Căn nhà cấp 4 của bà Trần Thị Thu, ở đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP HCM mới xây dựng hơn 5 năm nhưng giờ đây lại nằm thấp hơn mặt đường gần 1,5 m. Bởi mỗi năm, con đường trước nhà bà được nâng lên cao để không bị ngập.
Dãy nhà trên đường Phạm Văn Ðồng, đoạn thuộc quận Bình Thạnh, TP HCM có nóc nhà ngang bằng vỉa hè
Xớ rớ là sứt đầu, mẻ trán
Theo bà Thu, đường nâng lên đồng nghĩa với việc nhà bà cứ thế chìm xuống. "Giờ nhà tôi thấp đến mức độ cao mặt đường so với độ cao cửa nhà chênh nhau khoảng 0,5 m. Do không có tiền để làm lại nhà nên cả gia đình đành phải chọn cảnh "chui" vào nhà mỗi khi có việc ra ngoài" - bà Thu nói.
Thế nhưng theo bà Thu, nỗi khổ chui vào nhà cũng chẳng thấm vào đâu so với thiệt hại về vật chất mà gia đình bà phải gánh chịu. Đó là xe cộ phải đem gửi và đóng tiền tháng. "Tất cả đều do không có cốt nền cụ thể. Phải chi quy hoạch cốt nền một cách chính xác thì bây giờ gia đình tôi đâu phải gánh chịu cảnh này" - bà Thu bức xúc nói.
Cạnh nhà bà Thu là xóm trọ cũng được xây dựng 4 năm trước. Giờ đây, những căn nhà trọ này biến thành những chiếc bẫy rình rập người mới đến thuê trọ, bởi khi không quen là lập tức va vào thành cửa gây sứt đầu, mẻ trán mỗi khi ra vào. Qua tìm hiểu, 6 năm trước, khu vực mặt tiền đường Kinh Dương Vương vốn là rốn ngập nhưng qua nhiều dự án đường được nâng lên cao hơn 2 m. Từ đó, khiến 540 hộ dân nhà ở mặt tiền đường bị chìm sâu. Có nhà muốn vào phải bò.
Tương tự, đường Phạm Văn Ðồng (đoạn qua quận Bình Thạnh, TP HCM) vốn mệnh danh con đường đẹp nhất TP. Ấy vậy mà hai bên đường có không ít căn nhà người đi bộ trên vỉa hè có thể với đến tới nóc nhà. Ðơn cử, căn nhà của ông Trần Văn Chung, phường 11, quận Bình Thạnh, nếu ai lần đầu đến cũng phải gõ cửa nhầm vào nhà hàng xóm. Bởi nhà của ông nếu từ bên ngoài nhìn vào chỉ thấy ô cửa nhỏ. "Phát hiện ra căn nhà nằm thấp so với mặt đường mà lối vào thì quá thấp ai cũng cười phá lên" - ông Chung cười như mếu.
Cũng tại con đường này, không ít cụm dân cư ven đường với các căn nhà thấp hơn mặt đường từ 2-2,5 m. Thậm chí đi bộ trên vỉa hè người trưởng thành có thể cao hơn cả nóc nhà của các hộ xung quanh. Nhà thấp mỗi lần mưa khiến không ít hộ thấp thỏm sợ nước đổ vào nhưng theo ước tính, để nâng nền và xây dựng mới cho một căn nhà cấp 4 ngang bằng mặt đường phải tốn chi phí cả tỉ đồng. "Con số đó quá lớn so với thu nhập hiện tại của tôi và nhiều người nên đành phải ngậm ngùi sống chung" - ông Chung nói.
Cửa chính nhà ông Chung bị nhiều người tưởng lầm là cửa sổ nhà hàng xóm
Gặp khó khi hỗ trợ cho người dân
Theo khảo sát của Sở Xây dựng TP HCM, hiện có hơn 10 con đường rơi vào tình trạng đường cao hơn nhà dân, với số hộ bị ảnh hưởng lên đến hàng ngàn. Ngoài 2 tuyến đường nêu trên còn có thể kể đến đường Tân Hóa - Lò Gốm (quận 6), đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), đường Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè)…
Theo Sở Xây dựng TP, nhiều địa phương đã từng kiến nghị quá trình nâng đường tính toán phương án hỗ trợ người dân. Tuy nhiên không ít trường hợp gặp khó do quy định hiện nay không có chính sách hỗ trợ riêng biệt. Chẳng hạn, trường hợp hỗ trợ cho các hộ dân tại đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), trước khi khởi công đã tổ chức khảo sát để ghi nhận quá trình tác động đến đời sống của các hộ lân cận nhưng đến nay vẫn chưa thể hỗ trợ. "Các bên vẫn đang trong quá trình gỡ vướng mắc để giải quyết về vấn đề hỗ trợ" - Sở Xây dựng cho hay.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh từng được các ban ngành kiến nghị khi nâng đường sẽ hỗ trợ người dân. Nhưng qua khảo sát thấy chi phí hỗ trợ quá lớn nên giải pháp đưa ra là chỉ có thể nâng cấp hệ thống thoát nước để khi mưa, nước không tràn vào nhà dân. Ngoài ra, giảm kích cỡ vỉa hè giúp người dân làm bậc tam cấp lên xuống dễ dàng. Ðến nay nơi đây không xảy ra cảnh khó khăn trong việc lên xuống nhưng mất vẻ mỹ quan khi nhà dân vẫn chìm sâu so với mặt đường.
Thạc sĩ Nguyễn Thế Minh, Hội Cầu đường cảng TP HCM, nói ở TP đang có thực trạng nhiều nơi thay đổi liên tục cốt nền theo từng phân khu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nhà đã xây dựng theo cốt nền cũ. "Việc nâng đường bỏ qua các yếu tố cốt nền quy định đã gây ra cảnh tréo ngoe nêu trên" - ông Nguyễn Thế Minh nhận xét. Theo ông, UBND TP cần ban hành chuẩn cốt nền, nhằm hạn chế tình cảnh mỗi nơi làm một cốt nền khác nhau, nơi này cốt nền cao hơn nơi khác, khiến đô thị trở nên "méo mó" về cảnh quan lẫn quy hoạch.
"Cốt nền không được phép điều chỉnh và phải mang tính bao phủ. Nó giống như tấm bản đồ chung cho TP. Các công trình hạ tầng cũng căn cứ vào đó mà xây dựng theo. Từ đó, nhà dân và mặt đường được hài hòa với nhau" - thạc sĩ Nguyễn Thế Minh phân tích.
Đừng vội vàng để rồi thành chắp vá!
Theo PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, qua nhiều năm quan sát giải pháp chống ngập, dễ dàng nhận thấy cứ hễ thấy chỗ nào ngập là chúng ta vội vàng tìm cách "vá" chỗ đó. Vì vậy, tuy tình trạng mặt đường ngập có giảm nhưng khi mưa với vũ lượng lớn và kéo dài thì mọi thứ trở nên công cốc.
"TP nên chọn giải pháp mang tính lâu dài theo hướng đầu tư một lần hiệu quả nhiều lần. Như cách làm một số nước, họ làm hầm chứa và điểm ngập sẽ được đấu nối với ống cống, nước được đưa về nơi thấp và đẩy ra sông. Cách này, tốn tiền nhiều lúc đầu nhưng về sau ít tốn kém hơn" - PGS-TS Nguyễn Minh Hòa hiến kế.
Bình luận (0)