Xuất phát từ thực tế TP HCM là một đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ lớn nhất của cả nước; là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 16/2012, Kết luận số 21/2017; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
Tạo điều kiện khơi thông nguồn lực
Trên cơ sở đó, TP HCM đã ban hành nghị quyết, kế hoạch để cụ thể hóa nội dung triển khai Nghị quyết số 54. Nghị quyết số 54 ra đời đã tạo điều kiện rất lớn cho TP HCM tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, kiểm đếm và rà lại từng đầu việc khi thực hiện Nghị quyết số 54, dễ dàng nhận thấy những kết quả mà TP HCM đạt được trong 5 năm qua chưa như kỳ vọng của thành phố và người dân.
Luật về đô thị đặc biệt là một trong những phương án giúp TP HCM phát triển. Một góc thành phố nhìn từ sông Sài Gòn .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Về khách quan, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54 thì thành phố dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và chuẩn bị công tác triển khai. Hai năm 2020 và 2021 TP HCM bị tổn thất nặng nề do đại dịch Covid-19 nên thực tế không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách. Mặt khác, một số vấn đề lại cần hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành trung ương; số nội dung triển khai còn chậm so với kế hoạch dự kiến. Nguyên nhân là do có ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành; một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài nên khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định. Ngoài ra, cơ chế tài chính chưa được phát huy như mong đợi, thành phố chưa có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng ngày càng gia tăng…
Bối cảnh hiện nay cho thấy cần một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 để tạo điều kiện cho TP HCM khơi thông nguồn lực phát triển trong giai đoạn tới. Việc này sẽ góp phần giúp TP HCM thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò trung tâm về nhiều mặt của cả nước và phấn đấu vươn lên trong cạnh tranh quốc tế. Cùng với đó, tập trung huy động các yếu tố nguồn lực có hiệu quả phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Định vị TP HCM trước các đô thị lớn
TP HCM đang chuẩn bị song song việc tổng kết Nghị quyết 16, hướng tới nghị quyết/kết luận mới của Bộ Chính trị về phát triển thành phố và Nghị quyết 54 của Quốc hội hướng tới nghị quyết mới. Trong đó nghị quyết/kết luận của Bộ Chính trị mang định hướng/quan điểm chiến lược, còn nghị quyết của Quốc hội là cụ thể hóa ra những định hướng đó thành các cơ chế. Các cơ chế đề xuất trong giai đoạn này (ít nhất là 5 năm tới) mang tính đặc thù vì, thứ nhất, khung pháp lý hiện tại chưa phù hợp hoặc chậm cập nhật so với quá trình phát triển của thành phố. Thứ hai, nhiều vấn đề mới phát sinh trong quá trình phát triển mà hoàn toàn chưa có khung pháp lý, luật để quy định.
Về lâu dài TP HCM phải có khung pháp lý phù hợp với đặc tính, quy mô và quá trình phát triển của mình. Đó có thể là một luật về đô thị đặc biệt mà nhiều cán bộ lão thành, chuyên gia đã đề xuất.
Tiến trình hình thành một dự thảo luật, bàn luận, trình các cấp có thẩm quyền ra quyết định cần sự cẩn thận, sơ bộ từ 2-3 năm chuẩn bị. Vì thế trước mắt TP HCM chuẩn bị dự thảo nghị quyết mới thay thế nghị quyết cũ như một lần "diễn tập" để chuẩn bị cho "cuộc trường chinh dài hơi hơn". Những gì thảo luận, đề xuất trong nghị quyết lần này cũng như thực tiễn 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 sẽ là "đầu vào" quan trọng cả về lý thuyết lẫn thực tiễn cho việc chuẩn bị một dự thảo Luật Đô thị đặc biệt cho TP HCM trong tương lai.
Trên tinh thần đó, nghị quyết/kết luận mới của Bộ Chính trị lần này vừa phải chỉ ra những vấn đề vướng mắt của TP HCM trong nhiều năm qua vừa phải đưa ra hình dung về phát triển của thành phố sắp tới. Trong đó, quan trọng nhất là những khái niệm về vị trí, vai trò của TP HCM so với cả nước, với khu vực Nam Bộ, chẳng hạn như "đầu tàu", "dẫn dắt", "mô hình sáng tạo"… và định hướng phát triển của TP HCM là "cửa ngõ của châu Á" trong dòng chảy phát triển toàn cầu về dịch vụ - logistics, tài chính, công nghệ và con người. Cần định vị và so sánh TP HCM với các đô thị cùng vị trí, vai trò khác của châu Á hay gần hơn là các đô thị đang có thứ hạng trên TP HCM như tại Singapore, Malaysia, Thái lan.
Cũng trên tinh thần đó, nghị quyết mới của Quốc hội sẽ đi vào giải quyết những vấn đề vướng mắc cụ thể, có thể thực hiện trong vòng 5 năm tới. Trong đó nổi lên 6 nhóm vấn đề chính cần phải có cơ chế đặc thù để "gỡ rối", bao gồm: quản lý đất đai; quản lý tài chính - ngân sách; quản lý đầu tư - liên quan đến các dự án đầu tư của TP HCM trong nhiều lĩnh vực khác nhau; quản lý kinh tế (liên quan đến các tập đoàn kinh tế của thành phố, quá trình cổ phần hóa của thành phố); quản lý văn hóa - xã hội (liên quan đến cả việc thúc đẩy và xã hội hóa các dự án văn hóa - thể thao); quản lý bộ máy - biên chế. Nguyên tắc "gỡ rối" sẽ là chủ đạo trong 6 vấn đề chính này. Cụ thể là muốn đề xuất điều gì thì phải lý giải được; có được cơ chế đó thì sẽ "gỡ" được việc gì/dự án nào; việc "gỡ" đó có thúc đẩy được việc/dự án đó hoàn tất trong 5 năm tới hay không.
(*)Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-8
Bình luận (0)