Ngày 9-4, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết quý I/2021 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
Cần vận hành thương mại sớm
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã phê bình 30 tỉnh có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với quý I/2020, đặc biệt là 5 tỉnh có số người chết tăng trên 70% trở lên và yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh có tai nạn giao thông tăng cao phải chỉ đạo sâu sát và quyết liệt hơn đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong quý II và cả năm 2021. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực đã đặt câu hỏi: "Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có gì vướng mắc mà ách tắc lâu thế? Hứa rồi để kéo dài mãi là không được!" và chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cùng UBND TP Hà Nội cần xem xét đưa vào vận hành thương mại sớm.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu xem xét đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại sớm
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết TP Hà Nội đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết sẵn sàng tiếp nhận dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ Bộ GTVT theo đúng quy trình, quy định khi đã đủ điều kiện vận hành khai thác và bảo đảm an toàn tuyệt đối. "Bộ GTVT cần chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội xử lý dứt điểm các tồn tại theo khuyến cáo của tư vấn, để việc đánh giá an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoàn thành đúng kế hoạch và cấp chứng chỉ lái tàu cho các nhân viên lái tàu của metro Hà Nội" - ông Tuấn kiến nghị.
Trước kiến nghị trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đang phối hợp với UBND TP Hà Nội khẩn trương xử lý các hạng mục trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông theo khuyến cáo của đơn vị tư vấn độc lập về an toàn hệ thống. "Chúng tôi đã thống nhất với Hà Nội là bàn giao dự án nhanh nhất để sớm có thể khai thác thương mại. Ngay chiều 9-4, bộ sẽ tiếp tục họp để cuối tháng 4-2021 bàn giao vận hành thương mại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Lưu ý các đơn vị liên quan không để đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị ách tắc kéo dài và bảo đảm công tác vận hành an toàn sau khi bàn giao, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn đang ngày càng nhức nhối như tại Hà Nội, do đó cần phải sớm cải thiện hạ tầng giao thông.
Dự án được chính thức khởi công ngày 10-10-2010; tháng 8-2015 hoàn thành giải phóng mặt bằng; tháng 8-2016 nối thông dầm trên cao toàn tuyến; tháng 1-2017 nối thông đường ray toàn tuyến; tháng 7-2018 thông điện toàn tuyến; tháng 10-2020, tổng thầu hoàn thành 20 ngày chạy tàu theo biểu đồ vận hành. Ngày 31-3-2021, bắt đầu quá trình kiểm đếm hồ sơ, tài sản dự án để bàn giao cho UBND TP Hà Nội đưa vào khai thác, vận hành.
Đang nỗ lực hoàn thành
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết đến nay, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành, thống nhất nghiệm thu và bắt đầu quá trình kiểm đếm, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, tài sản. Trong giai đoạn này, Bộ GTVT thống nhất với TP Hà Nội bắt đầu từ cấp cơ sở là giữa Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội và Ban Quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư). Do dự án có rất nhiều danh mục nên phải có động tác kiểm đếm và xác định trách nhiệm 3 bên là chủ đầu tư, tổng thầu và phía Hà Nội. Ông Đông cho rằng quá trình này dự kiến mất khoảng 3 tuần đến 1 tháng để kiểm đếm và tiếp nhận. "Với tinh thần là càng sớm càng tốt. Khi cấp cơ sở báo cáo lên là xong, Bộ GTVT sẽ cùng TP Hà Nội ký kết bàn giao toàn bộ để đưa vào vận hành, khai thác thương mại. Bộ GTVT sẽ làm việc với trách nhiệm cao nhất" - ông Đông khẳng định.
Theo văn bản chấp thuận của Thủ tướng và quyết định điều chỉnh tiến độ của Bộ GTVT ban hành tháng 12-2020, dự án được điều chỉnh tiến độ thực hiện đến ngày 31-3-2021. Thực hiện mốc tiến độ trên, thời gian qua, Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung toàn bộ nhân lực, thời gian để thực hiện những công việc còn lại của dự án.
Trả lời câu hỏi "nếu trong 1 tháng nữa dự án vẫn chưa thể đưa vào khai thác thương mại thì sao?", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng việc đó phải có quyết sách. Còn hiện tại các bên đang nỗ lực và xác định phải hoàn thành. "Những ngày vừa qua, chúng tôi vẫn yêu cầu dù tốn kém đến đâu thì tổng thầu vẫn phải cho tàu chạy liên tục để duy trì hệ thống và thiết bị, quan trọng nữa là đội ngũ duy tu bảo dưỡng của ta phải tiếp cận để sau này bảo đảm vận hành trơn tru".
Theo Bộ GTVT, đến nay, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành nghiệm thu toàn bộ hạng mục xây dựng và thiết bị; hoàn thành công tác nghiệm thu vận hành thử, nghiệm thu đào tạo và chuyển giao công nghệ. Đã thực hiện 2 đợt vận hành thử toàn hệ thống trong năm 2019 và cuối năm 2020. Hiện dự án còn một số tồn tại không lớn và không ảnh hưởng tới công năng, khai thác công trình, sẽ được tổng thầu khắc phục trong giai đoạn bảo hành. Bộ GTVT đang tiếp tục chỉ đạo bổ sung hoàn thiện theo các nội dung khuyến nghị để Công ty Tư vấn ACT (của Pháp) hoàn tất đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống và tiếp tục báo cáo Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng xem xét, có ý kiến cuối cùng.
Ai chống lưng cho xe quá tải?
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu thực trạng xe tải chở quá tải trọng tái diễn tại nhiều địa phương, dẫn đến đường bộ ở nhiều nơi bị xuống cấp. Tình trạng này không chỉ mới tái diễn gần đây, báo chí đã nêu việc những xe vi phạm có logo nhận diện riêng, nghi ngờ có bảo kê, chống lưng. "Dư luận xã hội rất bức xúc và đề nghị công an chỉ đạo điều tra, xác minh trả lời công luận xem có ai chống lưng cho xe quá tải? Có thì xử lý thật nghiêm, không có thì cũng công bố để dư luận bớt nghi ngờ" - Phó Thủ tướng Thường trực chỉ đạo.
Bình luận (0)