xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

ĐƯỜNG CAO TỐC TRUNG LƯƠNG - MỸ THUẬN: Không thể chậm hơn được nữa!

Minh Trần

Nhà đầu tư dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lo ngại nếu dự án không được xác định nguồn vốn thì khó có thể triển khai để kịp tiến độ thông tuyến vào năm 2020

Đến nay, mốc thời gian thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng chỉ còn hơn 1 năm nữa. Thế nhưng, khối lượng công việc còn lại nhiều như núi, những vướng mắc của dự án - đặc biệt là về vốn - vẫn chưa được giải quyết.

Những gì làm được, doanh nghiệp đã làm

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 18-3 và Thông báo số 272/TB-VPCP ngày 2-8 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn của dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nhà đầu tư đã chủ động làm việc với Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng - Bộ Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra thuế để rà soát các vướng mắc trước đây cũng như tham vấn ý kiến để khắc phục, điều chỉnh.

Kết quả là trên cơ sở ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra thuế đã loại bỏ các nhà đầu tư "0 đồng" trước đây: Công ty Yên Khánh, Công ty Hoàng An, Công ty Thắng Lợi. Hiện tại, dự án chỉ còn 3 nhà đầu tư là Công ty Cầu đường CII, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc và Công ty CP Đầu tư Xây dựng BMT.

Trong các ngày 2 và 9-8, trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, Kiểm toán Nhà nước và ý kiến thẩm định của Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã phê duyệt điều chỉnh dự án, ký kết phụ lục hợp đồng điều chỉnh dự án với nhà đầu tư...

ĐƯỜNG CAO TỐC TRUNG LƯƠNG - MỸ THUẬN: Không thể chậm hơn được nữa! - Ảnh 1.

Với quyết tâm của nhà đầu tư và chính quyền tỉnh Tiền Giang, tiến độ thông tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận vào năm 2020 vẫn bảo đảm nếu giải quyết được vướng mắc về vốnẢnh: GIA MINH

Đến nay, nhà đầu tư đã huy động góp vốn chủ sở hữu và đưa vào dự án 2.500 tỉ đồng, ứng trước chi phí giải phóng mặt bằng cho tỉnh Tiền Giang để triển khai. Kết quả, 25% khối lượng dự án đã hoàn thành, 3 tháng qua tăng hơn 10% so với khối lượng thực hiện trong 10 năm trước đây.

Trước đó, ngày 23-7, nhà thầu thi công tổ chức giăng băng-rôn đòi nợ. Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang hôm 24-7, chủ đầu tư và nhà thầu thi công nêu quan điểm nếu không có vốn thì không còn cách nào khác là phải tạm dừng dự án. Ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho rằng những vướng mắc này đã "vượt ra khỏi khả năng của doanh nghiệp dự án" và "vượt ra khỏi sức chịu đựng của các nhà thầu" nên họ buộc phải đưa ra một kế hoạch dự kiến cho việc dừng dự án.

Theo ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, những gì làm được, doanh nghiệp dự án đã làm rồi. "Chúng tôi đã tính toán cả thời gian xử lý nền đất yếu, lường trước khó khăn của việc vận chuyển vật liệu... Chúng tôi đã lên kế hoạch cho từng tháng, thậm chí mỗi ngày phải làm được khối lượng việc ra sao mới kịp tiến độ thông xe vào năm 2020. Không thể chậm hơn được nữa, hết thời gian rồi!" - ông Hồng lo ngại.

Tiếp tục... chờ

Thực tế sau hơn 3 tháng tái khởi động dự án, các nhà thầu đã nỗ lực hết sức nhưng đang gặp khó khăn rất lớn. Đó là nguồn vốn cho dự án từ ngân sách nhà nước chưa biết bao giờ được Quốc hội thông qua, trong khi vốn tín dụng từ các ngân hàng (NH) còn đang xem xét chưa định rõ việc thẩm định cho vay. Ông Mai Mạnh Hồng nhấn mạnh thời gian tới, nếu dự án không được xác định nguồn vốn thì khó có thể triển khai để kịp tiến độ thông tuyến vào năm 2020.

Về nguồn vốn ngân sách nhà nước, được biết, Chính phủ đã có các tờ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua 2.186 tỉ đồng để hỗ trợ dự án, sử dụng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2018. Đến nay, do chưa có ý kiến chấp thuận của UBTVQH nên chưa thể xác định được kế hoạch bố trí vốn, thời gian giải ngân để làm cơ sở bảo đảm phương án tài chính của dự án.

Thực ra, với quyết tâm của nhà đầu tư và sự hỗ trợ có trách nhiệm của tỉnh Tiền Giang như thời gian qua thì khả năng thông tuyến năm 2020 là hoàn toàn khả thi nhưng với điều kiện phải tháo nút thắt" về vốn càng sớm càng tốt.

