Yêu cầu trên được đưa ra trong Kế hoạch để thực hiện Nghị quyết của Chính phủ "Về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025" trên địa bàn TP Hà Nội. Kế hoạch này gồm nhiều biện pháp đồng bộ, tổng thể, từ tăng tỉ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng, xử lý các "điểm đen" ùn tắc cho tới tăng điểm đỗ xe tĩnh, siết chặt điều kiện xây chung cư, cao ốc…
Đáng chú ý, trong các giải pháp để tiến tới xây dựng hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện môi trường thủ đô, có yêu cầu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp. Và điều này lập tức dẫn tới những luồng ý kiến khác nhau.
Thoạt tiên, đề xuất dành làn đường riêng cho xe đạp đã khiến nhiều người liên tưởng tới việc thí điểm làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, nay thì ai cũng đã rõ "số phận" của buýt nhanh BRT, dự án có tổng giá trị hơn 1.000 tỉ đồng. Tương tự cách đây hơn 5 năm, những người không ủng hộ ý tưởng dành làn đường riêng cho xe đạp cũng cho rằng với thực trạng giao thông đô thị ở Hà Nội hiện nay thì điều này hoàn toàn không khả thi. Ở Hà Nội, nhiều nơi xe máy còn đi cả lên vỉa hè mà vẫn tắc thì lấy đâu ra làn đường riêng cho xe đạp.
Tuy nhiên, những người ủng hộ lại cho rằng trái ngược với các phương tiện cá nhân khác, xe đạp nên được ưu tiên vì phù hợp xu hướng hiện đại, văn minh hiện nay ở nhiều nước phát triển. Xe đạp có lợi thế rất lớn so với các phương tiện giao thông khác là thân thiện với môi trường, phù hợp với việc sử dụng giao thông công cộng của người dân đô thị và có lợi cho sức khỏe của người sử dụng. Cùng với đó, khi Hà Nội đang phát triển mạnh mạng lưới giao thông công cộng với sự góp mặt của các phương tiện hiện đại như đường sắt đô thị nên sẽ rất phù hợp với việc sử dụng xe đạp để di chuyển những chặng ngắn chuyển tiếp.
Việc tranh luận có nên dành làn đường riêng cho xe đạp ở Hà Nội hay không khó có hồi kết vào lúc này.
Về nguyên tắc, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phương tiện giao thông gây ô nhiễm đi đôi với tăng phương tiện giao thông công cộng, phương tiện thân thiện với môi trường là xu thế phát triển tất yếu. Thế nhưng, các giải pháp thực hiện cần phù hợp và quan trọng nhất là khả thi. Ý tưởng, đề xuất dù hay, tốt đến đâu mà không khả thi thì đều rất khó đi vào cuộc sống.
Như dự án buýt nhanh BRT trước đây, yêu cầu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp hiện nay đã được khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi hay chưa? Cơ quan chức năng cần làm rõ được điều này trước khi thực hiện thí điểm để xe đạp không đi vào "làn đường" của buýt nhanh BRT trước đây.
Bình luận (0)