Kỳ họp thứ 4 Quốc hội (QH) khóa XV đang diễn ra tại TP Hà Nội. Những vấn đề quốc kế, dân sinh đã và đang được các đại biểu (ĐB) đại diện cho ý chí, trí tuệ, nguyện vọng của nhân dân đưa ra bàn thảo, để từ đó hướng tới những quyết sách phù hợp, chính xác. Một trong nhiều nội dung quan trọng của kỳ họp là QH sẽ xem xét kéo dài Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Củng cố đà phát triển
Báo cáo trước QH ngày 21-10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, TP HCM đạt nhiều kết quả nổi bật. Ngoại trừ các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, kinh tế liên tục tăng trưởng cao. Bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011 - 2015.
Bên cạnh đó, chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc. Việc đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương phát huy tác dụng, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn thành phố, phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.
Về những hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 54, báo cáo của Chính phủ chỉ ra nhiều nguyên nhân. Trong đó, về khách quan, các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi quyết định. Ngoài ra, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, TP HCM phải dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch; đồng thời có 2 năm chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 nên thực tế thành phố không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của nghị quyết.
Từ những phân tích quan trọng khác, Chính phủ kiến nghị QH thông qua Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 54, cho phép thành phố tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31-12-2023. Cùng với đó, đưa nội dung này vào Nghị quyết của kỳ họp thứ 4 QH khóa XV. Việc này để góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố với mục tiêu tổng quát là "Xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước" và mục tiêu cụ thể "Đến năm 2025, là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước".
Trình bày báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Phú Cường cho rằng việc Chính phủ đề nghị cho phép TP HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết ngày 31-12-2023 là cần thiết. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH đồng ý với đề nghị của Chính phủ.
TP HCM cần những chính sách phát triển tương xứng với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hoàn thiện cơ chế, liền mạch chính sách
Sự cần thiết nối dài Nghị quyết 54 trước khi có nghị quyết mới thay thế đã được nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học nêu lên tại các hội nghị, hội thảo cũng như trong trao đổi riêng với Báo Người Lao Động.
TS-KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Quy hoạch chung - Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM, đề xuất trung ương cho thành phố thử nghiệm mô hình mới, cụ thể là quỹ hợp tác công - tư trong đầu tư phát triển đô thị với nhà nước và tư nhân cùng tham gia. Theo ông Tuấn, với ngân sách từ quỹ này, TP HCM có thể mời chuyên gia quốc tế, trả mức lương như thị trường và thành phố đặt hàng sản phẩm, giám sát chất lượng.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH TP HCM, nhận xét cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 tác động tốt đến thành phố trong thời gian qua. Về những mặt chưa như mong đợi, bà Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng UBND TP HCM cần phân tích, xác định rõ nguyên nhân, từ đó nghiên cứu để một số cơ chế, chính sách được triển khai tốt hơn.
GS-TS Nguyễn Thiện Nhân - ĐBQH, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM - khẳng định TP HCM là đô thị đặc biệt với nhiều đặc thù vừa là thế mạnh, song cũng có thể là thách thức. Để thành phố phát triển như kỳ vọng, đòi hỏi cơ chế đặc thù của QH và trách nhiệm đặc biệt của lãnh đạo thành phố. TP HCM cần quyết liệt trong thu hút nguồn vốn xã hội. Đặc biệt, thành phố phải tự quản lý mình tốt hơn, thực hiện đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, nhân dân đánh giá và Đảng chịu trách nhiệm.
Tăng tần suất báo cáo với trung ương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tăng việc giám sát của Thành ủy, HĐND, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội đối với UBND thành phố; hằng tháng phải có báo cáo chuyên đề... cũng là những điều thành phố cần làm trong thời gian tới.
Những ý kiến tâm huyết trên phần nào được cô đọng trong phát biểu của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM, tại phiên thảo luận tổ ngày 22-10.
Tại phiên thảo luận này, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra đã nêu rõ các mặt đạt được cũng như tồn tại, hạn chế. Ông Phan Văn Mãi thừa nhận trong gần 2 năm đầu tiên thực hiện nghị quyết này, TP HCM gần như loay hoay để xây dựng kế hoạch, quy chế, tìm kiếm sự phối hợp với các bộ, ngành để triển khai, sau đó thì đến thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, nếu được QH thông qua việc kéo dài nghị quyết, TP HCM sẽ tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đang phát huy hiệu quả, đồng thời rà soát, hoàn thiện các cơ chế liên quan đến xử lý tài sản công, hoàn thiện thêm tiêu chí để thu hút nhân tài trong năm 2023... Trong khoảng thời gian này, thành phố sẽ song song xây dựng dự thảo nghị quyết mới để thay thế Nghị quyết 54, không tạo ra khoảng trống về chính sách.
Đồng bộ hơn, mạnh mẽ hơn
Về dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, ông Phan Văn Mãi cho biết sẽ tập trung vào các nhóm gồm: Cơ chế, chính sách về đầu tư; tài chính - ngân sách; tổ chức bộ máy, biên chế; quản lý đất đai, đô thị; quản lý xã hội; cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức; cơ chế cho trung tâm tài chính.
Tinh thần của dự thảo nghị quyết mới là thí điểm những vấn đề thực tiễn đang đặt ra với TP HCM mà luật chưa có quy định hoặc có quy định nhưng chưa rõ ràng, còn chồng chéo. Nghị quyết mới sẽ đồng bộ hơn, mạnh mẽ hơn, phân cấp, phân quyền rõ hơn cho TP HCM.
Bình luận (0)