Thông tin đáng chú ý là ngày 15-8, Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng đã trình UBTVQH phương án phân bổ nguồn vốn cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận. Dự kiến nội dung này sẽ được UBTVQH họp và quyết định tại kỳ họp vào tháng 9 tới.

"Thời gian đã trôi về những ngày cuối tháng 8-2019. Để triển khai thành công dự án, việc khơi thông nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đến tín dụng rất quan trọng, có tính chất then chốt nhằm xác định khả năng thực hiện dự án, khả năng thông tuyến trong năm 2020, hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong năm 2021" - ông Mai Mạnh Hồng kỳ vọng. 

Luẩn quẩn vốn tín dụng

Tại Văn bản 5195/TGĐ-NHCT5 ký ngày 21-8, VietinBank đại diện cho các NH tài trợ vốn đã có báo cáo gửi NH Nhà nước, cho biết NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) không tiếp tục tham gia đồng tài trợ cho dự án.

Trong khi đó, cái khó là hiện nay, phía NH yêu cầu vốn tự có của nhà đầu tư phải đáp ứng 3.800 tỉ đồng - chênh lệch 1.013 tỉ đồng so với mức UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt là 2.787 tỉ đồng. Nhà đầu tư đã trao đổi có thể đáp ứng đến mức 3.400 tỉ đồng nhưng phía NH chưa thống nhất. Ngoài ra, NH xác định còn thiếu 882 tỉ đồng mới đủ vốn thu xếp cho dự án. Như vậy là hiện nay, các NH chưa thể thu xếp vốn cho dự án.

Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo NH Nhà nước có ý kiến cụ thể nhưng "quyền lực mềm" của NH thương mại đã dẫn đến rất nhiều dự án hạ tầng quan trọng hiện nay rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Chính cái vòng luẩn quẩn vốn tín dụng đã tạo ra nút thắt làm trì trệ dự án.

Với dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, trước nguyện vọng, mong mỏi của 20 triệu người dân ĐBSCL, đã đến lúc cần có hành động cụ thể của những người có trách nhiệm khi được giao trọng trách đại diện quản lý phần vốn của nhà nước tại các NH thương mại.


Ngân hàng Nhà nước: Bảo đảm điều kiện pháp lý để giải ngân

Ngày 26-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, các NH tham gia đồng tài trợ vốn tín dụng cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết đang tiếp tục xúc tiến quá trình thẩm định phương án tài chính của dự án. "NH đang phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, thẩm định để xử lý những bước tiếp theo" - đại diện một trong các NH thu xếp tài trợ vốn cho dự án khẳng định.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ đầu tháng 8 đến nay, các NH tham gia tài trợ vốn cho dự án đã họp bàn để thống nhất lại phương án tài chính cho phù hợp với những cơ sở pháp lý đã được điều chỉnh thời gian qua. Trước đó, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và đại diện các NH thương mại VietinBank, BIDV, Agribank, lãnh đạo NH Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương, chủ đầu tư dự án để điều chỉnh, hoàn thiện hồ sơ pháp lý nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hạ tầng quan trọng này.

Thời gian qua, chủ trương chung của NH Nhà nước là hạn chế các tổ chức tín dụng dùng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn vào các dự án bất động sản, dự án BOT... Riêng các dự án giao thông quan trọng, những kết nối hạ tầng liên vùng trọng điểm như dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hệ thống NH thương mại vẫn đồng hành, cam kết tài trợ nguồn vốn đáp ứng kịp thời trên cơ sở bảo đảm các quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc nhà đầu tư phản ánh đang tắc nguồn vốn tín dụng, đại diện các NH thương mại thừa nhận việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh các cấu phần tài chính và phương án kinh doanh, thu hồi vốn cũng như xử lý vướng mắc liên quan đến pháp lý đầu tư đã khiến dự án này bị chậm tiến độ. Do đó, dù các hợp đồng tín dụng trước đây đã được ký kết nhưng do thay đổi tổng mức đầu tư, thay đổi phương án tài chính... nên chưa đủ điều kiện, thủ tục để các NH giải ngân cho chủ đầu tư.

Về việc này, đại diện NH Nhà nước nêu rõ quan điểm sẵn sàng hỗ trợ các NH thu xếp vốn cho dự án; bảo đảm những điều kiện pháp lý thuận lợi nhất để NH thương mại có thể nhanh chóng thống nhất, giải ngân các nguồn vốn đã cam kết cho vay đối với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Việc tài trợ vốn cho dự án do các NH thương mại quyết định, chủ đầu tư thỏa thuận, thực hiện theo các quy định của pháp luật.

L.Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo