Từ ngày 6 đến 10-6, kỳ họp thứ 3 Quốc hội (QH) khóa XV dự kiến xem xét, thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo chương trình dự kiến, ngày 6-6, Chính phủ trình QH chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, dự án đường Vành đai 3 TP HCM cùng các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). Sau đó, các đại biểu QH thảo luận tại tổ về nội dung này.
Liên quan chủ trương đầu tư các dự án trên, dự kiến ngày 10-6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ tiếp thu, giải trình một số vấn đề mà đại biểu QH nêu trong phiên thảo luận tại hội trường cùng ngày.
Ngoài ra, QH cũng sẽ thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
QH dành 2 ngày rưỡi, từ chiều 7-6 đến hết ngày 9-6, để chất vấn các thành viên Chính phủ. Sau khi xin ý kiến các đại biểu, Ủy ban Thường vụ QH đã thống nhất 4 nhóm vấn đề chất vấn thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp - phát triển nông thôn, tài chính, ngân hàng và giao thông vận tải.
Trong lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ tập trung trả lời chất vấn các nội dung: hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; giải pháp chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng làm ảnh hưởng đến thị trường; tình hình triển khai, giải pháp đẩy nhanh thực hiện Nghị quyết 43 của QH; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước…
Các đại biểu dự kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Ảnh: NGUYỄN NAM
Với nhóm vấn đề về nông nghiệp - phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan sẽ giải đáp các nội dung về: ổn định thị trường, kiểm soát biến động giá của một số mặt hàng nông - thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp; tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể sẽ đăng đàn trả lời chất vấn về tiến độ, chất lượng và giải pháp phòng chống thất thoát, lãng phí trong triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc; thực trạng, giải pháp xử lý tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông BOT.
Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng sẽ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời, với các nội dung chính: tình hình triển khai Nghị quyết 43 của QH; thực trạng, giải pháp phòng chống tín dụng "đen", tội phạm công nghệ cao; thực hiện các nghị quyết của QH về cơ cấu lại những tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu…
Giám sát chặt thị trường chứng khoán
Nhiều đại biểu QH bày tỏ kỳ vọng các vấn đề "nóng" hiện nay trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ được giải đáp thỏa đáng tại phiên chất vấn.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, nhấn mạnh trái phiếu doanh nghiệp đã và đang trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp luôn có những yếu tố rủi ro cao, bên cạnh đòi hỏi về tính kỹ thuật, chuyên sâu. Vì vậy, quy định pháp luật về thị trường này đòi hỏi sự chặt chẽ. "Những sự việc vi phạm vừa qua không phải pháp luật không lường trước và đã từng xử lý nhưng một số cá nhân tiếp tục tái diễn, dẫn đến bị xử lý hình sự. Điều này cho thấy cơ quan quản lý cần cảnh báo thường xuyên hơn, giám sát chủ động hơn để ngăn chặn từ sớm" - ông Cường nêu quan điểm.
Để thanh lọc thị trường, tạo sự phát triển bền vững và bảo vệ tốt hơn cho nhà đầu tư, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh cần rà soát, bổ sung quy định để kiểm soát thị trường. Trong đó, bổ sung các quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của tổ chức tham gia khâu trung gian, tư vấn, môi giới.
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) kiến nghị Chính phủ có quy định pháp lý để thúc đẩy sự ra đời của tổ chức xếp hạng tín nhiệm song song với hình thành cơ chế giám sát hoạt động. Ngoài ra, cần quy định trách nhiệm của tổ chức tư vấn phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan.
Bình luận (0)