Trước đó, Chỉ thị 16 của Ban Bí thư đã nêu rõ không được sử dụng ngân sách tổ chức bắn pháo hoa. Các địa phương phải chăm lo chu đáo cho người dân, nhất là hộ nghèo, gia đình chính sách. Nhớ trước đây, Tết 2017, UBND Hà Nội đã ra quyết định không bắn pháo hoa, chỉ rung chuông trong đêm giao thừa và dành khoản tiền hơn 10 tỉ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt.
Quyết định trên làm ấm lòng bao người và những tưởng sẽ được các tỉnh, thành khác chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng nghĩa cử nhân ái. Thế nhưng, năm nay, Hà Nội lại quyết định bắn pháo hoa ở tất cả các quận, huyện (tổng cộng 31 điểm) và nhiều tỉnh, thành khác cũng không ngần ngại tổ chức trên diện rộng. Vui thì có vui nhưng tiền tổ chức không hề nhỏ. Trong dịp lễ 2-9 vừa qua, TP HCM tổ chức chỉ 2 điểm bắn pháo hoa đã tốn khoảng 2 tỉ đồng.
Không dùng ngân sách thì sẽ dùng tiền từ xã hội hóa nhưng cũng số tiền rất lớn ấy sẽ giúp ích được cho nhiều người còn khó khăn. Năm qua, các vùng miền trên cả nước đã hứng chịu hơn 10 cơn bão tàn phá, gây thiệt hại nặng nề cho đời sống người dân. Nhiều nơi cho đến nay vẫn chưa khắc phục hết hậu quả, gạo cứu trợ cũng chưa kịp về tới. Hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính cấp hơn 5.500 tấn gạo cho đồng bào nghèo của 7 tỉnh trong dịp Tết 2018 và cấp thêm hơn 4.400 tấn gạo khác cho 8 tỉnh hỗ trợ người dân trong mùa giáp hạt. Nhiều tỉnh trong số này đang có kế hoạch bắn pháo hoa dịp Tết.
Tình trạng vừa xin gạo cứu trợ vừa tổ chức bắn pháo hoa linh đình này đã diễn ra nhiều năm rồi. Tuy không có gì sai trái nhưng đặt 2 hoàn cảnh cạnh nhau luôn gây chạnh lòng. Ai cũng vui vì được no mắt với lễ hội màu sắc, còn bao bà mẹ tất bật chạy gạo cho con lót dạ ngày Tết. Những đứa trẻ sẽ háo hức với pháo hoa nhưng chúng cũng sẽ không thể quên được nỗi buồn với tấm áo cũ qua những ngày xuân. Chỉ cần cộng đồng chung tay, doanh nghiệp mở lòng thì sẽ có rất nhiều gia đình đón Tết đầm ấm, gầy dựng lại cuộc sống sau thiên tai.
Tiền của doanh nghiệp, của những mạnh thường quân đóng góp bắn pháo hoa thì chẳng ảnh hưởng gì đến ai. Chuyện này cũng đáng khuyến khích để người dân có những ngày Tết vui vẻ. Nhưng có cần phải tổ chức rầm rộ, tràn khắp như thế hay không?
Một doanh nhân quê gốc Bình Thuận trước đây muốn ủng hộ một huyện vùng sâu toàn bộ kinh phí bắn pháo hoa. Sau một chuyến đi trao quà từ thiện ở vùng núi tỉnh này, ông đã thay đổi quyết định. Tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng dự định dùng để bắn pháo hoa ông dành mua xi-măng tặng các hộ nghèo chưa xây được nhà. Gần 10 năm qua, công việc này vẫn tiếp tục và ông hiểu không ít người cần cuộc sống ổn định để vượt qua một đêm giao thừa không có pháo hoa.
Đừng để no mắt nhưng đói lòng!
Bình luận (0)