Việc Duy Nguyễn (SN 1985, chủ chuỗi phòng tập gym tại TP HCM) có những phát ngôn phản cảm khi livestream nói về tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài đã gây ra làn sóng phẫn nộ từ khán giả lẫn nhiều nghệ sĩ. Ngay hôm sau, hàng ngàn người kéo đến tập trung trước nơi làm việc của Duy Nguyễn tại quận Bình Tân.
Không có ý định bạo lực
Sự việc buộc lực lượng công an phải huy động gần 30 cán bộ, chiến sĩ nhằm bảo đảm an toàn. Phía trước cơ sở của Duy Nguyễn, không ít người to tiếng. Bên trong cơ sở của Duy Nguyễn, diễn viên Cát Phượng đại diện nhóm nghệ sĩ để nói chuyện và đề nghị quay lại đoạn clip. Buổi trao đổi diễn ra dưới 10 phút và các nghệ sĩ nhanh chóng ra về. Sau đó, Duy Nguyễn đăng một video gửi lời xin lỗi nhưng một số người vẫn tụ tập trước cơ sở tập gym.
Đám đông kéo đến nơi làm việc của Duy Nguyễn để nói chuyện sau khi người này có lời lẽ xúc phạm cố nghệ sĩ Chí Tài
Phản hồi trước một số thông tin cho rằng một số nghệ sĩ, người dân tập trung đông người gây áp lực, anh N.S (27 tuổi; ngụ quận 7, TP HCM) cho biết anh và một số nghệ sĩ, diễn viên hẹn Duy Nguyễn một cuộc gặp bí mật. Tuy nhiên, chính Duy Nguyễn đã lên YouTube đăng thông tin về địa điểm và lịch hẹn khiến người hiếu kỳ kéo tới. Việc gặp mặt trực tiếp với mục đích trao đổi vụ việc, nhằm giải quyết đến cùng vấn đề qua lời nói. Nhiều người không hiểu rõ và cho rằng có ý định bạo lực.
Đây không phải sự việc duy nhất gây ồn ào và thu hút cộng đồng mạng lẫn đám đông hiếu kỳ.
Đầu tháng 12, tại tỉnh Bình Dương xôn xao đoạn video ghi cảnh nhiều người tìm đến nhà một thanh niên vì cho rằng người này điều khiển xe máy qua đường gây tai nạn nhưng lại đánh nữ sinh đi xe đạp điện va chạm vào xe mình. Một số thanh niên khi vừa gặp đã liên tục đánh thanh niên nói trên và cho rằng đó là cách dạy cho một bài học.
Toàn bộ đoạn video được ghi lại cho thấy hơn nửa thời lượng là cảnh bạo lực. "Hiệp sĩ" Lê Trí Thành (34 tuổi; ngụ TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết lỗi thấy rõ của nam thanh niên là đánh nữ sinh. Dư luận và nhiều người cực kỳ bức xúc trước hành động nói trên. Sau khi biết địa chỉ nơi ở của thanh niên này, anh và một số "hiệp sĩ" tìm đến để mời người này về trụ sở công an làm việc. Thế nhưng, người dân và một số thanh niên khác biết thông tin, kéo đến rất đông, từ đó mất kiểm soát.
"Chúng tôi chẳng có ý định đánh người. Nhưng khi gặp được thanh niên nói trên, một số người dân thấy vậy nhào vào. Sau đó, chúng tôi có khuyên mọi người không nên hành xử như vậy. Hãy để pháp luật xử lý lỗi lầm của anh ta" - "hiệp sĩ" Lê Trí Thành bày tỏ.
Nổi lên "tinh thần hiệp sĩ"
"Hiệp sĩ" Trần Văn Hoàng (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cho biết anh tham gia nhiều vụ bắt cướp và truy tìm các đối tượng có hành vi đánh đập, trộm cắp. Anh luôn nhắc nhở các thành viên trong nhóm "hiệp sĩ" phải bình tĩnh, tuyệt đối không gây sự chú ý khiến đám đông tụ tập và đánh nghi phạm.
Với vụ ở Bình Dương nói trên, anh Hoàng cho biết không đồng ý với cách hành xử của nam thanh niên khi đánh nữ sinh, hành vi sai thì đã có pháp luật và hình phạt tương ứng với hành vi. Nếu cứ tự xử lý thì xã hội sẽ không còn trật tự.
ThS Nguyễn Duy, chuyên gia tâm lý, cho biết những năm gần đây, đám đông thường kéo nhau tìm đến những sự việc gây bất bình và nổi lên "tinh thần hiệp sĩ". Nguyên nhân là do đám đông cho rằng nếu không gây sự ồn ào và chú ý từ cộng đồng mạng thì sự việc sẽ không được các cơ quan chức năng vào cuộc nhanh chóng. Trong rất nhiều vụ bắt kẻ trộm chó, người dân thường có tâm lý đánh kẻ trộm trước rồi giao người cho cơ quan chức năng sau. Lý do vì mức phạt hành chính quá thấp, sẽ khiến đối tượng "ngựa quen đường cũ".
Ở câu chuyện nhóm người tìm đến thanh niên tại Bình Dương, nếu không có video kia, cơ quan chức năng sẽ không nhanh chóng tìm ra đối tượng hành hung nữ sinh. Nhưng cần lưu ý, trong lúc bức xúc, đám đông khó kiểm soát được hành vi. Từ đó sẽ dễ dẫn đến những hành động bạo lực để lại hậu quả không đáng có.
