Việc phát triển kinh tế ban đêm sẽ góp phần phát triển nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch. Đây là đánh giá chung của nhiều đại biểu tại hội thảo "Triển khai đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP Cần Thơ" diễn ra ngày 31-5.
Ăn chỗ này, ngủ chỗ khác
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, hiện có một số doanh nghiệp quan tâm, đầu tư để phát triển một số dịch vụ vào ban đêm ở Cần Thơ như du thuyền tại bến Ninh Kiều, chợ đêm Tây Đô, chợ đêm Trần Phú... Trên thực tế, thành phố vẫn chưa có khu vực kinh tế ban đêm tập trung để đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm của người dân, du khách.
Ông Trần Thế Như Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ NHONHO, nêu thực trạng lượng du khách đến Cần Thơ ngày càng đông nhưng địa phương có rất ít hoạt động về đêm để khách chi tiêu. Theo ông, khách chỉ ở Cần Thơ đi chơi suốt 1 ngày rồi di chuyển đến nơi khác ngủ, không chịu ở lại ban đêm. Chính nơi họ đến ngủ mới là nơi họ tiêu tiền.
Cho đến nay, Cần Thơ cũng như hầu hết các địa phương khác trong cả nước vẫn chưa khai thác hiệu quả kinh tế ban đêm, chưa gắn phát triển các dịch vụ về đêm với thu hút khách du lịch. Thậm chí ở nhiều thành phố du lịch, chỉ mới 21 - 22 giờ, phố xá đã vắng tanh, người dân đóng cửa đi ngủ, các dịch vụ tắt đèn…
Tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, trước dịch Covid-19, việc phát triển kinh tế ban đêm chỉ gói gọn với 4 khu chợ đêm, gồm: Chợ đêm Yến Sào ở Quảng trường 2 Tháng 4, chợ đêm ở khách sạn Yasaka, chợ đêm ở khu vực đường Trần Quang Khải - Trần Phú và chợ đêm khu vực đường Tuệ Tĩnh - Nguyễn Thiện Thuật nối dài. Thế nhưng, ngoại trừ chợ đêm Yến Sào thì đến nay, 3 chợ đêm còn lại không còn hoạt động. Ở thành phố biển này thu hút đông du khách quốc tế, các dịch vụ giải trí như: bar club, vũ trường cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí ngay cả karaoke cũng khá ít.
TP Hội An, tỉnh Quảng Nam được xem là trung tâm du lịch của miền Trung nhưng thiếu hẳn sản phẩm du lịch về đêm. Du khách đến Hội An vào ban đêm, ngoài ngắm phố cổ, xem biểu diễn thực cảnh "Ký ức Hội An", đi dạo chợ đêm hoặc vào các quán bar thì không còn chỗ vui chơi hấp dẫn khác. Đã vậy, do nằm gần các khu dân cư nên những điểm vui chơi này cũng thường "đi ngủ sớm", trước 23 giờ.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho biết hiện nay, Quảng Nam cũng như nhiều địa phương chỉ khai thác được 50% tiềm năng du lịch nhưng phần lớn là thời gian ban ngày, còn hoạt động du lịch ban đêm thì chưa. Nguyên nhân là do những hạn chế về quy định giờ giấc, cơ chế, chính sách liên quan đến an ninh, trật tự xã hội.
Du khách tham quan sông Hậu về đêm trên du thuyền Cần ThơẢnh: Ca Linh
Thời điểm tốt để kích hoạt
Phát triển kinh tế ban đêm là một trong những định hướng được Chính phủ đặt ra và khuyến khích phát triển. Đặc biệt, sau giai đoạn dịch Covid-19, nhu cầu của du khách đã thay đổi, không chỉ là khám phá, tham quan mà còn trải nghiệm những sản phẩm dịch vụ của địa phương, tìm hiểu văn hóa, bản sắc của vùng miền. Giới chuyên môn cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để các địa phương bắt tay ngay vào việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm.
Đây cũng là lý do TP Cần Thơ xúc tiến đề án nói trên. Đề án thí điểm triển khai tại quận Ninh Kiều theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2022-2024, thực hiện thí điểm một số mô hình tại các vị trí như: khu vực công viên sông Hậu, khu Trung tâm Thương mại Cái Khế và đường Phạm Ngọc Thạch, khu hồ Xáng Thổi, khu hồ Bún Xáng. Sau khi tổ chức thí điểm đến khoảng tháng 6-2024, quận sẽ đánh giá lại toàn bộ các mô hình hoạt động, xem mô hình nào phù hợp thì mở rộng triển khai giai đoạn 2 - từ năm 2025 trở đi.
Với quyết tâm làm bật dậy kinh tế ban đêm, trong thời gian tới, UBND TP Hội An triển khai đề án "Phát triển kinh tế đêm" trong lĩnh vực du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch, kéo dài ngày lưu trú, mức chi tiêu trung bình và sự hài lòng của du khách.
