Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc hội thảo.
Sáng 20-3, UBND TP HCM và Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Khoa học - Công nghệ TP đã tổ chức hội thảo khoa học "Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP HCM giai đoạn 2019 – 2025". Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi 3 hội thảo dự kiến sẽ tổ chức năm 2019 trong khuôn khổ Đề án "Xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP HCM giai đoạn 2019 - 2025". Đề án này sẽ hỗ trợ quan trọng để thực hiện thành công Đề án "Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025" và Đề án Xây dựng khu đô thị sáng tạo.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, những năm gần đây, cuộc cách mạng 4.0 đã lan tỏa và tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu toàn cầu, 12 lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ đem lại giá trị kinh tế thế giới 33.000 tỉ USD từ nay đến năm 2025. Trí tuệ nhân tạo đang phát triển đến ngưỡng có độ ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống. Trong đó, năm 2016 đánh dấu sự phát triển vượt bậc của lĩnh vực này.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết: "TP HCM nhận thức rõ cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội vàng để TP nhảy vọt tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Do đó, từ năm 2017, TP đã tích hợp một số lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh. Điều này được kỳ vọng như hạt nhân để thực hiện cuộc cách mạng 4.0 trên địa bàn TP HCM và làm nền tảng để TP triển khai thành công đề án đô thị thông minh. Tuy nhiên, trên tổng thể, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và đời sống ở TP HCM còn khá chậm. TP đang ở vị trí phía sau về nghiên cứu, đào tạo so với các đô thị trên thế giới. TP thiếu chuyên gia, nhà khoa học cho đến nhà hoạch định chính sách về trí tuệ nhân tạo... Đặc biệt, sự gắn kết, tương tác giữa tứ giác của cuộc cách mạng 4.0 là nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính còn lỏng lẻo, là một trong những điểm nghẽn kìm hãm sự nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP HCM".
PGS-TS Thoại Nam - Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính - Trường Đại học Bách Khoa TP HCM - chia sẻ về AI tại hội thảo.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cho biết AI đang được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội như giao thông, an ninh công cộng, sản xuất, tài chính, thương mại điện tử… . AI đang góp phần thay đổi một cách nhanh chóng cuộc sống, dần trở thành một yếu tố quan trọng trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh, điều hành, quản lý…
PGS-TS Thoại Nam – Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính - Trường Đại học Bách Khoa TP HCM - nhìn nhận: "AI hiện nay là hạt nhân để giúp giải quyết các vấn đề của hiện thực cuộc sống. AI tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà quản lý, doanh nghiệp, quốc gia… và nắm bắt được những cơ hội này sẽ giúp cá nhân, tổ chức, bộ máy, quốc gia phát triển mạnh mẽ, hội nhập với tương lai".
Với tầm quan trọng của việc ứng dụng AI để giúp TP HCM phát triển thành TP thông minh trong thời gian tới, GS Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán học Việt Nam, đề xuất TP HCM nên nhanh chóng thực hiện các công việc sau: Xây dựng hạ tầng số để phát triển AI; xây dựng cơ chế chính sách riêng của TP để phát triển AI; xây dựng nguồn nhân lực để phát triển AI; đẩy mạnh xây dựng chính quyền số của TP và xây dựng hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu cho TP.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, TP mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp cùng thảo luận và đề xuất các biện pháp thật hiệu quả, cũng như góp ý chân thành, thẳng thắn để giúp TP tháo gỡ điểm nghẽn trong việc nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2019 – 2025.
Bình luận (0)