Dựng lại cầu gỗ đón Tết
Sau trận lũ dữ ngày 30-11-2021, cây cầu gỗ Miếu Ông Cọp bắc qua sông Bình Bá, nối liền xã An Ninh Tây, huyện Tuy An với phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) bị nước lũ cuốn phăng không còn 1 tấm ván. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, cây cầu này bị cuốn trôi sạch bách. Vậy là 16 cổ đông, 16 nông dân xây dựng và quản lý cây cầu này lại phải móc tiền túi 1,2 tỉ đồng để mua gỗ rồi tự thiết kế, tự thi công để dựng lại cây cầu gỗ này kịp đón Tết.
Gỗ được kéo đến tập kết chuẩn bị dựng lại cầu
Vậy mà lạ thay, trên từng nét mặt của 16 nông dân ấy như chẳng vương 1 sợi buồn. Trên "công trình" đầy nắng, tiếng nói, cười như át cả tiếng gió cửa sông. "Buồn có được gì đâu. Mất cũng mất rồi. 3 năm nay xem như không dành dụm được đồng nào rồi. Quan trọng là làm xong cho kịp để người dân đi lại trong dịp Tết, học sinh sinh có thể đến trường được gần khi quay lại học trực tiếp" – anh Nguyễn Sinh (43 tuổi), một người được anh em ở đây xem là "soái ca", cho biết.
Toàn bộ những công việc dựng lại cây cầu này chỉ bằng thủ công
Theo anh Sinh, sông Bình Bá là 1 nhánh của sông Kỳ Lộ, nước rất "hỗn". Bình thường thì sông rất cạn, nhiều người xây dựng ao đìa ngay trên lòng sông, nhưng đến mùa lũ thì nước về rất nhiều và lên rất nhanh. "Vậy sao không dỡ cầu vào đầu mùa lũ để không mất của?" – tôi hỏi.
"Chi phí để tháo dỡ cây cầu là rất lớn. Hơn nữa, khi lũ chưa xuống mạnh thì nhiều người dân vẫn cần để qua sông. Vì vậy mà chúng tôi cầu may là lũ không quá lớn để làm sập cầu. Tuy nhiên 3 năm nay điều may ấy không tới" – anh Sinh nói.
Người kéo gỗ...
Ngay sau khi trận lũ cuốn bay cây cầu ra biển, những nông dân thứ thiệt này đã phải bắt tay ngay vào việc tìm mua gỗ. Phi lao, bạch đàn thì chọn cây thẳng làm đà, cây xù xì thì làm trụ cầu. Keo lá tràm cũng phải chọn loại gỗ lớn để xẻ làm ván. Còn tre đực thì làm lan can cầu. "Để làm lại cây cầu này cũng mất đứt 80 mét khối gỗ chứ không phải ít. Riêng việc tìm mua đủ gỗ đã mệt bở hơi tai" – anh Sinh cho biết thêm.
... Người dựng trụ...
Khi gỗ đã tập kết đủ ở mé sông, ngày 8-11 Âm lịch, cả nhóm bắt tay vào việc dựng lại cầu. Từ việc dựng trụ, đến bắt giàn cầu, đến lót ván, đóng đinh… tất cả đều thủ công. 16 ông nông dân, 16 ông chủ cầu cũng là 16 tay thợ cứ vậy vào việc, người kéo gỗ, người dựng trụ, người xây giàn, người lót ván, bất kể ngày nắng hay mưa. Ròng rã suốt 1 tháng, đến ngày 8 tháng Chạp thì cây cầu đã được dựng xong, thơm phức mùi gỗ mới, sẵn sàng đón người dân qua lại và du khách đến check-in trong những ngày ngày xuân. "Có thể với ai đó thì nó đơn giản, nhưng với chúng tôi thì đó là 1 kỳ công. Chỉ có đam mê và mong muốn người dân đi lại thuận thiện mới giúp chúng tôi hăng say vậy" – anh Ngọc Thường vừa đóng những chiếc đinh 10 cuối cùng để cố định ván gỗ, vừa nói.
... Người lót ván
Đúng là chỉ có đam mê chứ với cái giá thi phí 5.000 đồng/lượt người đi xe máy, 2.000 đồng/lượt người đi xe đạp, 1.000 đồng/lượt người đi bộ, riêng giáo viên, cán bộ địa phương thì giảm 50%, còn học sinh thì miễn toàn bộ, mỗi năm, nguồn thu từ cây cầu này, nói như anh Nguyễn Văn Tỷ, một người trong nhóm, chỉ đủ tăng thêm bữa cá, bữa thịt. Gặp năm lụt lớn như 3 năm qua xem như trắng tay.
Vậy mới hiểu vì sao trong những ngày dựng lại cây cầu này, hết người dân đến cô cậu học trò ở xã An Ninh Tây chạy ra mé sông xem cầu đã dựng lại tới đâu. "Khi nhà nước chưa thể dựng được cầu bê tông vững chắc thì cây cầu gỗ ấy đã giúp cho người dân rất nhiều. Và đây cũng là 1 điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch đến Phú Yên" – ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, nói.
clip cau go
Cầu gỗ Miếu Ông Cọp được dân phượt đánh giá là cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam còn lại hiện nay với chiều dài gần 800m, rộng 1,5m. Cây cầu đã được xây dựng từ năm 1998 và cho đến nay nó đã không dưới 5 lần phải dựng lại vì nước lũ cuốn trôi.
Bình luận (0)