Nhiều lắm thì vài ba học sinh (HS) trúng tuyển, ai cũng mừng rơi nước mắt, nhà có nghèo mấy cũng gắng làm bữa tiệc vui, tiễn con vào đại học (ĐH). Thời của tôi vào những năm 1990 cũng vậy, những ngày chờ kết quả thi là luôn trong tình trạng hồi hộp, thắt nghẹn tim.
Khó vậy nên HS nào, gia đình nào cũng xem vào ĐH là giấc mơ, là nhiệm vụ cao cả, phải rất cố gắng và cố gắng không ngừng để trúng tuyển, thậm chí đạt điểm cao để được cấp học bổng, đỡ cho cha mẹ phần nào.
Bây giờ thì khác, rất khác. HS giỏi hay dở cũng có cơ hội vào ĐH ngang nhau, chỉ khác trường hoặc khác ngành. Có cả trường hợp HS lớp 12 đang thi tốt nghiệp THPT (hôm 8-8) thì giấy báo nhập học được gửi tới nhà - như một trường ĐH ngoài công lập đã làm vừa rồi ở miền Trung. Hay mới đây, 191/259 HS lớp 12 Trường THPT An Thới (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) "đùng một cái" nhận giấy báo trúng tuyển từ một trường ĐH ở TP HCM, giấy ghi thời điểm gửi từ tháng 8. Mà danh xưng này là "ĐH quốc tế" mới oách, nên phụ huynh và HS... bất ngờ, tưởng nhầm!
Chuyện như vậy đã diễn ra nhiều năm nay khi số trường ĐH, cao đẳng mọc lên như nấm sau mưa kèm theo đó là quyền tự chủ tuyển sinh, tự chủ tài chính. Một khi các trường ĐH - nhất là khối ngoài công lập - có được hai quyền chính yếu này thì họ phải lao vào cuộc đua vét thí sinh để tồn tại. Không có sinh viên thì ai đóng tiền? Không có người học là giảm nguồn thu, phải đóng ngành, cho nghỉ việc giảng viên, Trước áp lực sống còn đó, yêu cầu bắt buộc của nhà nước đối với nhà trường về việc "chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng đầu vào của sinh viên" dường như trở thành quy định "trang trí". Các trường cứ nhận vào cho thật đông người học cái đã, chất lượng tính sau. Thế nên mới có chuyện người người vào ĐH, nhà nhà có con vào ĐH. Nó cũng lý giải vì sao có năm, một số ngành cực kỳ quan trọng - như sư phạm (đào tạo giáo viên) - mà mức sàn xét tuyển chỉ có 9 điểm (3 môn)... cũng đậu!
Đang xảy ra tình trạng một HS nhận đến 5, 7 giấy báo trúng tuyển. Nhà trường có quyền gửi thư mời học vì áp dụng nhiều phương án xét tuyển và HS cũng có quyền từ chối. Theo quy định tuyển sinh ĐH, chỉ khi nào HS nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT (bản chính) để xác nhận nhập học thì mới được xem là vào học tại một trường nào đó. Vậy là, chưa bao giờ vào ĐH dễ như bây giờ, chưa bao giờ HS có giá như bây giờ và cũng chưa bao giờ nấc thang ĐH xuống giá như bây giờ. Nhìn vào đây thì không cần phải hỏi vì sao tỉ lệ cử nhân ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều?
Xã hội học tập không đồng nghĩa nhắm mắt dạy và học, bất chấp số lượng và chất lượng đào tạo có phù hợp với nhu cầu cuộc sống hay không. Khi cánh cổng ĐH ngày càng bị hạ thấp thì mức độ lãng phí nguồn lực ngày càng cao. Ai cũng thấy điều này, tất nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thấy!
Bình luận (0)