Đốt pháo bị cấm từ năm 1994 bằng Quyết định 406/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hoạt động sản xuất, vận chuyển pháo cũng bị cấm đồng thời. 26 năm qua, quy định này được chấp hành khá nghiêm. Nhưng dịp Tết nguyên đán Canh Tý vừa rồi, tiếng pháo lại rộ lên dày đặc ở nhiều nơi và hầu như không có trường hợp nào bị phạt.
Đốt lén được, đốt công khai cũng chẳng bị gì nên dần dà người ta công khai đốt pháo. Pháo nhỏ, cháy nhanh không đủ "phê", người ta chơi pháo tràng, nổ mấy chục phút, như mâm pháo tại đám cưới ở Sóc Sơn. Thái độ coi thường pháp luật đó phải bị nghiêm trị.
Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, người trực tiếp đốt pháo không đúng quy định bị phạt tiền với mức 1-2 triệu đồng. Ngoài ra, người đốt pháo số lượng lớn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo. Vụ đốt pháo ở Sóc Sơn vừa rồi bị khởi tố để điều tra hành vi "Gây rối trật tự công cộng", tức là mức độ vi phạm nặng hơn và sắp tới đây, khung hình phạt sẽ nghiêm minh hơn.
Sự quyết liệt của các cơ quan chức năng địa phương như vậy là rất cần thiết. Từ trước tới nay, người ta "rỉ rả" đốt pháo là do nhờn luật. Việc Công an huyện Sóc Sơn mạnh tay với vụ đốt pháo ở xã Phù Lỗ chắc chắn sẽ làm chùn tay những ai manh nha ý định tiếp tục chơi pháo trái phép.
Từ trường hợp này, nhìn rộng ra sẽ thấy tình trạng nhờn luật là khá phổ biến. Ví dụ hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, theo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá là bị cấm, ai vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính nhưng thực tế thì không cấm được; bến tàu - xe, công viên, khuôn viên bệnh viện... vẫn ngập khói thuốc, chẳng thấy ai phạt/bị phạt. Hành vi xả rác nơi công cộng cũng vậy. Hay như chuyện nuôi chó trong chung cư. Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định chủ nuôi chó khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt, song rất ít người biết đến và tuân thủ quy định này, dẫn tới tình trạng ở các chung cư, khu dân cư... thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, xung đột vì nuôi chó. Dễ thấy nhất là chuyện người đi bộ sai quy định, luật hình sự đã có điều khoản chế tài từ lâu nhưng phần đông người dân chẳng mấy quan tâm, do đó phạm luật rất nhiều.
Hiệu lực pháp luật yếu thường bởi 3 lý do: xa rời thực tế và ít khả thi, ý thức chấp pháp kém, việc thực thi không tới nơi tới chốn. Luật chưa sát thực tiễn thì có thể sửa, còn ý thức người dân sẽ được nâng lên nếu các cơ quan hay lực lượng thi hành luật thực hiện thật nghiêm. Do đó, khâu thi hành luật là quan trọng nhất. Nên nhìn vào hiệu quả tức thời của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt nồng độ cồn để xem đó là bài học về chống nhờn luật.
Bình luận (0)