TP HCM trước đây từng thử nghiệm làn ưu tiên cho xe buýt trên đường Trần Hưng Đạo nhưng sau đó dừng lại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục triển khai bởi đó là một trong những giải pháp căn cơ để phát triển loại hình giao thông công cộng này cũng như giảm xe cá nhân và tình trạng ùn tắc.
Khó đúng giờ do kẹt xe
Hầu hết đơn vị vận tải xe buýt tại TP HCM đều cho rằng việc bố trí làn ưu tiên cho xe buýt là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay bởi tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng. Theo lãnh đạo HTX Vận tải 19-5, hiện các tuyến xe buýt do đơn vị đảm nhận có lộ trình lưu thông ở khu vực trung tâm hoặc cận trung tâm, hầu hết đều bị chậm giờ, thậm chí mất chuyến mà nguyên nhân chính là bởi kẹt xe. "Các tuyến xe bảo đảm được thời gian chủ yếu hoạt động ở một số quận, huyện ngoại thành như Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè..., nhờ đường thông thoáng, thế nhưng nhu cầu đi lại không cao. Còn các tuyến chạy gần trung tâm hoặc trung tâm, lượng khách nhiều và tập trung trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, ở khung thời gian này, hầu hết các tuyến đường lại bị kẹt xe, ảnh hưởng rất lớn đến thời gian hoạt động của xe buýt. Vì vậy, nhiều người dù có nhu cầu sử dụng xe buýt nhưng đành chuyển qua phương tiện cá nhân" - lãnh đạo đơn vị trên nhìn nhận và hoàn toàn đồng tình với việc cần bố trí làn đường ưu tiên cho xe buýt.
Xe buýt hiện phải chen giữa dòng xe máy, ôtô cá nhân nên việc bố trí làn đường ưu tiên được nhiều người đồng tình
Ông Nguyễn Văn Lèo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận tải TP HCM (Citranco), nhìn nhận để xe buýt hoạt động hiệu quả, giải pháp quan trọng là phải bố trí làn ưu tiên. Khi đó, xe buýt sẽ được tạo điều kiện thuận lợi, di chuyển nhanh hơn, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí và thu hút khách. "Vấn đề là TP phải có quyết tâm và phương án rõ ràng để thực hiện điều đó" - ông Nguyễn Văn Lèo nói.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng Khoa Kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa TP HCM, đánh giá trong bối cảnh xe buýt được xem là chủ lực của hệ thống giao thông công cộng tại TP nhưng lại đang phải "bơi" giữa dòng xe máy, ôtô cá nhân nên rất khó phát triển. Việc bố trí làn đường ưu tiên cho xe buýt, ông Mai hoàn toàn đồng tình và đề nghị TP phải quyết tâm thực hiện, trước mắt nên triển khai thí điểm. "Tổ chức làn riêng cho xe buýt ban đầu có thể phải đối mặt với sự phản ứng hoặc chưa thực sự thành công như kỳ vọng. Song, theo định hướng lâu dài, nếu không quyết tâm mà chỉ lo ngại thì sẽ không thể làm được. Tuy nhiên, việc thực hiện không phải bất chấp mà phải dựa trên các nghiên cứu khoa học, ưu tiên vấn đề gì trước, vấn đề gì sau. Hơn nữa, cần truyền thông, phân tích cụ thể để người dân và dư luận hiểu về định hướng, sự cần thiết của giải pháp" - PGS Phạm Xuân Mai phân tích.
Nghiên cứu để triển khai
Việc tổ chức làn riêng cho xe buýt, theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, các đơn vị đang nghiên cứu thí điểm trên 2 tuyến đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ. Chủ trương nghiên cứu tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt nằm trong các kế hoạch triển khai chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông tại TP HCM giai đoạn 2016-2020. Nội dung này cũng là một trong những giải pháp thuộc đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng xe cá nhân tại TP. Việc thí điểm làn đường ưu tiên, theo Sở GTVT, nhằm tạo cách nhìn mới về loại hình xe buýt khi có làn đường ưu tiên, có thể di chuyển tốc độ nhanh, hấp dẫn hành khách và từng bước thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Trên cơ sở đó, TP sẽ có đánh giá và nhân rộng để phát triển vận tải hành khách công cộng, đồng thời giảm nhu cầu xe cá nhân để kéo giảm ùn tắc.
Cũng theo Sở GTVT, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng hiện được giao làm chủ đầu tư tổ chức nghiên cứu bằng nguồn vốn quỹ bảo trì đường bộ tại TP. Đơn vị này đã tổ chức lựa chọn tư vấn và chính thức ký hợp đồng với một doanh nghiệp nghiên cứu thực hiện. Hồi tháng 6, trung tâm trình Sở GTVT báo cáo đầu kỳ nội dung tổ chức làn ưu tiên ở 2 tuyến đường trên và báo cáo Hội đồng Tư vấn giao thông đô thị TP nhưng hội đồng này chưa thông qua. Phần lớn các thành viên hội đồng đều thống nhất chủ trương tổ chức làn riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt nhưng giải pháp triển khai thí điểm trên đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ còn nhiều ý kiến trái chiều.
Hiện Hội đồng Tư vấn giao thông đô thị cũng đề nghị chủ đầu tư và đơn vị tư vấn hoàn chỉnh phương án nhằm có thể khẳng định tính khả thi hoặc không khả thi khi chọn 2 tuyến đường nêu trên. Bên cạnh đó, đề xuất các tiêu chí cụ thể khi lựa chọn tuyến đường dự kiến nhằm bảo đảm phù hợp với điều kiện giao thông, đồng thời đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề tác động đến kinh tế - xã hội, điều kiện sinh hoạt, lưu thông của người dân khi triển khai. "Hiện chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đang nghiên cứu trên cơ sở tiếp thu góp ý của thành viên Hội đồng Tư vấn giao thông đô thị. Sau khi chủ đầu tư trình lại kết quả nghiên cứu, Sở GTVT sẽ rà soát, báo cáo Hội đồng Tư vấn giao thông đô thị TP xem xét, có ý kiến làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo" - lãnh đạo Sở GTVT TP HCM cho biết.
Sớm cải thiện khả năng tiếp cận
Đại diện một HTX xe buýt tại TP HCM cho rằng để nâng cao sản lượng khách sử dụng xe buýt, nếu chưa thể làm làn đường ưu tiên thì trước mắt cần cải tạo và tổ chức lại giao thông ở một số trạm dừng, ưu tiên cho xe buýt ra vào. Việc này dễ thực hiện hơn và giúp tăng khả năng tiếp cận của hành khách đối với xe buýt.
Theo đại diện đơn vị trên, không chỉ tình trạng ùn tắc giao thông mà hoạt động của xe buýt còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hàng loạt tuyến đường, vỉa hè bị lấn chiếm. Không ít vị trí xe buýt rất khó khi ra vào đón, trả khách bởi phải cắt ngang dòng xe máy hoặc bị những người buôn bán cản trở. Vấn đề này không chỉ khiến xe buýt khó tiếp cận khách mà còn làm tai nạn gia tăng.
Bình luận (0)