sư phạm và chính sách đào tạo, tuyển dụng đãi ngộ để thu hút các em giỏi đến với ngành sư phạm. Chính sách giảm học phí cho sinh viên ngành sư phạm đã áp dụng 20 năm qua nhưng hiệu quả không cao.
Nộp tiền tham nhũng mới đặc xá
Sáng cùng ngày, thảo luận về Luật Đặc xá (sửa đổi) tại hội trường, ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) đề nghị cần phải quy định điều kiện được xem xét đặc xá là đã chấp hành hình phạt bổ sung là phạt tiền và đã nộp án phí. Quy định này rất có ý nghĩa đối với các loại tội phạm có động cơ là tiền và tài sản như tội xâm phạm quyền sở hữu, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội tham nhũng... và bảo đảm tính công khai, minh bạch công bằng trong thực hiện đặc xá.
"Theo số liệu của Bộ Tư pháp, từ năm 2015 đến nay, tổng số tiền phải thi hành của người đang chấp hành án tù lên đến 104.000 tỉ đồng nhưng chỉ thi hành được 8.000 tỉ đồng. Gần 95.000 tỉ đồng của nhà nước, tổ chức, cá nhân bị hại chưa được thi hành nghĩa là còn khoản thiệt hại tổn thất rất lớn chưa được bù đắp" - ĐB Trang nói.
Bình luận (0)