Trong bối cảnh rủi ro lớn như vậy, thế giới đang chuyển mình sang thời đại công nghệ cao. Chúng ta cần những năng lực rất mới để vượt qua những thách thức rất mới trên tiến trình phát triển. Trong đó, 2 nhóm năng lực quan trọng nhất là năng lực thể chế và năng lực đổi mới sáng tạo.
Trong xu thế chuyển đổi từ thời đại kinh tế vật thể sang kinh tế số, việc tích cực chuyển đổi công nghệ cao để hình thành một nền kinh tế số là giải pháp quyết liệt nhất nhằm bảo đảm Việt Nam có thể đương đầu với rủi ro và bước sang một giai đoạn phát triển mới. Với lợi thế đi sau, định hướng thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo theo hướng kinh tế số và công nghệ cao của chúng ta sẽ mang tính thực tiễn.
Một điểm đáng lưu ý khác là việc toàn cầu hóa đang đẩy các nước xích lại gần nhau một cách tự nhiên. Không quốc gia nào có thể "một mình một chợ", tự cô lập bằng sự xung đột với thế giới xung quanh. Công thức "Trung Quốc + 1" chưa bao giờ rõ nét như lúc này và chúng ta cần chủ động chuẩn bị năng lực đón đầu xu hướng dịch chuyển các chuỗi cung ứng nhằm tạo ra cơ hội lớn. Nếu những năm vừa qua, chúng ta chuẩn bị tốt hơn năng lực đón đầu thì có thể đã có cơ hội khẳng định tốt hơn tư thế độc lập - tự chủ của mình.
Đi qua 2 năm "giông bão" khốc liệt và trụ hạng được, Việt Nam có cơ hội để bứt phá, xây dựng được nền kinh tế độc lập - tự chủ. Để làm được điều đó, trước hết cần vai trò điều hành của Chính phủ. Có thể thấy sự điều hành của Chính phủ thời gian qua thể hiện bản lĩnh kiên cường cùng năng lực "dĩ bất biến, ứng vạn biến" khi đã linh hoạt, nhạy bén, quyết đoán trong chính sách và quyết liệt trong hành động. Chúng ta đang có nền tảng tốt cho sự phát triển nhờ có đà, có vị thế và khát vọng. Những yếu tố quan trọng này giúp chúng ta có cơ hội để bứt phá nếu như không lãng phí cơ hội.
Những câu chuyện về lãng phí đầu tư công, chậm bơm vốn cho doanh nghiệp vì sợ lạm phát... đều thể hiện sự lãng phí cơ hội. Đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam là nhập khẩu lạm phát ở mức khá lớn, nên bơm tiền cho nền kinh tế chính là một cách "lấy độc trị độc". Nói cách khác, chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận mức độ lạm phát cao hơn để bơm "máu" cho doanh nghiệp hoạt động. Còn về vốn đầu tư, không thể áp dụng một cơ chế chung cho cả nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn tư nhân. Quan trọng nhất là phải tìm cách giữ năng lực cho nguồn vốn tư mà không ảnh hưởng tới nguồn lực.
Việt Nam đang đứng trước thời điểm mà tính thử thách rất cao. Giờ là lúc tận dụng được đà và vị thế để tạo ra sự thay đổi, bứt phá.
Bình luận (0)