"Tôi ủng hộ đám đông đứng ra lên tiếng bảo vệ cái đúng nhưng phải sống và làm việc đúng pháp luật. Gần đây, xuất hiện nhiều "anh hùng" mạng xã hội, do một phần sự bùng nổ của Facebook và YouTube. Nhiều người tìm đến vì thông tin đăng trên mạng quá nhiều, nhằm thỏa mãn tò mò. Tôi khá bất ngờ khi một video livestream trước nơi làm việc của Duy Nguyễn thu hút cùng thời điểm lên đến 11.000 người theo dõi" - ThS Nguyễn Duy bày tỏ.
NSND KIM CƯƠNG: Cần phạt hành chính!
Sự kiện trưa 14-12, đám đông tụ tập tại phòng gym của Duy Nguyễn, trong đó có một số nghệ sĩ sân khấu, có 2 yếu tố cần bàn luận. Thứ nhất, nếu không có những nghệ sĩ này đến đặt vấn đề, chưa chắc Duy Nguyễn chịu nói lời xin lỗi. Anh ta phát ngôn thiếu suy nghĩ khi dựa vào đâu để phán rằng vợ chồng nghệ sĩ Chí Tài "cơm không lành canh không ngọt". Anh ta làm tổn thương vợ của người quá cố và xúc phạm đến vong linh của cố nghệ sĩ Chí Tài. Thứ hai, nghệ sĩ là người của công chúng nhưng có trong đoàn người kéo đến nơi công cộng đông như thế để chỉ đặt vấn đề về một bức xúc, đã làm mất đi hình ảnh đẹp cần được giữ của người nghệ sĩ. Tôi cho rằng cách phản ứng này vô tình khiến cho "người hùng" trên mạng xã hội được tích điểm, vì phút chốc trở nên nổi tiếng. Chính quyền cần phạt hành chính, thậm chí nếu có đơn thưa của gia đình người bị xúc phạm thì đưa vào án dân sự để cảnh cáo người có những phát ngôn thiếu thận trọng.
Tác giả VƯƠNG HUYỀN CƠ: Khó chấp nhận!
Tôi cho rằng một sự việc dẫn đến lực lượng công an địa phương phải đến để giải tán đám đông là điều khiến giới nghệ sĩ phải suy nghĩ. Nếu Duy Nguyễn có những lời nói xúc phạm đến danh dự, uy tín của vợ cố nghệ sĩ Chí Tài thì cần có đơn thư phản ánh đến chính quyền, nơi người phát ngôn đang sinh sống. Còn kéo đến gây rối, mà là nghệ sĩ thì khó chấp nhận. Hành động đưa sách giáo khoa đạo đức cho người phát ngôn điều sai đọc, thử hỏi bản thân mình đã đọc chưa? Phải đọc trước để có hành xử đúng vì mình là nghệ sĩ, người của công chúng. Thương ghét nghệ sĩ, phát ngôn trên mạng xã hội đã là biểu hiện của sở thích, nếu xúc phạm, gây tổn hại danh dự thì cần có đơn gửi chính quyền để can thiệp, còn hành động kéo đến gây rối, xông vào nơi người khác mà không xin phép là sai luật. Hãy sống và làm việc theo pháp luật trước khi muốn hành xử vấn đề liên quan đến bảo vệ danh dự người khác.
T.Hiệp ghi
Hãy ứng xử đúng mực
Theo TS Nguyễn Vinh Huy (Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam), tại khoản 1 và 2 điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Không ai bị bắt nếu không có quyết định của tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của VKSND, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định. Điều này được cụ thể hóa qua Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự với các điều khoản cụ thể về quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; tội làm nhục người khác; các điều khoản về việc phải bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm...
Như vậy, việc một số cá nhân kích động đám đông, tự ý bắt người, sử dụng biện pháp bạo lực gây tổn hại sức khỏe, tinh thần, hủy hoại tài sản của người khác là các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Do đó, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng không nên chống lại cái xấu bằng các hành vi không hợp pháp. Sống và làm việc theo pháp luật, cần trở thành nguyên tắc hành động của mỗi người. Hãy ứng xử đúng mực. Nếu không thì chính những hành vi phản ứng quá khích lại gây hại cho người khác và cả chính mình.
Nhiều người cho rằng "hội chứng đám đông" là hành vi gây rối trật tự công cộng theo điều 318 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, để có thể xác định tội "Gây rối trật tự công cộng" thì phải có các dấu hiệu như xác định chủ thể (chỉ người đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng). Hành vi gây rối trật tự công cộng chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người có hành vi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Ngoài ra, khách thể của tội "Gây rối trật tự công cộng" là tội xâm phạm đến an toàn công cộng; đến quy tắc, sinh hoạt, đi lại, làm việc, vui chơi... ở nơi công cộng. Bên cạnh đó còn có dấu hiệu khách quan; hậu quả xảy ra; về lỗi, phải là lỗi cố ý.
Nếu đáp ứng đủ những vấn đề trên thì mới đủ căn cứ để cấu thành tội "Gây rối trật tự công cộng".
Tr.Hoàng
Bình luận (0)