Theo phản ánh của anh H., đường Hồ Chí Minh đoạn qua trung tâm huyện Đắk Mil dài hơn 2 km nhưng chỉ một vài điểm có vệt lún nhỏ, không đáng kể, nhiều đoạn rất bằng phẳng, không bị lún, ổ gà nhưng nhiều ngày qua, một đơn vị tới cào bóc mặt đường để thảm lớp nhựa mới. Trong khi đó, mặt đường sau khi thảm không đẹp như đường cũ, chỗ cao, chỗ thấp.
Cũng theo anh H., trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đắk Mil đã có nhiều đoạn hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình lưu thông của các phương tiện thì không được cơ quan chức năng sửa chữa.
Đoạn đường này hiện đã được cào lên sửa chữa. (Ảnh anh H. chụp ngày 8-12)
Trao đổi với phóng viên ngày 10-12, ông Nguyễn Hữu Phát, Phó trưởng Phòng Quản lý - Bảo trì đường bộ Cục Quản lý Đường bộ III (Tổng cục Đường bộ), cho biết đoạn đường qua thị trấn Đắk Mil thuộc dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, được bàn giao, đưa vào sử dụng nhiều năm nay. Gần đây, đoạn đường này đã xuất hiện rạn nứt bề mặt nên được sửa chữa. Gói sửa chữa có tổng kinh phí chỉ mấy tỉ đồng do Cục Quản lý đường bộ III làm đại điện chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát là Công ty Tư vấn Buôn Ma Thuột, nhà thầu thi công là Công ty Đường bộ Đắk Lắk.
Cũng theo ông Phát, theo quy định, sau khi lập kế hoạch sửa chữa sẽ có đoàn từ bộ, tổng cục và địa phương cùng đi kiểm tra và xác định đoạn đường nào cần phải sửa, bảo trì thì mới được phép thực hiện. "Việc sửa chữa, bảo trì phải được tiến hành khi mặt đường chớm rạn nứt, không phải đến lúc hư hỏng nặng mới sửa chữa, sẽ rất tốn kém" - ông Phát nói.
Bình luận (0)