Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1 km với quy mô 4 làn xe cao tốc, tổng mức đầu tư 9.668 tỉ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2020. Dù được khởi công từ năm 2009 nhưng đến nay dự án này chỉ mới được thực hiện hơn 15% khối lượng công trình, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành.
Vỡ phương án tài chính
Chiều 17-2, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận thực tế cho thấy dự án này cũng vẫn chỉ là những bãi đất trống, không có công nhân trên công trường. Từ đầu dự án (Trung Lương) đến cuối dự án (Mỹ Thuận) chỉ có lèo tèo vài trụ mống cầu đã được đóng.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang, nói dự án này tỉnh chỉ có trách nhiệm giải phóng mặt bằng và toàn bộ dự án là của Bộ GTVT. Việc chuyển giao dự án cho tỉnh thì đến nay tỉnh chưa nghe nói. Chỉ biết là trong tuần này Bộ GTVT làm việc với Chính phủ về dự án này và cả BOT Cai Lậy.
Theo ông Phan Anh Dũng, Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp thực hiện dự án), phương án tài chính của dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, bị phá vỡ do nguồn vốn vay tín dụng 6.850 tỉ đồng chưa được giải ngân do các ngân hàng đưa ra nhiều điều kiện ràng buộc. Trong đó có những vấn đề thuộc thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT liên quan đến việc thế chấp tài sản, lãi suất vốn vay, phần hỗ trợ của nhà nước. Đặc biệt, điều kiện tiên quyết được các ngân hàng đưa ra là phải thay thế nhà đầu tư Yên Khánh (Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh), một cổ đông chiếm 30% vốn tại dự án đang liên quan đến vụ án hình sự. Ngoài ra, cũng theo ông Dũng, lãi suất vốn vay trong phương án tài chính được phê duyệt ngày 15-6-2017 là 7,82%/năm, thấp hơn hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng (mức lãi suất vốn vay trung bình của 4 ngân hàng) là 10,83%/năm (thấp hơn 2,98%/năm), do đó không giải ngân được vốn vay tín dụng do chênh lệch lãi suất theo quy định với hợp đồng tín dụng quá lớn.
Dự án có thể phải dừng
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đánh giá về bản chất, khó khăn, vướng mắc về lãi suất vay xuất phát từ sự khác biệt giữa quy định pháp luật và thực tiễn. Do vậy, trường hợp Chính phủ quyết định tháo gỡ khó khăn về lãi suất vay vốn như kiến nghị của nhà đầu tư thì dự án có thể tiếp tục thực hiện và đến năm 2020 có thể hoàn thành. Tuy nhiên, do chưa có quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nên trong trường hợp này Chính phủ ban hành nghị quyết, trong đó giao Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở thực hiện.
"Nếu tiếp tục thực hiện dự án theo đúng quy phạm pháp luật hiện hành và hợp đồng BOT đã ký, nhà đầu tư sẽ không thu hồi được vốn chủ sở hữu và một phần vốn vay. Trường hợp này, dự án có thể phải dừng, điều chỉnh dự án và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới, không bảo đảm hoàn thành dự án năm 2020" - văn bản của Bộ GTVT cho hay. Với phương án này, Bộ GTVT đánh giá là khá bất lợi khi phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới (mất khoảng 1 năm) và chậm tiến độ.
10 năm dang dở
Tháng 11-2009, Công ty CP Phát triển đường cao tốc BIDV khởi công dự án lần 1. Tháng 2-2012, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT tiếp nhận nguyên trạng dự án do BIDV từ chối tiếp tục triển khai. Tháng 10-2014, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư dự án theo hình thức BOT, nhà nước hỗ trợ bằng quyền thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, đồng thời giao Bộ GTVT quyết định việc chỉ định nhà đầu tư. Tháng 2-2015, dự án được tái khởi động lần 2, mục tiêu hoàn thành vào năm 2018, với liên danh 6 doanh nghiệp góp vốn đầu tư. Tháng 6-2017, dự án được điều chỉnh vốn đầu tư 9.668 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành vào quý II/2020.
Tháng 8-2018, Bộ GTVT cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án đến 31-12-2020.
V.Duẩn
Bình luận (0)