Tại điểm cuối tuyến tránh ở xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang xảy ra tình trạng giao thông rất lộn xộn. Các công trình, hệ thống bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến tránh cũng xuống cấp, đặc biệt đèn tín hiệu giao thông điểm đầu và cuối tuyến ngừng hoạt động làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Cây cối che khuất tầm nhìn
Trên toàn tuyến tránh dài 12 km, mặt đường nhiều đoạn đã xuống cấp, xuất hiện ổ gà. Ngoài ra, cây cối rậm rạp lấn hành lang lộ giới, che khuất tầm nhìn.
Ông Trần Văn Chính (ngụ xã Bình Phú, huyện Cai Lậy) cho biết vào các buổi chiều, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Dệt may Ecoway tan ca cùng các phương tiện như xe máy, xe tải, xe khách từ 3 hướng lưu thông qua khu vực này không ai nhường ai nên thường xảy ra va chạm. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra vì tín hiệu đèn không hoạt động.
Xe máy né ổ gà, lấn ra làn ôtô nên rất nguy hiểm
Còn tài xế xe tải Nguyễn Văn Tùng (ngụ xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cho biết: "Tuyến tránh này chỉ có 2 làn xe và không có dải phân cách, cây cối um tùm nên các phương tiện vượt nhau rất nguy hiểm, đặc biệt vào ban đêm. Có lúc kẹt xe trên quốc lộ nên tôi mới cho xe vào đường tránh. Tuy nhiên, xe máy chạy cùng chiều mà không có làn đường dành cho xe máy thì rất nguy hiểm".
Anh Trần Thanh Tuấn, lái xe loại 30 chỗ ngồi từ hướng Mỹ Thuận về Trung Lương, than thở: "Từ ngày cấm xe trên 29 chỗ ngồi trên tuyến ngoài, tôi mới vào đường tránh chứ đường hẹp lại xuống cấp nên chạy còn chậm hơn tuyến quốc lộ, độ nguy hiểm thì nhiều hơn. Bây giờ thêm "ổ gà, ổ voi" thì càng vất vả. Phải chi tuyến tránh này như tuyến tránh Vĩnh Long thì tài xế sẽ đỡ biết mấy".
Đang duy tu, bảo dưỡng?
Theo Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vũ, 12 km tuyến tránh qua Cai Lậy và 26 km Quốc lộ 1 (từ Km 1987 đến Km 2014) do BOT Cai Lậy chịu trách nhiệm duy tu và bảo dưỡng. Tuy nhiên, từ lúc BOT Cai Lậy tạm dừng hoạt động đến nay, việc duy tu đang được chủ đầu tư thực hiện để bảo đảm an toàn giao thông.
Ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang cũng đã kiến nghị Cục Quản lý đường bộ IV triển khai các công tác duy tu, bảo dưỡng một số điểm ổ gà, đoạn đường xuống cấp như điểm giao với đường tỉnh 868. Bên cạnh đó, đơn vị kiến nghị BOT Cai Lậy giao đèn tín hiệu giao thông 2 điểm đầu và cuối tuyến lại cho địa phương quản lý, sử dụng và bảo trì.
Theo một cán bộ CSGT thị xã Cai Lậy, thời gian gần đây, xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông khá nghiêm trọng ở tuyến này, nguyên nhân là do các phương tiện không nhường đường và tài xế thiếu quan sát. "Tuyến đường này quá hẹp, phương tiện lưu thông khá nhiều nên xe chen nhau chạy rất nguy hiểm. Một phần do cây cối che khuất tầm nhìn nên khá nguy hiểm. Cần sớm duy tu để bảo đảm an toàn cho tuyến này" - vị cán bộ CSGT đề nghị.
BOT Cai Lậy (bao gồm làm mới tuyến tránh và nâng cấp đoạn Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy) triển khai năm 2014 và hoàn thành năm 2017 với kinh phí khoảng 1.400 tỉ đồng. Ngày 1-8-2017, BOT Cai Lậy thu phí nhưng do có những diễn biến phức tạp, mất trật tự, an toàn giao thông nên ngày 4-12-2017 Thủ tướng đã chỉ đạo tạm dừng thu phí để nghiên cứu phương án xử lý. Sau đó, dự kiến thu phí trở lại là từ 0 giờ ngày 14-2-2019, tuy nhiên sau đó việc thu phí trở lại đã hoãn cho tới nay.
Năm 2019, Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư đã xem xét thêm phương án mới để thu phí BOT Cai Lậy. Đó là làm thêm trạm thu phí trên tuyến tránh, cả 2 trạm thu phí cùng hoạt động, trạm nào hoàn vốn xong sẽ dỡ trạm đó.
Bình luận (0)