"Khách nước ngoài đến Hội An thường thức rất khuya vì khác múi giờ bên nước họ, nhiều người phàn nàn vì hiện nay thành phố chưa có các khu vui chơi về đêm, dễ tạo sự nhàm chán. Điều đó đặt ra cho Hội An là phải nhanh chóng tạo ra các sản phẩm đặc sắc, đặc thù để thu hút du khách, giữ chân du khách được lâu hơn" - ông Nguyễn Sơn Thủy chia sẻ.
TP Đà Nẵng cũng đang khẩn trương thực hiện đề án phát triển kinh tế ban đêm theo 3 giai đoạn. Theo đó, trong giai đoạn 1 của đề án (2021 - 2022), đến nay Đà Nẵng đã xây dựng một số hoạt động thí điểm như chương trình "Đà Nẵng về đêm", khai trương phố du lịch An Thượng, tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo. Trong giai đoạn này, thành phố khuyến khích một số khu, điểm du lịch lớn, tổ chức các hoạt động tham quan du lịch/dịch vụ vui chơi, giải trí phục vụ phát triển kinh tế ban đêm.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, khẳng định Đà Nẵng sẽ mở ra nhiều cơ chế và tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế ban đêm, tập trung vào mũi nhọn là ngành du lịch. Trước mắt, với một số sản phẩm du lịch ban đêm đã triển khai trong giai đoạn 1, Đà Nẵng kỳ vọng sẽ tạo đà hình thành các sản phẩm ban đêm, đưa vào khai thác hiệu quả loại hình kinh tế này.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cũng đang xây dựng dự thảo đề án "Phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh Khánh Hòa". Trong giai đoạn 1, triển khai từ nay đến năm 2024, Khánh Hòa sẽ xây dựng các sản phẩm dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế ban đêm gồm: Dịch vụ văn hóa, vui chơi - giải trí, phố đêm ven biển, phố đi bộ, hoạt động bar, vũ trường… Giai đoạn 2 (dự kiến 2024 - 2030) sẽ tập trung hoàn thành định hướng, mô hình phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh. Hiện tỉnh đang tổ chức kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế ban đêm.
Nghiên cứu kinh tế đêm online
Hiện nay, nhiều quốc gia đang nỗ lực phục hồi kinh tế ban đêm, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tại Singapore, nước này vừa chính thức mở lại hoàn toàn các cơ sở kinh doanh giải trí về đêm sau 2 năm tạm dừng.
Tại Trung Quốc, theo đài CGTN, giai đoạn 2013-2018, nền kinh tế đêm của nước này tăng trưởng 11,9%/năm và dự kiến đạt 2.400 tỉ USD vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, Covid-19 đã trở thành một cú sốc.
Do đó từ năm 2020, các nhà kinh tế Trung Quốc đã tìm đường xoay xở bằng cách thúc đẩy thêm cho "nền kinh tế đêm online", bao gồm nội dung giải trí kỹ thuật số như sách nói, trò chơi điện tử, truyền hình có thu phí, các chương trình khuyến mãi về đêm trên các nền tảng thương mại điện tử... Đây là mô hình mà Việt Nam cần tham khảo.
A.Thư
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour:
Nhu cầu sản phẩm du lịch về đêm rất lớn
Muốn du lịch phát triển để giữ chân khách lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và có nơi để du khách khám phá thì chợ đêm là một sản phẩm cần thiết. Nhu cầu sản phẩm du lịch về đêm rất lớn. Trong mỗi hành trình, điểm đến, du khách thường hỏi có sản phẩm về đêm không? Ban đêm ở điểm đến có gì hấp dẫn? Mua sắm hay vui chơi - giải trí ở đâu? Nhưng đúng là kinh tế đêm thời gian qua chưa phát triển như kỳ vọng.
Nếu nhìn ra nước ngoài, nhiều thành phố du lịch lớn ở Thái Lan, Malaysia, Singapore... sản phẩm du lịch về đêm đã phát triển từ nhiều năm qua và du khách Việt rất thích khám phá khi tới đây. Chúng ta có thể học hỏi mô hình phát triển kinh tế đêm nhưng phải có nét đặc trưng riêng của bản địa, điểm đến.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel:
Cần có sự phối hợp đồng bộ
Sau một ngày khách vui chơi, tham quan, giải trí thì họ vẫn muốn tiếp tục trải nghiệm các sản phẩm từ sau 20 giờ tại các điểm tham quan. Những sản phẩm này không chỉ phục vụ khách du lịch mà còn cho chính người dân địa phương đó, để giới thiệu những nét văn hóa, ẩm thực, ngành nghề, sản phẩm dịch vụ của địa phương.
Để phát triển kinh tế đêm, cần sự phối hợp đồng bộ, bài bản của ngành du lịch, giữa các địa phương và điểm đến, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, tính liên kết rất cao. Như ở Thái Lan, khi khách tới một chợ đêm sẽ chỉ mua trái cây của địa phương đó, không lẫn với nơi khác - vừa để giúp người dân địa phương có việc làm, thu nhập vừa tạo sự khác biệt, hấp dẫn cho du khách.
T.Phương ghi
Bình luận (0)